Sơ thẩm bao gồm sơ thẩm vụ án hành chính; sơ thẩm vụ án dân sự; sơ thẩm vụ án hình sự được diễn ra tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính hoặc dân sự hoặc hình sự. Sơ thẩm vụ án tại phiên tòa sơ thẩm là một trong những giai đoạn quan trọng của quá trình tố tụng. Vậy “Sơ thẩm là gì?”. Hãy cùng Luật sư X đi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý
- Luật Tố tụng hành chính 2015
- Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
- Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
Nội dung tư vấn
1. Sơ thẩm vụ án hành chính
1.1. Thế nào là sơ thẩm vụ án hành chính?
Vụ án hành chính là vụ án phát sinh khi cá nhân tổ chức khởi kiện yêu cầu Tòa án xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan Nhà nước và được Tòa án thụ lý theo quy định của pháp luật.
Sơ thẩm vụ án hành chính được diễn ra tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính – phiên tòa xét xử vụ án hành chính lần đầu tiên của Tòa án. Theo quy định tại Điều 149 Luật Tố tụng hành chính 2016 thì phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính được Tòa án mở ra trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn mở phiên tòa có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày. Bản án hoặc quyết định Tòa án tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính phải thể hiện được rõ nội dung chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu, đề nghị của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và giải quyết các vấn đề khác có liên quan. Bản án và quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật.
1.2. Thủ tục tiến hành phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính
Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính 2015, thủ tục tiến hành phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính như sau:
Thứ nhất, khai mạc phiên tòa: chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa và đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử; thư ký phiên tòa báo cáo với Hội đồng xét xử về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập, giấy báo của Tòa án và lý do vắng mặt; giải quyết yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định và người phiên dịch; bảo đảm tính khách quan của người làm chứng…(Điều 169).
Thứ hai, tranh tụng tại phiên tòa
Thứ ba, nghị án và tuyên án
2. Sơ thẩm vụ án dân sự
2.1. Thế nào là sơ thẩm vụ án dân sự?
Sơ thẩm vụ án dân sự được diễn ra tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự – phiên tòa xét xử vụ án dân sự lần đầu tiên của Tòa án. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, tất cả các vụ án dân sự nếu đưa ra xét xử thì đều phải trải qua việc xét xử tại phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa sơ thẩm được diễn ra sau khi hòa giải không thành hoặc đối với những vụ án mà pháp luật quy định không được phép hòa giải thì Tòa án phải tiến hành phiên xét xử vụ án dân sự.
Sơ thẩm vụ án dân sự tại phiên tòa sơ thẩm có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc giải quyết vụ án dân sự. Khi sơ thẩm vụ án dân sự tại phiên tòa sơ thẩm Tòa án có thẩm quyền sẽ quyết định giải quyết các vấn đề của vụ án, xác định quyền và nghĩa vụ của các đương sự làm căn cứ cho việc thi hành án. Bản án và quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật.
2.2. Thủ tục tiến hành phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thủ tục tiến hành phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự như sau:
Thứ nhất, chuẩn bị khai mạc phiên tòa: Đây là thủ tục của Thư ký Tòa án gồm các công việc: phổ biến nội quy, xác định sự vắng mặt có mặt theo giấy giới thiệu, ổn định trật tự, yêu cầu mọi người đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào làm việc (Điều 237).
Thứ hai, về thủ tục bắt đầu phiên tòa bao gồm các công việc sau: Khai mạc phiên tòa (Điều 239); giải quyết yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định và người phiên dịch (Điều 240); xem xét, quyết định hoãn phiên tòa khi có người vắng mặt (Điều 241);…
Thứ ba, về thủ tục tranh tụng tại phiên tòa bao gồm:
(1) Hỏi tại phiên tòa và thứ tự hỏi tại phiên tòa theo quy định tại Điều 249 như sau:
- Nguyên đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn hỏi trước, tiếp đến bị đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn, sau đó là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
- Những người tham gia tố tụng khác.
- Chủ tọa phiên tòa, Hội thẩm nhân dân.
- Kiểm sát viên tham gia phiên tòa.
(2) Thủ tục tranh luận tại phiên tòa: Đây là hoạt động trung tâm của phiên tòa, bảo đảm cho đương sự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước tòa án (Điều 260).
(3) Hỏi và tranh luận lại: Qua tranh luận, nếu xét thấy có tình tiết của vụ án chưa được xem xét, việc xem xét chưa được đầy đủ hoặc cần xem xét thêm chứng cứ thì Hội đồng xét xử quyết định trở lại việc hỏi và tranh luận (Điều 263).
Thứ tư, nghị án và tuyên án:
- Nghị án: Đây là việc Hội đồng xét xử xem xét, quyết định giải quyết vụ án (Điều 264) và có thể trở lại việc hỏi và tranh luận (Điều 265).
- Tuyên án: Sau khi bản án đã được thông qua, Hội đồng xét xử trở lại phòng xét xử để tuyên án (Điều 267).
3. Sơ thẩm vụ án hinh sự
3.1. Thế nào là sơ thẩm vụ án hình sự?
Sơ thẩm vụ án hinh sự được diễn ra tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự – phiên tòa xét xử vụ án hình sự lần đầu tiên của Tòa án. Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự được tiến hành sau khi Tòa án thụ lý vụ án.
Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là giai đoạn của tố tụng hình sự và là xét xử lần đầu tiên của vụ án hình sự. Trong đó, tòa án có thẩm quyền thực hiện trên cơ sở tranh tụng tại phiên tòa xem xét, giải quyết vụ án bằng việc ra bản án quyết định bị cáo (hoặc các bị cáo) có tội hay không có tội, hình phạt và các biện pháp tư pháp, cũng như các quyết định tố tụng khác theo quy định của pháp luật. Bản án và quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật.
3.2. Thủ tục tiến hành phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, thủ tục tiến hành phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự như sau:
Thứ nhất, chuẩn bị khai mạc phiên tòa: Đây là thủ tục của Thư ký Tòa án gồm các công việc: phổ biến nội quy, xác định sự vắng mặt có mặt theo giấy giới thiệu, ổn định trật tự, yêu cầu mọi người đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào làm việc (Điều 300).
Thứ hai, về thủ tục bắt đầu phiên tòa:
Thủ tục bắt đầu phiên tòa sẽ được tiến hành như phần khai mạc phiên tòa. Khi bắt đầu phiên tòa thủ tục sẽ được tiến hành như sau:
- Chủ tọa phiên tòa đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.
- Thư ký Tòa án báo cáo danh sách những người được triệu tập đã có mặt, chủ tọa phiên tòa kiểm tra căn cước của những người đó và giải thích cho họ biết quyền và nghĩa vụ của họ tại phiên tòa.
Thứ ba, về thủ tục tranh tụng tại phiên tòa bao gồm:
(1) Xét hỏi tại phiên tòa và thứ tự hỏi tại phiên tòa theo quy định tại Điều 307 như sau:
Việc xét hỏi từng người trong vụ án sẽ được tiến hành trực tiếp và liên tục và theo thứ tự xét hỏi hợp lý. Khi xét hỏi từng người, chủ tọa phiên tòa hỏi trước rồi đến các Hội thẩm, sau đó đến Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Những người tham gia phiên tòa cũng có quyền đề nghị với chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Người giám định được hỏi về những vấn đề có liên quan đến việc giám định. Thứ tự hỏi thường được diễn ra như sau:
- Bị cáo.
- Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ.
- Người làm chứng.
- Người giám định.
Khi nhận thấy các tình tiết của vụ án đã được xem xét đầy đủ thì chủ tọa phiên tòa hỏi Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người khác tham gia phiên tòa xem họ có yêu cầu xét hỏi vấn đề gì nữa không. Nếu có người yêu cầu và xét thấy yêu cầu đó là cần thiết thì chủ tọa phiên tòa quyết định tiếp tục việc xét hỏi.
(2) Thủ tục tranh luận tại phiên tòa: Đây là hoạt động trung tâm của phiên tòa, bảo đảm cho các bên bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước tòa án theo quy định tại Điều 322 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Thủ tục tranh luận tại phiên tòa sẽ được diễn ra ngay sau phần xét hỏi, với thứ tự như sau:
- Kiểm sát viên trình bày lời luận tội.
- Luật sư trình bày việc bào chữa.
- Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ được trình bày ý kiến để bảo vệ quyền và lợi íích của mình.
Ở phần đối đáp, các bên đưa ra các lập luận bảo vệ cho yêu cầu cẩu mình giữa những người tham gia tố tụng.
(3) Hỏi và tranh luận lại: Trong quá trình tranh luận, những người tham gia gia tố tụng có thể trở lại việc xét hỏi để làm rõ hơn cho các yêu cầu của mình (Điều 323).
Thứ tư, nghị án và tuyên án: Việc nghị án và tuyên án là thủ tục cuối cùng trong phiên tòa sơ thẩm. Việc nghị án và tuyên án được thực hiện bởi thẩm phán và hội thẩm. Các thành viên của Hội đồng xét xử phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề một.
- Nghị án: Chỉ Thẩm phán và Hội thẩm mới có quyền nghị án và việc nghị án phải được tiến hành tại phòng nghị án (Điều 326).
- Tuyên án: Sau khi bản án đã được thông qua, quy lại phòng xét xử chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên khác của Hội đồng xét xử đọc bản án (Điều 327).
Hy vọng bài viết hữu ích đối với bạn!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay