Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính

bởi Luật Sư X
thời hiệu

Bên canh những tranh chấp về dân sự, tranh chấp hành chính hiện nay cũng là một trong những vấn đề đáng quan tâm bởi sự gia tăng chóng mặt về số lượng và tính chất phức tạp. Điều đó đòi hỏi các chủ thể có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm phải có kiến thức về pháp luật tố tụng hành chính, để có thể tự bảo vệ chính quyền lợi của mình. Vậy, khi phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng bởi các quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỉ luật buộc thôi việc, … cá nhân tổ chức cần tiến hành khởi kiện vụ án hành chính trong thời gian nào là hợp pháp.  Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu về thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính nhé!

Căn cứ pháp lí

Nội dung tư vấn

Khái quát về khởi kiện vụ án hành chính

Khái niệm khởi kiện vụ án hành chính

Khởi kiện vụ án hành chính  là việc các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính chính thức yêu cầu Tòa án thụ lí vụ án hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước bị xâm phạm bởi các quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỉ luật buộc thôi việc công chức.

Đặc điểm khởi kiện vụ án hành chính

Thứ nhất, nội dung cơ bản của việc khởi kiện vụ án hành chính là yêu cầu tòa án có thẩm quyền xem xét thụ lí để giải quyết vụ án hành chính. Tòa án sẽ tiến hành giải quyết vụ án nếu có yêu cầu khởi kiện của cá nhân, tổ chức có quyền, lợi ích bị xâm phạm bởi các quyết định hành chính, hành vi hành chính. Mặt khác, tòa án cũng chỉ xem xét, giải quyết vụ án hành chính trong phạm vi có liên quan đến yêu cầu khởi kiện

Thứ hai, việc khởi kiện vụ án hành chính chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện do pháp luật quy định. Việc quy định cụ thể về điều kiện khởi kiện là cần thiết nhằm hạn chế việc khởi kiện tùy tiện, gây cản trở không cần thiết đến việc thực hiện quyền lực nhà nước của nền hành chính quốc gia.

Thứ ba, việc khởi kiện vụ án hành chính phải được thực hiện theo những hình thức và nội dung pháp luật quy định.

Khái quát về thời hiệu

Khoản 1 Điều 149 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thời hiệu như sau:

Điều 149: Thời hiệu.

1. Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.

Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.

Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính. 

Điều 116 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định về thời hiệu khởi kiện như sau:

Điều 116:Thời hiệu khởi kiện.

1. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

2. Thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp được quy định như sau:

a) 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;

b) 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;

c) Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.

3. Trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện được quy định như sau:

a) 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;

b) 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.

4. Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện.

5. Các quy định của Bộ luật dân sự về cách xác định thời hạn, thời hiệu được áp dụng trong tố tụng hành chính.

Cách xác định thời hiệu cụ thể thông qua ví dụ

Ngày 08/07/2017, ông A nhận được quyết định số 19/QĐ-UB của UBND quận B, thuộc tỉnh D về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 150m2  đất ở cho ông. Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông A đã xây dựng tường bao 150m2  đất ở đó. Ông C là hàng xóm của ông A, cho rằng A đã xây lấn sang phần đất của ông. Vì vậy, vào ngày 28/07/2018, A đã cho C xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND quận B đã cấp cho A. Lúc này C thấy UBND quận đã cấp một phần đất của mình cho A. Xác định thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính trên.

Theo phân tích trên, trong trường hợp ông C không khiếu nại, thì thời hạn sẽ được tính là 1 năm kể từ ngày ông biết đến quyết định số 19 của UBND huyện B. Dựa vào đề bài, vào ngày 28/07/2018, A đã cho C xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND quận B đã cấp cho A, lúc này C thấy UBND quận đã cấp một phần đất của mình cho A, đồng nghĩa với việc C đã biết đến quyết định của UBND Huyện B. Vì vậy, thời hiệu khởi kiện sẽ được tính là 1 năm kể từ ngày 28/07/2018, tức là đến ngày 28/07/2019.

Còn nếu ông C khiếu nại thì 1 năm không được tính từ ngày ông biết đến quyết định nữa, mà tính từ ngày ông C nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của chủ tịch UBND huyện B lần 1 (nếu C khiếu nại 1 lần) hoặc từ ngày ông C nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 (nếu ông C khiếu nại lần 2). Trong trường hợp UBND huyện B không trả lời, thời hạn sẽ là 1 năm tính từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần 1 tối thiểu là 40 ngày, tối đa là 55 ngày (nếu chứng minh được đây là vụ việc phức tạp) (Theo điều 27,28 Luật Khiếu nại 2011). Sau 55 ngày ngày mà ông C chưa nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, kết thúc ngày thứ 55 này, ông C mới được phép nộp đơn khởi kiện lên Tòa án. Thời hạn được tính kể từ khi kết thúc ngay thứ 55 này.

Tuy nhiên, trong trường hợp ông C tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên chủ tịch UBND thành phố, thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần 2 tối thiểu là 55 ngày, và tối đa là 70 ngày theo quy định tại điều 36 và điều 37 Luật khiếu nại 2011. Sau 70 ngày mà ông C chưa nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của chủ tịch UBND thành phố, thì kết thúc ngày thứ 70 này, ông C mới có quyền nộp đơn khởi kiện lên Tòa án để giải quyết. Nếu hết thời hạn khiếu nại lần 1 mà ông C đã quyết định chọn khiếu nại lần 2 thì ông C không được khởi kiện ngay lập tức nữa, mà phải chờ giải quyết khiếu nại lần 2 xong thì ông mới được kiện. Thời hạn được tính từ khi kết thúc ngày thứ 70 này.

Đánh giá quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính trong Luật Tố tụng hành chính 2015.

Việc quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính là cần thiết để người khởi kiện có thời gian chuẩn bị các điều kiện cần thiết và cân nhắc, lựa chọn việc có khởi kiện vụ án hành chính hay không. So với các quy định thời hiệu khởi kiện trong Bộ luật tố tụng hình sự, Luật khiếu nại tố cáo thì thời hiệu trong luật Tố tụng hành chính được quy định cụ thể hơn theo từng nội dung khởi kiện của đương sự.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ thực tiễn công tác kiểm soát giải quyết vụ án hành chính, có thể thấy quy đinh thời hiệu khởi kiện 01 năm là quá ngắn, đôi khi chưa đảm bảo để người khởi kiện lựa chọn thực hiện quyền khởi kiện của mình. 

Mặt khác, trong một vài trường hợp, việc nhận định như thế nào là “Biết được” rất khó khăn. Bởi lẽ, chỉ cần nghe người khác nói, người khác thông tin có một quyết định hành chính thế này, như thế kia cũng là ” biết được” về quyết định hành chính đó rồi. Nhưng để quyết định khởi kiện hay không thì người khởi kiện phải biết rõ quyết định đó như thế nào, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình ra sao, cần phải xem xét đến hình thức, trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban hành và nội dung của quyết định, từ đó mới có thể quyết định khởi kiện hay không. 

Hi vọng bài viết hữu ích đối với bạn đọc !

Khuyến nghị

1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam 2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay

Câu hỏi thường gặp

Đối tượng khởi kiện vụ án hành chính gồm những đối tượng nào?

Đối tượng khởi kiện vụ án hành chính gồm: Quyết định hành chính; hành vi hành chinh; quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống; quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; khiếu kiện danh sách cử tri.

Thời hạn giải quyết khiếu nại là bao lâu?

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết.
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý. Đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày thụ lý.

Như thế nào thì được coi là sự kiện bất khả kháng?

– Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan như thiên tai, địch hoạ, nhu cầu chiến đấu, phục vụ chiến đấu; do lỗi của cơ quan nhà nước làm cho chủ thể có quyền khởi kiện không thể khởi kiện trong phạm vi thời hiệu khởi kiện;
– Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện chưa thành niên; mất năng lực hành vi dân sự; bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
– Chưa có người đại diện khác thay thế; vì lý do chính đáng khác mà không thể tiếp tục đại diện được trong trường hợp người đại diện của người chưa thành niên; người mất năng lực hành vi dân sự; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chết.

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm