Truy tố là gì?

bởi
Truy tố là gì?

Truy tố là một từ ngữ pháp lí chuyên dùng trong quá trình tố tụng hình sự. Tại một số quốc gia, truy tố thuộc thẩm quyền của Viện công tố, còn tại Việt Nam, thẩm quyền này thuộc về Viện kiểm sát. Vậy truy tố là gì? Tham khảo bài viết dưới đây của LSX

Căn cứ pháp lí

  • Bộ luật tố tụng hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung

Nội dung tư vấn

1. Truy tố là gì?

Truy tố trong pháp luật hình sự không có định nghĩa cụ thể, tuy nhiên chúng ta có thể hiểu đây là việc truy cứu trách nhiệm, phát hiện và tố cáo người phạm tội hay nói cách khác là đưa người phạm tội ra trước Tòa án để xét xử, là giai đoạn thứ ba trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự bao gồm: Khởi tố –  Điều tra – Truy tốXét xử.

Ví dụ: Anh A phạm tội giết người. Trong quá trình điều tra, cơ quan có thẩm quyền đã thu thập đầy đủ chứng cứ chứng minh rằng anh A là hung thủ, ra quyết định tố cáo anh A ra trước Tòa án để xét xử thì đây được xem là việc truy tố tội phạm. 

2. Cơ quan nào có quyền truy tố và các giai đoạn của truy tố

Truy tố người phạm tội ra trước Tòa án nhân dân thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân căn cứ theo Điều 239 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung.

Ngoài ra, điều luật này có đưa ra một số lưu ý như sau:

  • Viện kiểm sát cấp nào thực hành việc truy tố và buộc tội kẻ phạm pháp trước Tòa án thì Viện kiểm sát cấp đó quyết định việc truy tố;
  • Trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền truy tố của mình, Viện kiểm sát ra ngay quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền;
  • Đối với vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp trên quyết định việc truy tố;
  • Việc chuyển vụ án cho Viện kiểm sát ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu do Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu quyết định.

Ví dụ:

Nếu Viện kiểm sát quận A tiến hành việc truy tố, buộc tội và kiểm sát điều tra vụ án giết người cướp tài sản ở quận A, thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quận A thì chỉ Viện kiểm sát quận A được ra quyết định về quyền được truy tố vụ án hình sự đó.
Nếu vụ án hình sự đó có tính chất mở rộng trên cả địa bàn thành phố Hà Nội, thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát thành phố thì Viện kiểm sát quận A sẽ ra quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát thành phố giải quyết.

Điều 239. Thẩm quyền truy tố
1. Viện kiểm sát cấp nào thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp đó quyết định việc truy tố. Thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát được xác định theo thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với vụ án.
Trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền truy tố của mình, Viện kiểm sát ra ngay quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền. Việc chuyển vụ án cho Viện kiểm sát ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu do Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu quyết định.
Đối với vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp trên quyết định việc truy tố. Chậm nhất là 02 tháng trước khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát cấp trên phải thông báo cho Viện kiểm sát cấp dưới cùng cấp với Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án để cử Kiểm sát viên tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án. Ngay sau khi quyết định truy tố, Viện kiểm sát cấp trên ra quyết định phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử; sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng, Viện kiểm sát cấp dưới có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo đúng quy định của Bộ luật này.
2. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án, Viện kiểm sát phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đã kết thúc điều tra vụ án, bị can hoặc người đại diện của bị can, người bào chữa, bị hại, người tham gia tố tụng khác.
Việc giao, gửi hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 240 của Bộ luật này. Trong trường hợp này, thời hạn truy tố được tính từ ngày Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố nhận được hồ sơ vụ án.

3. Các giai đoạn trong quá trình truy tố là gì?

Bao gồm hai giai đoạn chính:

Giai đoạn 1: Viện kiểm sát nhận được các tài liệu, chứng cứ của vụ án hình sự từ Cơ quan điều tra gửi tới.

Giai đoạn 2: Viện kiểm sát ra quyết định cuối cùng, có thể rơi vào 1 trong 3 quyết định sau:

  • Tố cáo bị can trước Tòa án.
  • Trả lại hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung vì chưa đủ bằng chứng để kết luận tội của bị can.
  • Đình chỉ hay tạm đình chỉ vụ án hình sự.

Như vậy, thông qua bài này các bạn có thể biết thêm một số thông tin liên quan đến truy tố. 

Mong bài viết hữu ích cho bạn đọc!

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm