Đặt tên cho con như thế nào cho đúng quy định pháp luật hiện hành

bởi Luật Sư X
đặt tên con

Ông bà ta từ xưa đã có quan niệm rằng đặt tên cho con sẽ mang lại điều tốt đẹp cho con, đúng như ý nguyện mà họ gởi gắm vào trong đó. Xuất phát từ yêu cầu luật hoá các nội dụng phục vụ công tác quản lí mọi mặt đời sống thì hiện nay Nhà nước đã ban hành các điều luật quy định vấn đề này. Cụ thể là tại Bộ luật dân sự 2015


Căn cứ:

Nội dung tư vấn:

1. Họ, tên là một trong những bộ phận cấu thành quyền nhân thân của mỗi cá nhân.

Quyền nhân thân là một quyền gắn liền đối với cá nhân, là một quy định quan trọng trong Bộ luật dân sự. Bộ luật dân sự  quy định về quyền nhân thân như sau:

Điều 25. Quyền nhân thân.

1. Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Như vậy họ tên cùng với khác thông tin định danh khác như ngày tháng năm sinh, chổ ở, số CMTND…v.v là những yếu tố không thể chuyển giao cho người khác. Hay nói cách khác đây là vấn đề gắn liền với mỗi cá nhân, là căn cứ xác lập các mối quan hệ trong đời sống, giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tổ chức (các cơ quan Nhà nước).

2. Quy định đặt tên trong pháp luật Viêt Nam.

Đầu tiên cần phải khẳng định mỗi cá nhân khi sinh ra đều có quyền có họ tên.  Điều này đã được quy định tại Điều 26 Bộ luật dân sự 2015

Điều 26. Quyền có họ, tên

1. Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có)Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.

2. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của người đó.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng.

Cha đẻ, mẹ đẻ được quy định trong Bộ luật này là cha, mẹ được xác định dựa trên sự kiện sinh đẻ; người nhờ mang thai hộ với người được sinh ra từ việc mang thai hộ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.

Như vậy có thể nhận thấy rằng dù cho cá nhân được sinh ra ở đâu, trong hoàn cảnh như thế nào trên lãnh thổ Việt Nam thì quyền có họ, tên vẫn không thể bị tước bỏ, vì bất cứ lí do gì đi chăng nữa.

Tuy nhiên do đặc thù tên gọi cá nhân thường gắn liền với nhiều mặt trong đời sống, do đó để dễ dàng trong việc xác lập các mối quan hệ, trong công tác quản lí nên Nhà nước đã quy định việc đặt tên phải tuân thủ theo các quy định sau:

Điều 26. Quyền có họ, tên.

..

3. Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.

Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.

4. Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình.

5. Việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác

Đầu tiên về quy định tên phải bằng Tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam. Trường hợp đặt tên theo tiếng nước ngoài hay đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ là không đúng theo quy định pháp luật (VD như  Nguyễn QWER, Trần 123 ..v.v.v ). 

Quy định này là quy định mới được đưa vào Bộ luật Dân sự 2015, trước đây Bộ luật dân sự 2005 không quy định về điều này. Sở dĩ Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định cụ thể về đặt tên như vậy là nhằm tạo cơ sở pháp luật thống nhất cho việc xây dựng, cập nhật và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Luật Căn cước công dân năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành (gồm các thông tin như: Số định danh cá nhân; họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi sinh; chứng minh nhân dân; mã số thuế cá nhân; trình độ học vấn…) Do đó trước thời điểm ngày 01 tháng 01 năm 2017 (thời điểm Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực)  đã xuất hiện rất nhiều trường hợp đặt tên cho con theo tên nước ngoài.

VD: Vì quá hâm mộ cặp sinh ba nổi tiếng Hàn Quốc Daehan – Minguk – Manse, bà mẹ  đã đặt luôn tên con là Lê Vũ Minguk. Hay  trường hợp vì yêu mến nhà lãnh đạo Cuba Phidel Castro nên cha mẹ đã đặt tên cho con là Đỗ Phi ĐenCacstrô. Hay những cái tên khác như Trịnh Thị Noel..v.v cũng là tên không phù hợp vì mang yếu tố tiếng nước ngoài.

Thứ hai, việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này. Tuy nhiên đối với quy định này thì đến nay vẫn chưa có hướng dẫn như thế nào là xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Cuối cùng, nếu trường hợp không phải là tên khai sinh nhưng nếu sử dụng tên dưới dạng bút danh, bí danh thì không được gây thiệt hại quyền, lợi ích hợp pháp của người khác – Khoản 5 Điều 26 Bộ luật dân sự 2015.

Ngoài các trường hợp nêu trên, Bộ luật Dân sự không hạn chế độ dài của tên, tức cha mẹ có thể đặt tên con có một hoặc nhiều chữ.

VD như các tên Nguyễn Bá Đạo, Phạm Thị Lâu Ra (Lưu ý là Lâu Ra thì được, còn nếu là Laura thì không vì Laura là tiếng nước ngoài), Phạm Thị Dâng Hiến, Trần Văn Trọng Quá Đẹp Trai, Phạm Công Cúc Hoa Ngọc Lê Na…v.v là những cái tên hợp lệ.

Tuy nhiên lời khuyên cho các bậc phụ huynh là hãy đặt tên cho con theo tiếng Việt để dễ đọc, dễ viết, tránh tình trạng đọc sai, viết sai ảnh hưởng đến lợi ích của con sau này. Tối nhất là những tên thuần Việt mang ý nghĩa may mắn, tốt đẹp vì tên của con sẽ gắn liền với con suốt cả một đời. Nhưng nếu vì lí do gì đó lúc khai sinh cho con bạn đặt tên cho con như thế và giờ lại muốn thay đổi thì phải làm sao? Không sao cả, hãy tham khảo bài viết sau: Thủ tục thay đổi tên khai sinh

Hy vọng bài viết có ích cho bạn !

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ đổi tên khai sinh tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay

 

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm