Vào biên chế nhà nước trở thành mục tiêu, niềm khao khát của nhiều người bởi vị trí này đảm bảo sự ổn định cho đến tuổi nghỉ hưu, nếu không thuộc diện bị tinh giảm biên chế hoặc không tự nguyện nghỉ việc. Một trong những cách để vào biên chế nhà nước là tham gia dự tuyển thi công chức. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể nắm rõ thông tin quy định cụ thể về cuộc thi tuyển hằng năm này. Vì vậy, bài viết này sẽ cung cấp những thông tin cơ bản cần biết về thi tuyển công chức.
Căn cứ pháp lí
- Luật cán bộ, công chức 2008
- Nghị định 161/2018/NĐ-CP
- Thông tư 13/2010/TT-BNV
Nội dung tư vấn
1. Điều kiện để tham gia dự tuyển thi công chức:
Vào biên chế nhà nước là mục tiêu phấn đấu của không ít người. Một trong những cách mà mọi người thường nỗ lực để vào biên chế là tham gia dự tuyển thi công chức hằng năm của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể được tham gia vào cuộc thi này vì để tham gia thì người đăng ký phải đáp ứng những điều kiện nhất định do Nhà nước đặt ra. Cụ thể những điều kiện này được quy định tại Luật Cán bộ, công chức 2008 như sau:
Điều 36. Điều kiện đăng ký dự tuyển công chức
1. Người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển công chức:
a) Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam;
b) Đủ 18 tuổi trở lên;
c) Có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng;
d) Có văn bằng, chứng chỉ phù hợp;
đ) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;
e) Đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ;
g) Các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển.
2. Những người sau đây không được đăng ký dự tuyển công chức:
a) Không cư trú tại Việt Nam;
b) Mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
c) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.
Theo đó, thì một người muốn đăng ký tham gia dự tuyển công chức thì phải đáp ứng đủ 7 điều kiện nêu trên và không thuộc vào trường hợp không được đăng ký tham gia dự tuyển công chức.
2. Nội dung thi xét tuyển công chức:
Sau khi đăng ký tham gia dự tuyển công chức thành công, thì người tham gia phải trải qua hai vòng xét tuyển để có thể trở thành công cức nhà nước. Cụ thể 2 vòng này gồm:
Vòng 1: Thi trắc nghiệm được thực hiện bằng hình thức thi trên máy vi tính.
Nội dung thi trắc nghiệm gồm 3 phần
- Phần I: Kiến thức chung 60 câu hỏi về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội; quản lý hành chính nhà nước; công chức, công vụ; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực tuyển dụng; chức trách, nhiệm vụ của công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển.
- Phần II: Ngoại ngữ 30 câu hỏi là một trong năm thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc hoặc ngoại ngữ khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định. Đối với vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn là ngoại ngữ thì người dự tuyển không phải thi ngoại ngữ tại vòng này
- Phần III: Tin học 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm. Đối với vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn là tin học thì người dự tuyển không phải thi tin học tại vòng này
Thí sinh nào thi đậu vòng 1 thì mới được cơ quan tổ chức thi tuyển dụng thông báo triệu tập thi tiếp vòng 2.
Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành
- Nội dung thi: Kiến thức, năng lực, kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.
- Hình thức thi: Thi phỏng vấn hoặc thi viết.
3. Trình tự tham gia thi tuyển công chức:
Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển công chức tại cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng
Hồ sơ đăng ký dự tuyển công chức gồm những giấy tờ sau:
1. Đơn đăng ký dự tuyển công chức;
2. Bản sơ yếu lý lịch tự thuật có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển;
3. Bản sao giấy khai sinh;
4. Bản chụp các văn bằng, chứng chỉ và kết quả học tập theo yêu cầu của vị trí dự tuyển;
5. Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển;
6. Giấy chứng nhận thuộc đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng công chức (nếu có) được cơ quan có thẩm quyền chứng thực.
Bước 2: Xem danh sách các thí sinh đủ điều kiện tham gia dự tuyển được niêm yết công khai tại trụ sở làm việc
Bước 3: Nếu có tên trong danh sách thí sinh tham gia dự tuyển thì thí sinh sẽ được tham gia 2 vòng thi đã nêu trên.
Bước 4: Thí sinh dự tuyển sẽ nhận kết quả thi tuyển
Bước 5: Nếu như trúng tuyển thì thí sinh sẽ nhận được thông báo công nhận kết quả trúng tuyển trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả tuyển dụng
Bước 6: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận kết quả trúng tuyển thì người trúng tuyển phải đến cơ quan tuyển dụng hoàn thành hồ sơ dự tuyển. Giây tờ bổ sung gồm:
- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ và kết quả học tập theo yêu cầu của vị trí dự tuyển, được cơ quan có thẩm quyền chứng thực;
- Phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp nơi thường trú cấp.
Bước 7: Sau khi thẩm tra, xác minh những giấy tờ trên thì sẽ có hai trường hợp xảy ra:
- Nếu giấy tờ bổ sung trên đầy đủ và chính xác theo quy định thì người đứng đầu cơ quan tuyển dụng sẽ ra quyết định tuyển dụng người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức ra quyết định tuyển dụng công chức
- Nếu ngược lại thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức ra quyết định hủy kết quả trúng tuyển và có văn bản báo cáo người đứng đầu của cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức.
Mong bài viết hữu ích cho bạn đọc.
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay