Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là chế định pháp luật rất được các nhà luật học và xã hội quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu vì chế định này có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển các giao lưu dân sự, gián tiếp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội. Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có thể được phân lọai theo nhiều cách thức khác nhau tuy, theo quy định hiện hành thì chia ra 9 loại biện pháp. Trong đó có ký quỹ. Vậy ký quỹ là gì? Bản chất ra sao? Có điểm gì khác so với các biện pháp khác?… Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây nhé!
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Nội dung tư vấn
1. Khái niệm ký quỹ
Ký quỹ được quy định riêng thành điều khoản trong Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
Điều 330. Ký quỹ
1. Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.
2. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ.
3. Thủ tục gửi và thanh toán thực hiện theo quy định của pháp luật.
Như vậy có thể hiểu ký quỹ là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thông qua việc bên có nghĩa vụ sẽ phải gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ của mình.
Từ quy định trên có thể rút ra được một số đặc điểm để nhận diện biện pháp ký quỹ như sau:
- Về chủ thể: có sự xuất hiện của 3 bên là bên ký quỹ, ngân hàng (tổ chức tín dụng) nhận ký quỹ và bên có quyền được ngân hàng thanh toán, bồi thường thiệt hại.
- Về đối tượng: đối tượng của biện pháp ký quỹ là tiền, kim khí quý, đá quý và giấy tờ có giá khác.
- Về tính chất: nghĩa vụ phát sinh từ biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự theo hình thức ký quỹ là nghĩa vụ phụ thuộc vào nghĩa vụ chính, không phát sinh từ khi nghĩa vụ chính thực hiện.
- Về mục đích: bảo đảm cho việc các chủ thể có quyền được thanh toán bồi thường thiệt hại khi bên ký quỹ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình.
2. Các quy định pháp luật về biện pháp ký quỹ
Quy định về biện pháp ký quỹ trong Bộ luật Dân sự năm 2015 mới chỉ là quy định chung, tổng quát nhất và được cụ thể hóa, chi tiết hóa tại pháp luật chuyên ngành. Có thể thấy biện pháp ký quỹ được quy định khá chặt chẽ trong hệ thống pháp luật như pháp luật đầu tư, môi trường, ngân hàng, và các lĩnh vực khác… Tuy nhiên điển hình nhất là trong lĩnh vực đầu tư, môi trường. Vì vậy Luật sư X sẽ làm rõ quy định về ký quỹ trong 2 lĩnh vực pháp luật này.
Thứ nhất, trong pháp luật đầu tư
Điều 42. Bảo đảm thực hiện dự án đầu tư
1. Nhà đầu tư phải ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
2. Mức ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án từ 1% đến 3% vốn đầu tư của dự án căn cứ vào quy mô, tính chất và tiến độ thực hiện của từng dự án cụ thể.
3. Khoản ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được hoàn trả cho nhà đầu tư theo tiến độ thực hiện dự án đầu tư, trừ trường hợp không được hoàn trả.
Theo đó ký quỹ là biện pháp bảo đảm thực hiện dự án đầu tư của nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải ký quỹ trong trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, trừ các trường hợp sau:
- Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;
- Nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
- Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ hoặc đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản quyết định chủ trương đầu tư;
- Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác;
- Nhà đầu tư là đơn vị sự nghiệp có thu, công ty phát triển khu công nghệ cao được thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu chức năng trong khu kinh tế.
Hình thức ký quỹ: việc kỹ quỹ thể hiện bằng văn bản trên cơ sở sự thỏa thuận giữa Cơ quan đăng ký đầu tư và nhà đầu tư
Thời điểm kỹ quỹ:
- Với dự án đầu tư phải quyết định chủ trương đầu tư: sau khi dự án đầu tư được quyết định chủ trương đầu tư nhưng phải trước thời điểm giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
- Với dự án đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư thì thời điểm ký quỹ là thời điểm giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Mức ký quỹ: được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên vốn đầu tư của dự án đầu tư quy định tại văn bản quyết định chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như sau:
- Đối với phần vốn đến 300 tỷ đồng, mức ký quỹ là 3%;
- Đối với phần vốn trên 300 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng, mức ký quỹ là 2%;
- Đối với phần vốn trên 1.000 tỷ đồng, mức ký quỹ là 1%.
Trong đó: vốn đầu tư của dự án không bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nộp cho nhà nước và chi phí xây dựng các công trình công cộng thuộc dự án đầu tư. Đối với dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trong từng giai đoạn, mức ký quỹ được tính theo vốn đầu tư của dự án tương ứng với từng giai đoạn giao đất, cho thuê đất.
Ngân hàng thực hiện ký quỹ: Tiền ký quỹ được nộp vào tài khoản của Cơ quan đăng ký đầu tư mở tại ngân hàng thương mại tại Việt Nam theo lựa chọn của nhà đầu tư. Nhà đầu tư chịu chi phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản ký quỹ và thực hiện các giao dịch liên quan đến tài khoản ký quỹ. Nhà đầu tư đã tạm ứng tiền giải phóng mặt bằng, tái định cư được hoãn thực hiện nghĩa vụ ký quỹ tương ứng với số tiền giải phóng mặt bằng, tái định cư đã tạm ứng.
Thứ hai, theo quy định pháp luật môi trường
Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 đã quy định về từng loại phế liệu nhập khẩu, trọng lượng để áp dụng mức ký quỹ khác nhau. Trong đó, tổ chức, cá nhân nhập khẩu giấy phế liệu và nhựa phế liệu dưới 100 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng; nhập khẩu từ 100 tấn đến dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 18% tổng giá trị lô hàng và nhập khẩu từ 500 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng
Đối với phế liệu sắt, thép khối lượng nhập khẩu dưới 500 tấn phải ký quỹ 10% tổng giá trị lô hàng; khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn đến dưới 1.000 tấn phải ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng; khối lượng nhập khẩu từ 1.000 tấn trở lên phải ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng.
Các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu không thuộc đối tượng trên phải thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu với số tiền được quy định là 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.
Mục đích của ký quỹ là để đảm bảo tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu chịu trách nhiệm khắc phục các rủi ro môi trường do việc không tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu phế liệu.
Việc ký quỹ sẽ thực hiện tại Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc ngân hàng thương mại nơi tổ chức, cá nhân mở tài khoản giao dịch chính. Tiền ký quỹ được nộp, hoàn trả bằng tiền đồng Việt Nam và được hưởng lãi suất không kỳ hạn kể từ ngày ký quỹ. Đặc biết, việc ký quỹ phải được thực hiện trước khi tiến hành thủ tục thông quan phế liệu nhập khẩu ít nhất 15 ngày làm việc.
Tuy nhiên ngoài các quy định trong pháp luật đầu tư, pháp luật môi trường thì quy định về ký quỹ trong Bộ luật Dân sự 2015 đã bộc lộ những bất cập so với quy định pháp luật khác:
Thứ nhất, Theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Dân sự 2015 thì các tài sản không được sử dụng đê ký quỹ bao gồm: động sản, ngoại trừ kim khí quý hoặc đá quý, bất động sản và quyền tài sản.Đồng thời, nếu theo đúng quy định trên thì luôn có 3 bên tham gia và giao dịch ký quỹ, đó là bên có nghĩa vu (bên ký quỹ), bên có quyền (bên nhận ký quỹ) và tổ chức tín dụng. Thủ tục gửi và thanh toán ký quỹ được thực hiện theo quy định của pháp luật cũng thường có sự tham gia của các tổ chức tín dụng như ký quỹ để đi làm việc ở nước ngoài, ký quỹ để cho thuê lại lao động, ký quỹ bảo đảm dự thầu hay ký quỹ để xin giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm.
Điều 9 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006, quy định:
Điều 9. Điều kiện cấp Giấy phép
Doanh nghiệp có vốn pháp định quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật này có đủ các điều kiện sau đây thì được cấp Giấy phép:
4- Có tiền ký quỹ theo quy định của Chính phủ.
Đối vối lĩnh vực ngân hàng thì việc ký quỹ có thể chỉ có sự tham gia của hai bên là bên ký quỹ (bên có nghĩa vụ) và bên tổ chức tín dụng (cũng đồng thời là bên có quyền và bên nhận ký quỹ, thay vì lại phải ký quỹ ở một tổ chức tín dụng khác).Hay theo một số quy định khác thì giao dịch ký quỹ lại không nhất thiết phải có sự tham gia của tổ chức tín dụng. Chẳng hạn, các công ty chứng khoán cũng thực hiện việc ký quỹ.
Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 cũng quy định tại khoản 2 Điều 8
Điều 8. Quyền hoạt động ngân hàng
2. Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán
Như vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã không bao quát được các trưòng hợp theo quy định của pháp luật ngân hàng và trên thực tế lâu nay là ngoài trưòng hợp ký quỹ ba bên, thì đang thừa nhận quan hệ ký quỹ chỉ có hai bên. Những vấn đề bất cập về việc ký quỹ này cũng đã được Hội đồng thẩm định dự thảo Bộ luật Dân sự tại Bộ Tư pháp kiến nghị, nhưng đã không được xử lý.
