Đội tuyển bóng đá Việt Nam vừa làm nên kì tích khi lần đầu tiên trong lịch sử vào tới bán kết ASIAD. Để ăn mừng chiến công vĩ đại này, rất nhiều cổ động viên đã “đi bão” ngay sau trận đấu để ăn mừng. Tuy nhiên, việc “đi bão” cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể bị xử phạt theo pháp luật. Hãy cùng LSX đánh giá vấn đề này dưới góc nhìn pháp lý nhé.
LSX xin đưa ra ý kiến tham khảo như sau:
Căn cứ:
- Bộ luật hình sự 2015
- Nghị định 46/2016/NĐ-CP
Nội dung tư vấn
“Đi bão” là một từ hết sức mới, ở đây chỉ hành động xuống đường ăn mừng một sự kiện xảy ra, thường người đi bão sẽ sử dụng phương tiện giao thông để di chuyển. Khi tiến hành đi bão thì người đi bão rất có thể có những hành vi quá khích như đua xe, bấm còi buổi đêm, kẹp ba,… Hãy cùng LSX điểm qua một số hành vi tiêu biểu và quy định xử lý của pháp luật.
1. Đua xe
Hẳn ai cũng hiểu, đua xe là việc từ 2 người trở lên sử dụng phương tiện giao thông chạy đua với nhau xem ai về đích trước. Hành vi này bị cấm theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp đua xe thể thao được cho phép), ai vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Đua xe có thể bị xử phạt hành chính theo điều 34 nghị định 46/2016/NĐ-CP:
Điều 34. Xử phạt người đua xe trái phép, cổ vũ đua xe trái phép
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Tụ tập để cổ vũ, kích động hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép;
b) Đua xe đạp, đua xe đạp máy, đua xe xích lô, đua xe súc vật kéo, cưỡi súc vật chạy đua trái phép trên đường giao thông.
2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép.
…
Hành vi phổ biến nhất là đua mô tô, xe gắn máy với mức phạt là 7 – 8 triệu đồng. Nếu đua ô tô thì mức phạt sẽ là 8- 10 triệu đồng. Hành vi cổ vũ đua xe cũng sẽ bị xử phạt từ 1 – 2 triệu đồng. Dễ thấy là mức phạt này khá “chát” cho các dân tổ lái.
Nếu tổ chức đua xe hoặc đua xe gây ra hậu quả nghiêm trọng như làm chết, bị thương người khác hay thiệt hại tài sản giá trị lớn thì có thể bị xử lý hình sự theo điều 265, 266 bộ luật hình sự:
Điều 265. Tội tổ chức đua xe trái phép
1. Người nào tổ chức trái phép việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 04 năm đến 10 năm:
a) Tổ chức cho 10 xe tham gia trở lên trong cùng một lúc hoặc tổ chức 02 cuộc đua xe trở lên trong cùng một lúc;
…
Điều 266. Tội đua xe trái phép
1. Người nào đua trái phép xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc Điều 265 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
Mức hình phạt tối đa cho tội tổ chức đua xe là tù chung thân, còn tội đua xe là 15 năm tù giam. Mức phạt này hết sức nghiêm khắc và có tính răn đe cao. Song, nhiều thanh niên vẫn bất chấp những hậu quả có thể xảy ra để tiên hành đua xe mỗi mùa bóng đá.
2. Bấm còi xe ban đêm
Hành vi bấm còi xe vào ban đêm (22h đêm – 5h sáng) sẽ bị xử phạt hành chính theo nghị định 46/2016/NĐ-CP. Mức phạt đối với ô tô và xe máy là khác nhau (điều 5 và 6 nghị định 46/2016 NĐ-CP):
- Ô tô: 100k – 200k
- Xe máy: 80k – 100k
Một lưu ý là hành vi này chỉ bị xử phạt khi diễn ra trong khu đông dân cư
3. Chiếu đèn pha khi đi đường
Ánh sáng tối đa là điều không thể thiếu đối với nhiều thanh niên đi bão. Bởi vậy họ bật đèn pha một cách vô tội vạ, bất chấp việc gây nguy hiểm cho người khác. Hành vi bật đèn pha tại khu đô thị, khu đông dân cư sẽ bị xử phạt hành chính theo điều 5 và điều 6 nghị định 46/2016 NĐ-CP. Mức phạt cụ thể như sau:
- Ô tô: 600k – 800k
- Xe máy: 80k – 100k
4. Kẹp ba khi đi xe máy
Đi xe máy thì không được kẹp ba (3 người ngồi trên xe) trừ khi là trường hợp khẩn cấp. Đây là kiến thức mà bất cứ ai đi xe máy thì cũng phải biết. Tuy nhiên, trong những ngày này khi Việt Nam chiến thắng thì hình ảnh của những “người vận chuyển” không hề hiếm gặp. Kẹp ba, kẹp bốn thậm chí là năm người. Hành vi này cũng sẽ bị xử phạt hành chính theo điều 6 nghị định 46/2016/NĐ-CP với mức phạt như sau:
- Kẹp ba (chở 2 người): 100k – 200k
- Chở 3 người trở lên: 300k – 400k
Một hành vi vi phạm “kinh điển” nhưng vẫn luôn xảy ra đó là không đội mũ bảo hiểm và cài quai đúng quy định khi đi xe máy. Đặc biệt, khi đi bão ăn mừng thì hành vi này càng phổ biến hơn nữa. Hình phạt cho hành vi vi phạm này theo điều 6 nghị định 46/2016/NĐ- CP như sau:
Điều 6. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
…
3. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
….
i) Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ;
k) Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;
Mức phạt sẽ là từ 100k – 200k cho hành vi này. Mức phạt thì không cao, nhưng có những người vi phạm thậm chí tất cả các hành vi nêu trên thì e số tiền sẽ không phải nhỏ.
Hành vi hò hét, say rượu, gây gổ, tụ tập mất trật tự có thể bị xử phạt hành chính theo nghị định 167/2013/NĐ-CP:
Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
…
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;
b) Báo thông tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
c) Say rượu, bia gây mất trật tự công cộng;
d) Ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác;
đ) Tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng;
…
Mức phạt hành chính là từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu hành vi này gây hậu quả nặng hoặc người vi phạm đã từng bị xử phạt mà lại tái phạm thì có thể bị xử lý hình sự (điều 318 bộ luật hình sự):
Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
…
Mức án trong trường hợp này không hề nhẹ, nặng nhất lên đến 7 năm tù giam.
Trên thực tế, dù đã có quy định rõ ràng nhưng những hành vi vi phạm này vẫn diễn ra hết sức phổ biến mỗi khi bóng đá Việt Nam đạt thành tích! Nhiều đồng chí công an, trật tự thậm chí còn sẵn sàng thông cảm, bỏ qua cho người vi phạm vì “ngày vui mà”. Không biết là nên vui hay nên buồn khi tình trạng này nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới đây. Hi vọng mỗi người sẽ tự ý thức không vi phạm pháp luật, để bảo vệ chính bản thân mình và những người xung quanh.
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ hôn nhân và gia đình tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102