Tiêu chuẩn trở thành luật sư

bởi Luật Sư X

Nếu bác sĩ là người tác động đến sức khỏe, tính mạng con người thông qua việc khám, chữa bệnh của mình thì Luật sư là người tác động đến sự tự do của con người thông qua công cụ là pháp luật. Vì vậy, không phải ai học luật cũng có thể trở thành luật sư mà pháp luật có những quy định cụ thể về những tiêu chuẩn trở thành luật sư. Những tiêu chuẩn đó là gì, hãy cùng Luật sư X tìm hiểu nhé

Căn cứ:

  • Luật Luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2012
  • Thông tư 19/2013/TT-BTP

Nội dung tư vấn:

1. Luật sư là ai?

Theo quy định tại Luật Luật sư, Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật này, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Có thể hiểu một cách thông thường như sau:

Luật sư là người được cấp phép hành nghề luật và có nghĩa vụ áp dụng pháp luật vào việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Luật sư thường có các nghĩa vụ gắn liền với lĩnh vực hoạt động của họ như: tư vấn và đưa ra lời khuyên pháp luật; nghiên cứu và thu thập bằng chứng, chứng cứ để  soạn thảo tài liệu phục vụ cho vụ việc, tranh chấp; tư vấn soạn thảo hợp đồng; tư vấn trong các giao dịch mua bán; thực hiện bào chữa và và đại diện tham gia tranh tụng trước tòa cho khách hàng. Theo đặc thù công việc, luật sư được phân ra thành luật sư tư vấn và luật sư tranh tụng. Khi là luật sư tư vấn, thường luật sư sẽ thực hiện tư vấn các vấn đề pháp lý cho khách hàng. Khi là luật sư tranh tụng, luật sư sẽ là người đại diện cho khách hàng, tham gia vào phiên tòa để bào chữa, tranh luận, bảo vệ quyền và lợi ích cho thân chủ.

2. Những công việc thường làm của luật sư:

Tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động mà luật sư có những nhiệm vụ và công việc thực hiện khác nhau. Nhìn chung, luật sư khi hành nghề sẽ thực hiện những công việc sau:

  • Tư vấn và đại diện về luật pháp cho khách hàng, trước các cơ quan chính phủ, và các vấn đề cá nhân
  • Giao tiếp với khách hàng và những người khác
  • Nghiên cứu cách cư xử và phân tích các vấn đề về luật pháp
  • Làm sáng tỏ luật, chỉ đạo và điều chỉnh cho cá nhân cũng như doanh nghiệp hành xử cho đúng luật
  • Đưa ra sự thật bằng cách viết hoặc thuyết minh với khách hàng hay những đơn vị được đại diện,….

3. Tiêu chuẩn trở thành Luật sư:

Tại Điều 10 Luật luật sư có quy định về tiêu chuẩn luật sư như sau:

Điều 10. Tiêu chuẩn luật sư
Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư.

Điều 10 chỉ quy định những điều kiện cơ bản còn nếu muốn trở thành Luật sư và có thể hành nghề luật sư thì cần phải đáp ứng cả điều sau:

Điều 11. Điều kiện hành nghề luật sư
Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật này muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư.

Vậy muốn trở thành luật sư cần đáp ứng những điều kiện cơ bản sau:

a) Có bằng cử nhân luật:

Đầu tiên muốn trở thành Luật sư, cá nhân cần trải qua giai đoạn đào tạo trình độ của nhân luật. 

Giai đoạn này thường kéo dài 04 (bốn) năm, tùy vào hình thức đào tạo và quá trình học tập của mỗi người.

Tại Việt Nam hiện nay có khá nhiều trường đại học có đào tạo chuyên ngành Luật nhưng có thể điểm qua một số cơ sở đào tạo uy tín, luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các sỹ tử khi đăng ký dự thi ngành Luật như: Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Luật – Đại học Quốc Gia Hà Nội, Khoa Luật – Viện Đại học Mở Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc Dân, Đại học Thương Mại…

Sau khi tốt nghiệp cơ sở đào tạo ngành Luật, mỗi người sẽ được cấp bằng Cử nhân Luật.

b) Đã được đào tạo nghề luật sư

Học Viện Tư pháp là đơn vị duy nhất tại Việt Nam đào tạo nghề Luật Sư. Sau khi có bằng cử nhân Luật, để trở thành Luật sư, bắt buộc phải đăng ký khóa học đào tạo nghề Luật sư tại đây.

Khóa học kéo dài 12 tháng. Sau khi kết thúc chương trình học, học viên phải thi tốt nghiệp, nếu đạt kết quả tốt nghiệp mới được cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo nghề Luật sư. Giấy chứng nhận này sẽ là bằng chứng cho việc cá nhân đó đã được đào tạo nghề luật sư.

c) Đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư:

Sau khi đã hoàn thành khóa đào tạo nghề tại Học viện tư pháp, cử nhân Luật bắt buộc phải đăng ký tập sự tại một tổ chức hành nghề Luật sư. Người tập sự sẽ đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư ở địa phương nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư mà mình tập sự và được Đoàn luật sư cấp Giấy chứng nhận người tập sự hành nghề luật sư.

Kỳ tập sự này kéo dài 12 tháng (đã giảm 6 tháng kể từ thời điểm Luật Luật sư 2012 có hiệu lực).Thời gian tập sự hành nghề luật sư được tính từ ngày đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư. Tập sự hành nghề Luật sư là quá trình giúp Luật sư tương lai tiếp xúc với công việc thực tiễn để tích lũy kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp cũng như hoàn thiện về mặt đạo đức để phục vụ quá trình hành nghề sau này.

d) Đạt điểm tại kỳ kiểm tra hết tập sự hành nghề Luật sư:

Kết thúc quá trình tập sự, người tập sự phải tham gia kỳ kiểm tra kết thúc tập sự hành nghề Luật sư do Liên đoàn luật sư Việt Nam tổ chức. Nếu đạt kết quả thì sẽ được Hội đồng kiểm tra cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Nếu không đạt kết quả theo quy định, người tập sự sẽ được gia hạn tập sự và tham gia kỳ kiểm tra lại. Và nếu kỳ kiểm tra lại vẫn chưa đạt điểm qua thì người tập sự hành nghề Luật sư phải đăng ký tập sự lại từ đầu (12 tháng nữa).

e) Được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư

Sau khi trải qua được tất cả những giai đoạn khó khăn trên, đã đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, người Luật sư tương lai phải làm hồ sơ xin cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư gửi Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư.

Hồ sơ gồm có:

a) Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành;

b) Phiếu lý lịch tư pháp;

c) Giấy chứng nhận sức khỏe;

d) Bản sao Bằng cử nhân luật hoặc bản sao Bằng thạc sỹ luật;

đ) Bản sao Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, trong trường hợp cần thiết thì tiến hành xác minh tính hợp pháp của hồ sơ và có văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Bộ Tư pháp.

Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư; trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và Sở Tư pháp nơi gửi hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.

f) Gia nhập Đoàn luật sư

Sau khi có Chứng chỉ hành nghề Luật sư, cá nhân có quyền lựa chọn gia nhập vào một Đoàn Luật sư bất kỳ để hành nghề. Nhưng muốn gia nhập Đoàn luật sư, trươc hết người đó phải gửi hồ sơ đến Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư. Hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư gồm có:

a) Giấy đề nghị gia nhập Đoàn luật sư theo mẫu do Liên đoàn luật sư Việt Nam ban hành;

b) Phiếu lý lịch tư pháp đối với trường hợp nộp hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư quá sáu tháng, kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư;

c) Bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư.

 Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư xem xét, ra quyết định về việc gia nhập Đoàn luật sư

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định gia nhập Đoàn luật sư, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị Liên đoàn luật sư Việt Nam cấp Thẻ luật sư cho người gia nhập Đoàn luật sư. Thời hạn cấp Thẻ luật sư không quá hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Đoàn luật sư.

Như vậy, kể từ thời điểm được cấp Thẻ Luật sư, người Luật sư phải thực hiện đúng tôn chỉ nghề nghiệp và tôn trọng pháp luật.

* Lưu ý một số trường hợp ngoại lệ

a/ Miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề Luật sư:

– Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp, điều tra viên trung cấp, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật, thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra Viên cao cấp ngành Kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật được miễn tập sự hành nghề luật sư.

– Người đã là điều tra viên sơ cấp, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật được giảm hai phần ba thời gian tập sự hành nghề luật sư.

– Người có thời gian công tác ở các ngạch chuyên viên, nghiên cứu viên, giảng viên trong lĩnh vực pháp luật, thẩm tra viên ngành Tòa án, kiểm tra viên ngành Kiểm sát từ mười năm trở lên thì được giảm một nửa thời gian tập sự hành nghề luật sư.”

b/ Miễn kiểm tra tập sự hành nghề Luật sư:

– Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp, điều tra viên trung cấp, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật, thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra Viên cao cấp ngành Kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật được miễn kiểm tra.

Hy vọng bài viết có ích cho bạn !

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ giải quyết hành chính Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay

 

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm