Đăng ký tạm trú là nghĩa vụ bắt buộc của công dân khi chuyển đến một nơi mới mà không phải là nhà của mình. Hiện nay nhiều người lao động hay sinh viên khi đến các thành phố lớn thường quên đi nghĩa vụ này. Vậy nếu không khai báo tạm trú bị xử phạt thế nào? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Luật sư X về mức xử phạt đối với việc không khai báo tạm trú.
Căn cứ:
-
Luật cư trú 2006 sửa đổi bổ sung năm 2013
-
Nghị định số 167/2013/NĐ-CP
-
Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012
Nội dung tư vấn:
1. Khi nào phải đăng ký tạm trú?
Theo Luật cư trú mới nhất, đăng ký đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp Sổ tạm trú.
Trong vòng 30 ngày, kể từ ngày đến sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa bàn xã, phường, thị trấn nào đó thì công dân phải làm thủ tục đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn đó.
Về phía cơ quan Nhà nước, việc đăng ký tạm trú giúp Nhà nước quản lý công dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự.
Với người ngoại tỉnh, việc đăng ký tạm trú là nghĩa vụ cần thiết để đảm bảo công dân được hưởng một số quyền lợi nhất định như: Cho con đi học tại các trường mầm non, tiểu học, phổ thông công lập; Làm thủ tục vay vốn ngân hàng hoặc vay tiêu dùng tại các công ty tài chính; Làm thủ tục mua hàng trả góp… tại địa bàn tạm trú.
2.Thủ tục đăng ký tạm trú cho người thuê trọ
Theo Điều 30 Luật sư trú 2006 sửa đổi bổ sung năm 2013, người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đến, phải đăng ký tạm trú tại công an xã, phường, thị trấn.
Như vậy, người thuê trọ phải có nghĩa vụ đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật chứ không nhất thiết phải là chủ nhà.
Tuy nhiên, thông thường là chủ trọ đi làm thủ tục đăng ký tạm trú cho người thuê trọ. Hồ sơ đăng ký tạm trú gồm có :
– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu (đối với các trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);
– Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp (trừ trường hợp được chủ hộ có sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú đồng ý cho đăng ký tạm trú thì không cần xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp).
Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký tạm trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên.
– Xuất trình CMND hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó thường trú.
Bên cạnh đó, một sổ tạm trú được cấp sẽ chỉ có thời hạn trong vòng 24 tháng. Trước khi hết thời hạn 30 ngày, công dân phải tới cơ quan công an xã, phường nơi tạm trú để xin gia hạn tạm trú.
Như vậy, nếu sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày chuyển tới nơi ở mới mà không đăng ký tạm trú. Hoặc khi đã hết thời hạn tạm trú mà chưa tới cơ quan công an xã, phường nơi tạm trú để xin gia hạn thì người vi phạm có thể phải chịu những chế tài xử phạt vi phạm hành chính.
3. Mức xử phạt vi phạm hành chính về việc không khai báo tạm trú
Mức xử phạt vi phạm hành chính về việc không khai báo tạm trú được quy định tại Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ như sau:
“Điều 8: Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú;
b) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng;
c) Không chấp hành việc kiểm tra hộ khẩu, kiểm tra tạm trú, kiểm tra lưu trú hoặc không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, đối với những trường hợp chuyển tới nơi ở mới mà không đăng ký tạm trú thì người chuyển tới hoặc chủ hộ của nơi mà có người mới chuyển tới sẽ có thể bị xử phạt từ tới 300.000 đồng. Ví dụ như trường hợp người thuê trọ không thực hiện đăng ký tạm trú, hoặc chủ hộ không đăng ký tạm chú cho người mới chuyển tới trong nhà mình thì cả chủ hộ và người mới chuyển tới sẽ là đối tượng bị áp dụng chế tài xử phạt nêu trên.
Đối với những người là chủ nhà cho người nước ngoài thuê, nếu không thực hiện việc đăng ký tạm trú sẽ bị xử phạt với mức phạt nặng hơn. Căn cứ Điểm h Khoản 3 Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 8. Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
h) Không khai báo tạm trú cho người nước ngoài thuê nhà để ở.
Đồng thời theo quy định tại Khoản 4, Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính: “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt”
Như vậy, cả chủ trọ và người thuê trọ đều bị xử phạt nếu không thực hiện đúng quy định về đăng ký tạm trú. chủ hộ cho thuê nhà có thể phải chịu phạt lên tới 4.000.000 đồng nếu không đăng ký tạm trú cho người nước ngoài thuê nhà của mình để ở.
Đăng ký tạm trú là nghĩa vụ của mỗi công dân phải chấp hành khi phải di chuyển tới nơi ở mới không phải là nơi thường trú. Do đó khi đến thuê nhà để ở trọ công dân cần phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật để tránh trường hợp bị xử phạt.
Hi vọng bài viết hữu ích cho bạn đọc!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay qua hotline: 0833.102.102