Thủ tục giải thể công ty tại quận Nam Từ Liêm

bởi MinhThu
Thủ tục giải thể công ty tại quận Nam Từ Liêm

Các công ty khi muốn chấm dứt hoạt động ngoài thủ tục tuyên bố phá sản thì có thể thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp khi đáp ứng được những điều kiện theo quy định của pháp luật và thủ tục giải thể cũng mang nhiều hơn ưu điểm hơn thủ tục tuyên bố phá sản. Vậy thủ tục giải thể doanh nghiệp được thực hiện thế nào và ở quận Nam Từ Liêm, thủ tục giải thể doanh nghiệp có những điểm gì đáng lưu ý không? Hãy tham khảo bài viết dưới đây của Luật sư X.

Căn cứ

  • Luật Doanh nghiệp năm 2014
  • Nghị định 78/2015/NĐ-CP
  • Nghị định 108/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 78/2015/NĐ-CP

Nội dung tư vấn

1. Giải thể công ty

Giải thể công ty là gì?

Giải thể công ty là quá trình chấm dứt sự tồn tại của một công ty theo ý chí của công ty hoặc của cơ quan có thẩm quyền với điều kiện công ty phải đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác. Giải thể là thủ tục để công ty rút khỏi thị trường một cách hợp pháp.

Các trường hợp giải thể và điều kiện giải thể doanh nghiệp

Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014, có 04 loại hình công ty là công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên, công ty cổ phần và công ty hợp danh. Bốn loại hình công ty thuộc các loại hình doanh nghiệp nói chung; vì vậy, các trường hợp giải thể và điều kiện của doanh nghiệp cũng sẽ là các trường hợp giải thể và điều kiện giải thể của công ty. 

Trước hết, các trường thể giải thể của doanh nghiệp được quy định tại Khoản 1 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2014 như sau:

Điều 201. Các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau đây:

a) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

b) Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;

c) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;

d) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”.

Theo đó, theo quy định của pháp luật doanh nghiệp giải thể được chia ra như sau:

Giải thể tự nguyện:

  • Doanh nghiệp kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trên Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn.
  • Theo quyết định của  chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần.

Giải thể do yêu cầu của cơ quan nhà nước:

  • Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do vi phạm các quy định của luật, cụ thể các trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do: nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo hoặc doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế hoặc doanh nghiệp không gửi báo cáo theo luật định đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản hoặc theo quyết định của Tòa án.
  • Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Ví dụ: Doanh nghiệp A khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là loại hình công ty cổ phần với cổ đông có 3 người. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động thì có 2 người rút khỏi công ty và doanh nghiệp không có nhu cầu thêm cổ đông vào thì doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty TNHH 1 thành viên. Nếu qua 06 tháng liên tục mà doanh nghiệp không thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì sẽ bị cơ quan có thẩm quyền yêu cầu giải thể doanh nghiệp.

Đồng thời, điều kiện để doanh nghiệp có thể giải thể cũng được quy định tại Khoản 2 Điều 201 như sau: “Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp”. Như vây, theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi đáp ứng 02 điều kiện sau đây:

  • Thứ nhất, doanh nghiệp phải bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp như lương của người lao động, nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội và khoản nợ đối với các đối tác làm ăn.
  • Doanh nghiệp đang không có tranh chấp được giải quyết tại Tòa án hay Trọng tài thương mại.

Doanh nghiệp cũng cần lưu ý rằng, trong trường hợp, doanh nghiệp không có khả năng để thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp thì phải thực hiện thủ tục phá sản thay vì thủ tục giải thể. Đây cũng là một trong những đặc điểm để phân biệt giải thể và phá sản.

2. Thực tiễn giải thể công ty tại quận Nam Từ Liêm

Quận Nam Từ Liêm là một quận nằm ở phía tây trung tâm thành phố Hà Nội được thành lập vào tháng 12/2013 theo Nghị quyết số 132/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ. Hiện nay, quận Nam Từ Liêm bao gồm 10 phường: phường Cầu Diễn, phường Phương Canh, phường Mễ Trì, phường Mỹ Đình I, phường Mỹ Đình II, phường Trung Văn, phường Phú Đô, phường Đại Mỗ, phường Xuân Phương, phường Tây Mỗ. Theo quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050, quận Nam Từ Liêm là một trong những đô thị lõi, là trung tâm hành chính, dịch vụ, thương mại của Thủ đô Hà Nội. Nam Từ Liêm là quận có nhiều công trình kiến trúc hiện đại và quan trọng của thủ đô Hà Nội như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Keangnam Hanoi Landmark Tower, Bảo tàng Hà Nội, Đại lộ Thăng Long, Trung tâm đào tạo thể dục, thể thao, VĐV Cấp cao Hà Nội,…Hiện nay, quận Nam Từ Liêm có tốc độ tăng trưởng nhanh, phát triển năng động, đang thực sự trở thành “hòn ngọc phía Tây Thủ đô”, là trung tâm mới của thành phố và có nhiều tiềm năng phát triển cho các công ty.

Theo số liệu thống kê trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, năm 2018, trên cả nước đã có 16314 doanh nghiêp hoàn tất thủ tục giải thể doanh nghiệp. Trong năm 2019, từ tháng 01/2019 đến tháng 09/2019, mỗi tháng số lượng doanh nghiệp giải thể dao động từ khoảng 900 – 1000 doanh nghiệp. Những con số này chứng minh một quy luật tất yếu của thị trường kinh doanh. Ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng chứng kiến sự giải thể của các doanh nghiệp.

3. Trình tự, thủ tục giải thể công ty tại quận Nam Từ Liêm

Bước 1: Thông qua quyết định giải thể công ty

Đối với công ty TNHH 1 thành viên thì chủ công ty có thẩm quyền ra quyết định giải thể công ty.

Đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh thì hội đồng thành viên, đại hội đồng cổ đông có thẩm quyền quyết định giải thể doanh nghiệp nên doanh nghiệp phải phải triệu tập cuộc họp các thành viên, các cổ đông theo đúng thể thức luật định. Sau đó thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp. 

Quyết định giải thể công ty phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

  • Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty;
  • Lý do giải thể;
  • Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của công ty; thời hạn thanh toán nợ, thanh lý hợp đồng không được vượt quá 06 tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể;
  • Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động;
  • Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty.

Bước 2: Thông báo công khai quyết định giải thể

Sau khi quyết định giải thể được thông qua, công ty phải thông báo cho những người có quyền và lợi ích liên quan đến hoạt động giải thể công ty biết về quyết định giải thể. Trường hợp công ty còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì phải gửi kèm theo quyết định giải thể phương án giải quyết nợ đến các chủ nợ, người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan. Thông báo phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ.

Bước 3: Thanh lý tài sản và thanh toán các khoản nợ của công ty

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 5 Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về người tổ chức thanh lý tài sản và thứ tự thanh toán nợ. Theo đó, Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty, Hội đồng quản trị trực tiếp tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định thành lập tổ chức thanh lý riêng.

Các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự sau:

  •  Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;
  •  Nợ thuế;
  • Các khoản nợ khác.

Sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể doanh nghiệp, phần còn lại thuộc về chủ thể doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì thời hạn thanh lý hợp đồng không được vượt quá 06 tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể.

Trên thực tế, việc thanh toán các khoản nợ là rất phức tạp vì cần phải quy định một trình tự phù hợp nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của những người liên quan.

Bước 4: Thực hiện thủ tục hoàn thuế

Doanh nghiệp khi tiến hành giải thể doanh nghiệp phải làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế trước với cơ quan quản lý thuế. Các doanh nghiệp tại quận Nam Từ Liên thực hiện thủ tục hoàn thành nghĩa vụ thuế tại Chi cục thuế quận Nam Từ Liêm có địa chỉ tại số 4 Nguyễn Cơ Thạch Quận Nam, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội.

Hồ sơ doanh nghiệp cần chuẩn bị để thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế bao gồm:

  • Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế;
  • Quyết định giải thể của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp TNHH 1 thành viên hoặc doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh hoặc doanh nghiệp TNHH 2 thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần.
  • Biên bản họp của Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ đông về việc giải thể doanh nghiệp;
  • Bản sao giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp;
  • Nếu doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu thì phải bổ sung thêm văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế của Tổng cục Hải Quan;
  • Biên bản thanh lý tài sản (nếu có)
  • Báo cáo quyết toán thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và báo cáo thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) đến thời điểm nộp bộ hồ sơ giải thể.
  • Nộp tờ khai thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đến thời điểm nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp.
  • Báo cáo tài chính đến thời điểm quyết toán.
  • Văn bản ủy quyền (nếu có).

Lưu ý: Đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập trước năm 2015 mà sử dụng con dấu do cơ quan Công An cấp thì phải thực hiện thủ tục trả lại mẫu con dấu cho cơ quan Công An. Việc trả dấu thực hiện tại cơ quan cấp mẫu dấu thường là PC64 – Phòng CS QLHC và TTXH thuộc công an thành phố Hà Nội có địa chỉ tại số 44 Phạm Ngọc Thạch, Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội. Hồ sơ trả lại mẫu con dấu gồm:

  • Công văn xin trả mã dấu
  • Con dấu và giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu do Công an cấp
  • Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Bước 5: Nộp hồ sơ giải thể

Sau khi công ty nhận được thông báo của chi cục thuế quận Nam Từ Liêm về việc hoàn tất thủ tục hoàn thuế, thì công ty phải nộp hồ sơ giải thể với Cơ quan đăng ký kinh doanh. Hiện nay, quận Nam Từ Liêm nói riêng cũng như TP Hà Nội nói chung đều yêu cầu công ty khi thực hiện thủ tục giải thể công ty phải thực hiện online tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/Pages/Trangchu.aspx). Công ty nộp hồ sơ giải thể theo hướng dẫn của trang web. Hồ sơ gồm:

  • Thông báo giải thể công ty;
  • Quyết định giải thể công ty;
  • Biên bản hợp về việc giải thể công ty;
  • Biên bản thanh lý tài sản;
  • Xác nhận đóng tài khoản ngân hàng;
  • Xác nhận đóng mã số thuế;
  • Danh sách các chủ nợ và phương án giải quyết (nếu có);
  • Bản chính giấy chứng nhận đăng ký công ty;
  • Thông báo hủy mẫu dấu (theo mẫu).

Sau khi hoàn tất việc thủ tục đăng ký giải thể online thì công ty phải đợi quyết định chấp nhận giải thể doanh nghiệp từ phía cơ quan có thẩm quyền. Sau thời hạn 180 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải thể công ty mà không nhận được ý kiến về việc giải thể từ công ty hoặc phản đối của các bên có liên quan bằng văn bản, Cơ quan đăng ký kinh doanh chuyển tình trạng pháp lý của công ty trong Cở sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng giải thể, đồng thời ra thông báo về việc giải thể công ty.

Lưu ý: Đối với trường hợp giải thể do ý chí của cơ quan nhà nước, cơ quan đăng ký kinh doanh ra thông báo tình trạng của công ty đồng thời ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp. Sau 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp hoặc quyết định của tòa án, công ty phải tổ chức họp để quyết định giải thể. Thủ tục thanh toán các khoản nợ thực hiện như đối với trường hợp trên. Người đại diện theo pháp luật của công ty gửi đề nghị giải thể cho Cơ quan đăng ký kinh doanh trong 05 ngày làm việc, kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của công ty.

Hy vọng bài viết hữu ích đối với quý độc giả!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư doanh nghiệp tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm