Người gây thiệt hại chết, đòi bồi thường từ ai?

bởi Luật Sư X
Người gây thiệt hại chết, đòi bồi thường từ ai?
Nguyên tắc gây thiệt hại thì phải bồi thường là điều hiển nhiên mà ai cũng biết. Tuy nhiên, trong trường hợp người gây thiệt hại chưa bồi thường thì đã chết thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ thuộc về ai hay chết là hết và sẽ không cần bồi thường thiệt hại. Hãy đọc bài viết này của Luật sư X để biết câu trả lời nhé!

Căn cứ pháp lý

Nội dung tư vấn

1. Căn cứ phát sinh bồi thường thiệt hại

Gây ra thiệt hại cho người khác phải bồi thường thiệt hại là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, một người muốn yêu cầu người khác phải bồi thường thiệt hại do chính hành vi gây ra thiệt hại của người thực hiện thì người yêu cầu cần phải dựa trên căn cứ phát sinh bồi thường thiệt hại mà pháp luật đã quy định. Cụ thể thì Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Theo đó, căn cứ để  làm phát sinh bồi thường thiệt hại gồm:
  • Người có hành vi xâm phạm tính mạng sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại dù là lỗi với lỗi cố ý hay vô ý đều phải bồi thường. 
  • Tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản  phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. 
  • Tuy nhiên, nếu bên gây thiệt hại chứng minh được thiệt hại gây ra do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại thì bên gây thiệt hại không phải bồi thường.

2. Người dưới 15 tuổi gây thiệt hại, cha mẹ phải bồi thường

Khi có đủ căn cứ phát sinh bồi thường thiệt hại kể trên, thì người gây thiệt hại phải bồi thường cho người bị thiệt hại là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, trong trường hợp người gây thiệt hại chưa thành niên hoặc thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự thì cha mẹ người gây thiệt hại sẽ bồi thường thay. Cụ thể theo Điều 74 của Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định như sau:

Điều 74. Bồi thường thiệt hại do con gây ra

Cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây ra theo quy định của Bộ luật dân sự.

Theo đó, sẽ có 2 trường hợp mà cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con gây ra: Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định rõ các trường hợp cụ thể mà cha mẹ chỉ phải chịu bồi thường thiệt hại hoàn toàn hoặc một phần do con con gây ra, cụ thể:

Điều 586. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân

1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

Theo đó, pháp luật chia ra các trường hợp mà cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con gây ra: Con đã thành niên: từ đủ 18 tuổi trở lên
  • Con mất năng lực hành vi dân sự,  con có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi : cha mẹ dùng tài sản của con hoặc tài sản của mình để bồi thường tùy trường hợp
  • Con có năng lực hành vi dân sự đầy đủ: con phải tự chịu trách nhiệm 
Con chưa thành niên:
  • Con chưa đủ 15 tuổi: cha mẹ bồi thường toàn bộ thiệt hại, nếu tài sản cha mẹ không đủ thì dùng tài sản riêng của con (nếu có) để bồi thường phần còn thiếu
  • Con từ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi: Bồi thường tài sản bằng tài sản của con, nếu không đủ thì bố mẹ dùng tài sản của mình để bồi thường phần còn thiếu.

3. Người gây thiệt hại chết, đòi bồi thường từ ai?

Người từ 15 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự trở lên, gây thiệt hại thì phải tự bồi thường bằng tài sản của mình. Nhưng trong trường hợp người gây thiệt hại chết thì người bị thiệt hại sẽ phải đòi bồi thường ai. Mọi người vẫn hay quan niệm chết là hết, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng, trong trường hợp người gây thiệt hại chết thì nghĩa vụ bồi thường thiệt hại sẽ do những người thừa kế di sản của người đó chịu trách nhiệm thực hiện. Bộ luật Dân sự 2015 quy định cụ thể về điều này như sau:

Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Theo đó, những người được nhận thừa kế của người gây thiệt hại sẽ có nghĩa vụ thực hiện bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại thay cho người đó bằng phần di sản do người đó để lại và chỉ bồi thường trong phạm vi phần tài sản mà họ được nhận. Nếu di sản của người gây thiệt hại được chia theo di chúc thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu những người được ghi trong di chúc là người thừa hưởng di sản bồi thường thiệt hại cho mình. Còn trong trường hợp, người gây thiệt hại không để lại di chúc và di sản được chia theo pháp luật thì những người sau đây sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại thay cho người gây thiệt hại:

  • Hàng thừa kế thứ nhất: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  • Hàng thừa kế thứ hai: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  • Hàng thừa kế thứ ba: Cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Trong đó, thứ tự ưu tiên hưởng thừa kế được sắp xếp theo thứ tự các hàng thừa kế. Những người có tên trong hàng thừa kế thứ nhất phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của người chết trước. Nếu hàng thừa kế trước không còn ai thì hàng thừa kế sau phải thực hiện. Trong trường hợp này, nếu người gây thiệt hại chết thì bạn có quyền yêu cầu vợ/ chồng, cha, mẹ, con… của người đó bồi thường thiệt hại thay.

Như vậy, nếu trong trường hợp người gây thiệt hại chết mà dưới 15 tuổi thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cha, mẹ bồi thường thay. Nếu người gây thiệt hại để lại di sản thừa kế thì bạn có thể yêu cầu những người được nhận thừa kế sẽ thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp bạn có yêu cầu nhưng những người này không thực hiện thì bạn có khởi kiện tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự để đòi bồi thường thiệt hại.

Hy vọng bài viết hữu ích cho bạn!

Thông tin liên hệ Luật Sư X

Trên đây là nội dung tư vấn về Người gây thiệt hại chết, đòi bồi thường từ ai? Mọi thắc mắc về thủ tục pháp lý có liên quan. Quý khách vui lòng liên hệ Luật Sư X để được hỗ trợ, giải đáp.

Gọi ngay cho chúng tôi qua hotline: 0833.102.102.

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm