Quy trình mua bán doanh nghiệp theo quy định mới 2023

bởi Hương Giang
Quy trình mua bán doanh nghiệp

M&A là thuật ngữ khá phổ biến, tuy nhiên nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về thuật ngữ này. Đây là cụm từ chỉ các hoạt động mua bán, giành quyền kiểm soát doanh nghiệp. Hoạt động mua bán doanh nghiệp có thể diễn ra theo hình thức mua bán một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp tùy theo mục đích của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, dù là hình thức nào thì việc mua bán doanh nghiệp cũng phải tuân thủ theo trình tự pháp luật quy định. Vậy theo quy định hiện hành, Quy trình mua bán doanh nghiệp đối với từng loại doanh nghiệp được thực hiện như thế nào? Có mấy hình thức mua bán doanh nghiệp hiện nay? Cần lưu ý những gì trước khi tiến hành mua bán doanh nghiệp? Sau đây, Luật sư X sẽ làm rõ vấn đề này thông qua bài viết sau cùng những quy định liên quan. Hi vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho quý bạn đọc.

Căn cứ pháp lý

Mua bán doanh nghiệp là gì?

Mua bán doanh nghiệp (viết tắt là M&A) là hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp ở mức độ nhất định thông qua việc sở hữu một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đó. Việc sở hữu một phần vốn góp hay cổ phần của doanh nghiệp như các nhà đầu tư nhỏ lẻ thông thường thì không được coi là hoạt động M&A.

Có mấy hình thức mua bán doanh nghiệp hiện nay?

Trên cơ sở nghiên cứu các hình thức mua bán doanh nghiệp và dựa trên những phân tích luật thực định của Việt Nam về việc hình thành tư cách chủ sở hữu doanh nghiệp và cách thức chủ sở hữu doanh nghiệp thực hiện quyền kiểm soát doanh nghiệp, có thể chia thành hai hình thức:

  • Thứ nhất là Mua bán toàn bộ doanh nghiệp.
  • Thứ hai là Mua một phần doanh nghiệp và kiểm soát được hoạt động của doanh nghiệp mục tiêu.

Mua bán một phần doanh nghiệp

Mua bán một phần doanh nghiệp là việc chuyển quyền sở hữu một phần doanh nghiệp từ chủ doanh nghiệp sang người mua để người mua có quyền kiểm soát mục tiêu kinh doanh.

Hình thức mua bán một phần doanh nghiệp bao gồm những trường hợp sau:

  • Chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên chuyển nhượng phần vốn chi phối cho tổ chức, cá nhân khác.
  • Thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên chuyển nhượng phần vốn chi phối cho các thành viên còn lại hoặc các tổ chức, cá nhân khác.
  • Cổ đông công ty cổ phần chuyển nhượng cổ phần chi phối cho các cố đông còn lại hoặc các tổ chức, cá nhân khác.
  • Thành viên hợp danh chuyển nhượng phần vốn góp cho các thành viên hợp danh hoặc cá nhân khác.

Mua bán toàn bộ doanh nghiệp

Việc mua và bán toàn bộ doanh nghiệp cấu thành sự chuyển giao quyền sở hữu toàn bộ doanh nghiệp từ chủ sở hữu doanh nghiệp sang người mua. Hình thức mua bán toàn bộ công ty bao gồm: mua bán công ty tư nhân, chuyển nhượng toàn bộ vốn góp, cổ phần cho bên nhận chuyển nhượng. Người mua lại công ty tư nhân và người nhận chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần phải đăng ký thay đổi chủ sở hữu công ty theo quy định của pháp luật.

Quy trình mua bán doanh nghiệp đối với từng loại doanh nghiệp

Quy trình mua bán doanh nghiệp tư nhân

Điều kiện

Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp của mình cho người khác. Sau khi bán doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về:

  • Các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp;
  • Trừ trường hợp người mua, người bán và chủ nợ của doanh nghiệp có thỏa thuận khác.

Chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua doanh nghiệp tư nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật về lao động.

Thành phần hồ sơ

  • Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp có chữ ký của người bán, người tặng cho và người mua, người được tặng cho doanh nghiệp tư nhân đối với trường hợp bán, tặng cho doanh nghiệp tư nhân; chữ ký của người thừa kế đối với trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết;
  • Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người mua, người được tặng cho doanh nghiệp tư nhân, người thừa kế;
  • Hợp đồng mua bán hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc mua bán trong trường hợp bán doanh nghiệp tư nhân; hợp đồng tặng cho trong trường hợp tặng cho doanh nghiệp tư nhân; bản sao văn bản xác nhận quyền thừa kế hợp pháp của người thừa kế trong trường hợp thừa kế.

Trình tự thực hiện

Bước 1: Người mua, người được tặng cho, người thừa kế phải nộp hồ sơ đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính

Bước 2: Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

Quy trình mua bán công ty trách nhiệm hữu hạn 01 thành viên

Thủ tục chuyển nhượng lại công ty TNHH MTV gồm 02 giai đoạn. Mỗi giai đoạn thì doanh nghiệp cần phải thực hiện những trình tự thủ tục như sau:

  • Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật.
  • Bước 2: Nộp hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký kinh doanh
  • Bước 3: Phòng đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ và giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp
  • Bước 4: Doanh nghiệp nhận kết quả giải quyết hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh

Giai đoạn 1: Chuyển nhượng vốn góp

Những giấy tờ mà doanh nghiệp cần chuẩn bị để thực hiện thủ tục chuyển nhượng như sau:

  • Thông báo, biên bản họp, quyết định về việc thay đổi
  • Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp có chữ ký của các bên
  • Giấy tờ chứng thực đã hoàn tất việc chuyển nhượng có xác định của công ty
  • Biên bản thanh lý hoàn thiện việc chuyển nhượng

Giai đoạn 2: Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp

Khi thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp cần phải chuẩn bị các giấy tờ sau:

Trường hợp chuyển nhượng một phần vốn góp

  • Giấy đề nghị Đăng ký doanh nghiệp
  • Giấy đề nghị chuyển đổi doanh nghiệp
  • Giấy đề nghị đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp
  • Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp
  • Điều lệ công ty chuyển đổi
  • Danh sách thành viên Công ty chuyển đổi
  • Bản sao hợp lệ CMND còn hiệu lực đối với cá nhân
  • Bản sao quyết định thành lập/Giấy chứng nhận ĐKKD/ĐKDN đối với tổ chức. Kèm theo bản sao hợp lệ giấy tờ chứng thực cá nhân còn hiệu lực của người đại diện theo ủy quyền
  • Quyết định ủy quyền tương ứng của tổ chức
  • Hợp đồng chuyển nhượng vốn và giấy tờ xác nhận hoàn tất chuyển nhượng

Trường hợp chuyển nhượng toàn bộ vốn góp

  • Thông báo về thay đổi chủ sở hữu
  • Bản sao hợp lệ các giấy tờ chứng thực cá nhân hoặc pháp nhân còn hiệu lực của chủ sở hữu mới
  • Điều lệ sửa đổi công ty
  • Hợp đồng chuyển nhượng vốn
  • Các giấy tờ khác nếu có
Quy trình mua bán doanh nghiệp
Quy trình mua bán doanh nghiệp

Quy trình mua bán công ty trách nhiệm hữu hạn 02 thành viên trở lên

Mua bán công ty TNHH hai thành viên để trở thành chủ sở hữu công ty đó thực chất là nhận chuyển nhượng phần vốn góp từ các thành viên trong công ty.

Tuy nhiên, các thành viên trong công ty TNHH hai thành viên không được tự do chuyển nhượng phần vốn góp mà sẽ phải tuân theo các điều kiện để được chuyển nhượng và trình tự, thủ tục chuyển nhượng theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể:

Bước 1: Ký kết Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp giữa thành viên và người nhận chuyển nhượng theo pháp luật về hợp đồng.

Căn cứ khoản 1 Điều 52 Luật Doanh nghiệp 2020 các thành viên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác (trừ các trường hợp trên) theo trình tự sau:

  • Phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện;
  • Nếu các thành viên còn lại không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán thì thành viên này có được chuyển nhượng cho người không phải là thành viên.
  • Chỉ được chuyển nhượng cho người không phải thành viên với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại.

Bước 2: Công ty thực hiện thủ tục đăng ký “thay đổi” thành viên theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp (khoản 2 Điều 52 Nghị định 01/2021/NĐ-CP).

Bước 3: Trường hợp người nhận chuyển nhượng phần vốn góp là “nhà đầu tư nước ngoài”, thì nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thêm thủ tục đăng ký mua phần vốn góp theo pháp luật về đầu tư.

Bước 4: Sau khi nhận được văn bản chấp thuận của Sở kế hoạch đầu tư về việc đăng ký mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, công ty mới tiến hành thủ tục thay đổi thành viên.

Bước 5: Sau khi nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

Quy trình mua bán công ty cổ phần

Việc mua bán công ty cổ phần được thực hiện bằng cách chuyển nhượng cổ phần của công ty.