Thứ hai, về quyền và nghĩa vụ của bên ký quỹ và bên nhận ký quỹ
Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch đảm bảo, cụ thể về quyền và nghĩa vụ của bên ký quỹ, bên nhận ký quỹ và bên tổ chức tín dụng (nơi ký quỹ) trong hợp đồng ký quỹ như sau:
- Một là, tổ chức tín dụng có nghĩa vụ: thanh toán theo yêu cầu của bên nhận ký quỹ trong phạm vi giá trị tài sản ký quỹ, sau khi trừ chi phí dịch vụ ký quỹ; hoàn trả tài sản ký quỹ còn lại cho bên ký quỹ sau khi trừ chi phí dịch vụ ký quỹ và sô’ tiền đã thanh toán theo yêu cầu của bên nhận ký quỹ khi chấm dứt ký quỹ (Điều 35)
- Hai là, tổ chức tín dụng có quyền: yêu cầu bên nhện ký quỹ thực hiện đúng thủ tục dể được thanh toán, bồi thường thiệt hại; được hưởng chi phí dịch vụ ký qu. (Điều 36)
- Bà là, bên ký quỹ có nghĩa vụ: thực hiện ký quỹ tại tổ chức tín dụng mà bên nhận ký quỹ chỉ định hoặc chấp nhận; nộp đủ tài sản ký quỹ theo đúng thỏa thuận với bên nhận ký quỹ; thỏa thuận vối tổ chức tín dụng về điều kiện thanh toán theo đúng cam kết với bên nhận ký quỹ;(Điều 37)
- Bốn là, bên ký quỹ có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng hoàn trả tài sản ký quỹ sau khi trừ chi phí dịch vụ ký quỹ và sô’ tiền đã thanh toán theo yêu cầu của bên nhận ký quỹ khi chấm dứt ký quỹ; (Điều 38)
- Năm là, bên nhận ký quỹ có nghĩa vụ thực hiện theo đúng thủ tục khi yêu cầu tổ chức tín dụng thanh toán; (Điều 39)
- Sáu là, bên nhận ký quỹ có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng thanh toán đầy đủ, đúng hạn (Điều 40)
Theo quy định của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP có thể hiểu, tổ chức tính dụng chỉ mở tài khoản và thanh toán theo yêu cầu của bên nhận ký quỹ. Như vậy, có thể dẫn đến tình huống, chỉ đảm bảo quyền lợi cho bên nhận ký quỹ, mà không bảo đảm quyền lợi cho bên ký quỹ, vì tổ chức tín dụng chỉ thực hiện theo yêu cầu của bên nhận ký quỹ.
Vì vậy, các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận khác, chẳng hạn mở tài khoản và thanh toán theo lệnh của một trong ba bên như sau: Bên tổ chức tín dụng có quyền và nghĩa vụ tự động trích tiền từ tài khoản để thanh toán, bồi thường thiệt hại cho Bên nhận ký quỹ khi phát sinh một hoặc trong cả ba trường hợp sau đây:
- Là theo yêu cầu tại văn bản thỏa thuận của bên ký quỹ và bên nhận ký quỹ;
- Là theo văn bản yêu cầu của bên ký quỹ
- Là theo văn bản yêu cầu của bên nhận ký quỹ. Trường hợp thứ nhất thì dễ dẫn đến bế tắc nếu như hai bên không thông nhất được với nhau.
Hai trường hợp còn lại thì bảo đảm quyền lợi cho bên này nhưng lại không bảo đảm quyền lợi cho bên kia. Vì vậy, các bên có thể thỏa thuận tổ chức tín dụng sẽ thanh toán theo yêu cầu của bên ký quỹ và hoặc bên nhận ký quỹ, nếu như trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của tổ chức tín dụng, mà bên được thông báo không có văn bản phản đối. Trường hợp một trong các bên phản đối, thì vụ việc có tranh chấp, nên tổ chức tín dụng sẽ chỉ thanh toán khi bên ký quỹ và bên nhận ký quỹ đã giải quyết xong tranh chấp.
3. Phân biệt ký quỹ và ký cược
Mỗi biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đều có những đặc trưng riêng, tuy nhiên hiện nay nhiều người vẫn dễ nhầm tưởng giữa ký cược và ký quỹ. Ký quỹ và ký cược là hai biện pháp bảo đảm hoàn toàn độc lập với nhau, cụ thể:
Tiêu chí | Ký quỹ | Ký cược |
khái niệm | Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ. | Ký cược là việc bên thuê tài sản là động sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản ký cược) trong một thời hạn để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê. |
Đặc điểm |
– Đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ – Tài sản ký quỹ: một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá – Bên nhận tài sản ký quỹ: Một tổ chức tín dụng (tài sản ký quỹ được phong tỏa) – Quan hệ 3 bên: Bên có nghĩa vụ bên có quyền, tổ chức tín dụng – Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ. |
– Đối tượng ký cược: tiền, kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác – Việc giao tài sản ký cược có thời hạn – Mục đích đảm bảo trả lại tài sản thuê (động sản) – Tài sản ký cược được hoàn trả khi trả lại tài sản thuê và trả tiền thuê tài sản |
Nội dung |
Với biện pháp ký quỹ 2 bên có thể mở một tài khoản tại ngân hàng nhưng không được dùng tài khoản khi chưa chấm dứt hợp đồng. Mặc dù vẫn là chủ của tài khoản đó nhưng bên có nghĩa vụ không được thực hiện bất kỳ một giao dịch rút tiền nào từ tài khoản đó bởi số tài khoản ký quỹ đó được xác định để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ trước bên có quyền. Tài sản dùng để ký quỹ cũng tương tự như tài sản dùng để đặt cọc, ký cược đó là tiền, kim khí quý, đá quý, giấy tờ có giá được bằng tiền. Khác với cầm cố tài sản đối với ký quỹ, quyền tài sản không thể được dùng để ký quỹ |
Biện pháp này được áp dụng để đảm bảo cho việc trả lại tài sản trong hợp đồng thuê tài sản. Tài sản thuê có tính chất của động sản, có sự chuyển giao từ bên cho thuê sang bên thuê. Ký cược cũng mang đặc tính có khả năng thanh khoản cao như: tiền, kim khí quý, đá quý, các tài sản có giá trị khác. Giá trị của tài sản ký cược ít nhất phải tương đương với giá trị tài sản thuê, vì nó bao gồm cả giá trị tài sản thuê và khoản tiền thuê để bồi thường cho bên thuê nếu tài sản thuê không được trả lại. Do vậy, những biện pháp này cũng chủ yếu được áp dụng đối với những hợp đồng thuê tài sản có giá trị nhỏ, hay việc sử dụng tài sản dễ bị hư hỏng. |
Mục đích | Bảo đảm: việc được thanh toán bồi thường thiệt hại khi bên bảo đảm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình. |
Bảo đảm: nghĩa vụ giao trả động sản, nghĩa vụ trả tiền thuê của bên có nghĩa vụ
|
Hậu quả pháp lý |
Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ. |
Trường hợp tài sản thuê được trả lại thì bên thuê được nhận lại tài sản ký cược sau khi trả tiền thuê; nếu bên thuê không trả lại tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền đòi lại tài sản thuê; nếu tài sản thuê không còn để trả lại thì tài sản ký cược thuộc về bên cho thuê.
|
4. Một số lưu ý về biện pháp ký quỹ
Thứ nhất về đối tượng ký quỹ:
Theo Khoản 1 Điều 360 Bộ luật Dân sự năm 2005: Đối tượng của biện pháp kí quỹ là Tiền, kim khí, đá quý, giấy tờ có giá khác .
Khoản tiền, kim khí, đá quý hoặc giấy tờ có giá được gửi vào ngân hàng có thể giá trị của nó sẽ lớn hơn rất nhiều lần phạm vi nghĩa vụ phải thực hiện nhưng khi mà bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ hay thực hiện không đúng thì cũng chỉ sử dụng giá trị các tài sản này để giải quyết xong phạm vi nghĩa vụ phát sinh còn số giá trị tài sản còn lại khi đã thực hiện còn nghĩa vụ thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người có nghĩa vụ.
Thứ hai về điều kiện ký quỹ:
Biện pháp bảo đảm bằng hình thức ký quỹ phát sinh khi có sự thỏa thuận giữa bên có quyền và bên có nghĩa vụ.
Sự thỏa thuận này chỉ được thể hiện ở chỗ giữa người có quyền và người có nghĩa vụ đã thỏa thuận biện pháp bảo đảm là ký quỹ mà còn được thể hiện ở chỗ: Đối tượng ký quỹ là tài sản gì (tiền, vàng, giấy tờ có giá, hay các vật có giá trị khác); hai bên có thỏa thuận để đi tới thống nhất dùng loại tài sản nào để ký quỹ, ký quỹ ở ngân hàng nào và ký quỹ bao nhiêu…
Thứ ba về việc thực hiện biện pháp ký quỹ:
Biện pháp ký quỹ có mặt của một chủ thể trung gian trong quan hệ pháp luật dân sự này, đó là sự có mặt của ngân hàng nhằm đảm bảo độ an toàn cao cho các bên, nghĩa là đảm bảo quyền lợi của các bên được thực hiện. Chính vì vậy, khi bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng thì khi đó vai trò của ngân hàng là đứng ra dùng tài sản đã được ký quỹ trước đó để thanh toán cho bên có quyền. Khi đó ngân hàng cũng có quyền thu một khoản chi phí dịch vụ ngân hàng từ tài khoản đã được ký quỹ.
Như vậy, từ những phân tích trên có thể hiểu rõ pháp bảo đảm ký quỹ và nhận ra được những ưu, nhược điểm của biện pháp này để áp dụng một cách tốt nhất cho một trường hợp cụ thể.
Hy vọng bài viết hữu ích với bạn!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư dân sự tại Việt Nam.
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay hotline: 0833.102.102