Căn cứ pháp lý
- Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP.
- Thông tư liên tịch số09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC
Nội dung tư vấn
1. Thừa phát lại là gì?
Hiểu một cách đơn giản, theo nghĩa Hán Việt: thừa có nghĩa là thừa ủy quyền, thừa quyền; phát là phát ra, đưa đến. Theo đó, thừa phát lại là người thực hiện công việc được cơ quan có thẩm quyền giao phó trong phạm vi quy định của pháp luật.
Theo quy định tại khoản 2 điều 2 Nghị định số 135/2013/NĐ-CP. sửa đổi bổ sung Nghị định số Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, thừa phát lại là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Đây là một bước tiến quan trọng trong việc quy định về thừa phát lại so với nghị định cũ. Theo đó, Nghị định Nghị định số 61/2009/NĐ-CP,chỉ quy định rằng thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của Nghị định và pháp luật có liên quan, mà không hề đề cập đến vấn đề “tiêu chuẩn”. Thiếu đi “tiêu chuẩn” sẽ khiến người đọc khó tìm ra điểm khác biệt giữa thừa phát lại và các chủ thể hành nghề liên quan đến lĩnh vực pháp luật liên quan khác. Do đó, bổ sung yếu tố “người có đủ tiêu chuẩn” là hoàn toàn hợp lí.
Cụ thể, 6 tiêu chuẩn để một cá nhân có thể được bổ nhiệm làm thừa phát lại được quy định tại khoản 10 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP là:
- Là công dân Việt Nam, có sức khỏe, có phẩm chất đạo đức tốt
- Không có tiền án
- Có bằng cử nhân luật
- Đã công tác trong ngành pháp luật trên 05 năm hoặc đã từng là Thẩm phấn, Kiểm sát viên, Luật sư; Chấp hành viên, Công chứng viên, Điều tra viên từ Trung cấp trở lên
- Có chứng chỉ hoàn thành lớp tập huấn về nghề Thừa phát lại do Bộ Tư pháp tổ chức
- Không kiêm nhiệm hành nghề Công chứng, Luật sư và những công việc khác theo quy định của pháp luật.
2. Thừa phát lại được thực hiện những công việc gì?
Theo quy định tại điều 3 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP, những công việc mà thừa phát lại được làm là:
- Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự.
- Tống đạt là việc thông báo, giao nhận các văn bản của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của pháp luật
- Văn phòng Thừa phát lại thỏa thuận để tống đạt văn bản của tòa án (trừ Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao), cơ quan thi hành án dân sự các cấp trên địa bàn cấp tỉnh nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại, bao gồm: giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời, quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản án, quyết định trong trường hợp xét xử vắng mặt đương sự của tòa án; các quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập của cơ quan thi hành án dân sự.
- Trong trường hợp cần thiết, tòa án, cơ quan thi hành án dân sự có thể thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại để tống đạt các loại văn bản, giấy tờ khác.
- Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
- Trong đó, Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dừng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.
- Một vi bằng hợp pháp phải được lập thành văn bản bằng tiếng Việt, nếu vi bằng có từ 2 trang trở lên phải được đánh số thứ tự và được đánh dấu giáp lai tất cả các trang. Nhằm tăng tính xác thực cho vi bằng, trong một số trường hợp như lập vi bằng về tình trạng nhà bị nứt, tình trạng ô nhiễm, hai bên kí hợp đồng, giao tiền… Thừa phát lại có thể đính kèm băng hình, đĩa, ghi âm hay các tài liệu chứng minh khác.
- Trong các quyền của Thừa phát lại, vi bằng là một công việc tương đối mới và gần giống với hoạt động công chứng, nhưng rộng hơn.Nếu công chứng chỉ chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch… bằng văn bản, thì lập vi bằng là việc Thừa phát lại lập văn bản trong đó ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.
-
Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự
Người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án trong các vụ việc thuộc thẩm quyền thi hành án của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn cấp tỉnh có quyền thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại về việc xác minh điều kiện thi hành án.
- Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.
Theo quy định của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, Văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền thi hành án tương tự như Chi cục thi hành án. Tức là, Văn phòng được quyền trực tiếp tổ chức thi hành theo đơn yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định sau (trừ các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án):Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực của Tòa án nơi Thừa phát lại đặt văn phòng; quyết định sơ thẩm của Tòa án nơi Thừa phát lại đặt văn phòng; quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nơi Thừa phát lại đặt văn phòng. Thừa phát lại có thể tổ chức thi hành các vụ việc nói trên ngoài địa bàn quận, huyện nơi đặt văn phòng Thừa phát lại nếu đương sự có tài sản, cư trú hay có các điều kiện khác ngoài địa bàn quận, huyện nơi đặt văn phòng Thừa phát lại.
Ngoài những công việc này ra, thừa phát lại không được thực hiện những việc sau:
- Không được tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật cho phép.
- Thừa phát lại không được đòi hỏi bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng.
- Trong khi thực thi nhiệm vụ của mình, Thừa phát lại không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.
- Các công việc bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
Hy vọng bài viết hữu ích đối với bạn!
Thông tin liên hệ Luật Sư X
Trên đây là nội dung tư vấn về Thừa phát lại là gì? Mọi thắc mắc về thủ tục pháp lý có liên quan. Quý khách vui lòng liên hệ Luật Sư X để được hỗ trợ, giải đáp.
Gọi ngay cho chúng tôi qua hotline: 0833.102.102.