Căn cứ Khoản 16 Điều 1 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, các cổ đông chỉ cần thực hiện các thủ tục chuyển nhượng nội bộ công ty, không cần thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh tại Phòng đăng ký kinh doanh- Sở kế hoạch đầu tư.

Hồ sơ chuyển nhượng công ty cổ phần bao gồm:

  • Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần
  • Biên bản thanh lý hợp đồng chuyển nhượng
  • Nộp hồ sơ kê khai thuế thu nhập cá nhân và đóng thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng cổ phần.
  • Bản sao, chứng thực cá nhân của cổ đông chuyển nhượng và người được chuyển nhượng hoặc của người được ủy quyền bằng văn bản ủy quyền.

Trong trường hợp là cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần làm thay đổi thông tin cổ đông sáng lập thì cần gửi thông báo đến phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đã đăng ký. Theo Khoản 3, Điều 57 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì gửi các hồ sơ sau đây:

  • Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
  • Danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần, trong đó không bao gồm thông tin về cổ đông sáng lập chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua.

Khi nhận thông báo, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

Cần lưu ý những gì trước khi tiến hành mua bán doanh nghiệp?

Một số lưu ý khi mua bán doanh nghiệp hiện nay như sau:

  • Điều kiện về tiếp cận thị trường: Đối với những thương vụ M&A xuyên biên giới với một bên chủ thể là pháp nhân nước ngoài, pháp luật của mỗi quốc gia thường đặt ra những tiêu chí nhất định để xác định nhà đầu tư nước ngoài trong các thương vụ M&A hay những hạn chế về ngành nghề đầu tư, về vốn, giá trị cổ phần được phép sở hữu trong giao dịch mua bán, chuyển nhượng cổ phần,… Những quy định này được cụ thể hóa trong các điều ước quốc tế và văn bản pháp luật chuyên ngành mà Việt Nam đã ký kết và ban hành. Để thuận tiện cho việc tra cứu, Quý khách hàng có thể tham khảo các điều kiện này trên cổng thông tin về đăng ký kinh doanh đối với ngành nghề mình tham gia.
  • Liên quan đến pháp luật cạnh tranh: M&A là một hành vi mang tính tập trung kinh tế. Trong trường hợp một doanh nghiệp lớn thâu tóm hết các doanh nghiệp trong cùng một thị trường, doanh nghiệp này sẽ nắm được sức mạnh thị trường, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, chi phối nó để trục lợi, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Để tránh được điều này, pháp luật Việt Nam quy định việc tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam, vì vậy, trước khi tiến hành M&A, doanh nghiệp phải gửi hồ sơ tập trung kinh tế lên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia để đánh giá sơ bộ.
  • Đối với nhà đầu tư nước ngoài, trước khi tiến hành mua bán doanh nghiệp tại Việt Nam phải tiến hành xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Mời bạn xem thêm

Thông tin liên hệ

Trên đây là nội dung bài viết liên quan đến vấn đề “Quy trình mua bán doanh nghiệp”. Hy vọng bài viết có ích cho độc giả, Luật sư X với đội ngũ luật sư, luật gia và chuyên viên pháp lý dày dặn kinh nghiệm, chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ pháp lý như Thủ tục làm thẻ căn cước công dân lần đầu. Chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe mọi thắc mắc của quý khách hàng. Thông tin chi tiết quý khách hàng vui lòng liên hệ qua số hotline: 0833.102.102

Câu hỏi thường gặp

Doanh nghiệp tư nhân được quyền cho thuê hay bán Doanh nghiệp của mình không?

Theo quy định, doanh nghiệp tư nhân thì có toàn quyền đối với doanh nghiệp của mình trong việc cho thuê hay bán doanh nghiệp đó. Trong trường hợp cho thuê doanh nghiêp tư nhân phải có văn bản thông báo cho Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế biết trước 03 ngày cho thuế.

Chủ doanh nghiệp tư nhân có phải chịu những khoản nợ sau khi bán doanh nghiệp?

Theo quy định, mặc dù đã bán doanh nghiệp cho cá nhân, tổ chức khác nhưng nghĩa vụ trả nợ vẫn thuộc về chủ doanh nghiệp trước đó theo quy định pháp luật. Tuy nhiên nếu chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua lại doanh nghiệp và ngân hàng có thỏa thuận khác thì sẽ thực hiện theo thỏa thuận đó.

Thông báo thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân trong trường hợp bán doanh nghiệp phải có chữ ký của ai?

Theo quy định, trong trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bán doanh nghiệp thì người mua phải nộp hồ sơ đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân) cần có chữ ký của người bán (chủ doanh nghiệp cũ).

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm