Người sử dụng lao động (sếp) luôn muốn nắm đằng chuôi trong mọi quan hệ với nhân viên. Việc giữ bằng cấp, giấy tờ tùy thân là điều khá phổ biến nhất là khi nhân viên luôn ở thế yếu trong quan hệ này. Vậy xử lý thế nào?
Căn cứ:
- Bộ luật lao động 2012
Nội dung tư vấn
1. Giữ bằng cấp của nhân viên là phạm luật
Không có ai có quyền được giữ giấy tờ tùy thân, chứng chỉ bằng cấp liên quan của bạn ngoại trừ bạn, kể cả là trong quan hệ lao động – làm công ăn lương. Nội dung này được cụ thể hóa tại Điều 20 Bộ luật lao động 2012, theo đó:
Điều 20. Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động
1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
Theo đó, giữ CMND, Căn cước công dân hay bằng đại học, thạc sĩ đều là điều mà pháp luật nghiêm cấm.
Theo quy định của Luật Công chứng thì Bản sao có giá trị tương đương bản chính, do đó đây cũng là một phương án để thay thế khá hiệu quả.
2. Sếp cố tình giữ bằng cấp thì bị xử lý thế nào?
Nhiều người sử dụng lao động, công ty vẫn lơ đi quy định này và mặc nhiên nhân viên luôn là kẻ chịu thiệt thòi. Nếu cố tình giữ giấy tờ này, Người sử dụng lao động hoàn toàn có thể bị xử phạt hành chính theo Quy định tại Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP (Sửa đổi tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP)
Điều 5. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;
b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động;
c) Giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động.
Mức xử phạt không hề nhẹ cho thấy rằng sẽ mất nhiều hơn được nếu vi phạm xảy ra. Do đó hãy cân nhắc khi hành động.
Nếu gặp trường hợp này, nhân viên (người lao động) nên:
- Thỏa thuận phương án với người sử dụng lao động để nhận lại giấy tờ
- Sử dụng quyền của mình để tố cáo hành vi với cơ quan Thanh Tra thuộc Sở Thương Binh và Xã hội.
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay