Có rất nhiều lý do dẫn tới tình trạng doanh nghiệp bị giải thể, đồng nghĩa với việc rất nhiều người lao động lâm vào cảnh thất nghiệp. Đối với đa số những người lao động bị thất nghiệp, nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền đối với họ hẳn là một dấu hỏi rất lớn cần lời giải đáp. Vậy trong những trường hợp như vậy, phía doanh nghiệp sẽ có những chính sách và nghĩa vụ như thế nào đối với người lao động? Câu trả lời sẽ có trong nội dung bài viết dưới đây.
Căn cứ:
- Bộ luật lao động 2012
- Luật doanh nghiệp 2014
Nội dung tư vấn
1. Giải thể doanh nghiệp tác động như thế nào đến người lao động
Trong thế giới kinh doanh ngày nay, với sự cải tiến nhanh của công nghệ và sự vận động không ngừng của môi trường kinh doanh, việc các doanh nghiệp mới được thành lập cũng tỷ lệ thuận với số doanh nghiệp phải giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh. Có rất nhiều lý do dẫn tới việc doanh nghiệp phải đi tới quyết định giải thể doanh nghiệp. Thông thường, có hai trường hợp đó là doanh nghiệp tự nguyện giải thể và doanh nghiệp giải thể bắt buộc khi bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tịch thu Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của tòa án.
Khi doanh nghiệp giải thể, đồng nghĩa với đó là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đó phải chấm dứt và không còn công việc cho người lao động. Đây là một trong những trường hợp dẫn tới chấm dứt hợp đồng lao động. Cụ thể tại khoản 10 Điều 35 Bộ luật lao động quy định như sau:
Điều 35. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động
….
10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất,giải thể, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.
Tuy nhiên dù thế nào đi chăng nữa, trước khi được công nhận việc giải thể, doanh nghiệp cũng phải đảm bảo việc phải thanh toán hết các nghĩa vụ tài sản và các khoản nợ có liên quan tới người lao động, khách hàng và các đối tác. Việc này được pháp luật quy định tại khoản 2 Điều 202 Luật doanh nghiệp 2014, cụ thể như sau:
2. Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.
2. Người lao động được hưởng cụ thể những gì
Giữa rất nhiều những khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính khác mà doanh nghiệp giải thể sẽ phải xoay xở thì những nghĩa vụ tài chính liên quan tới người lao động được pháp luật quy định sẽ phải ưu tiên thanh toán trước. Cụ thể tại khoản 4 Điều 47 Bộ luật lao động 2012 quy định rằng:
Điều 47. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động
….
4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán.
Trên tinh thần bảo vệ và đứng về phía người lao động, vốn là phía yêu thế hơn trong mối quan hệ lao động, những nhà làm luật đã thông nhất quan điểm khi đề ra những quy định bảo vệ tuyệt đối quyền và lợi ích chính đang cho người lao động. Để củng cố những quy định trên, tại khoản 5 Điều 202 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán các nghĩa vụ khi doanh nghiệp giải thể, theo đó xếp các nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội ở thứ tự đầu tiên.
Theo đó, trong trường hợp doanh nghiệp bị giải thể thì có nghĩa vụ phải giải quyết quyền lợi cho người lao động bao gồm:
- Tiền lương theo hợp đồng lao động;
- Trợ cấp thôi việc;
- Bảo hiểm xã hội; Bảo hiểm y tế; Bảo hiểm thất nghiệp (gồm trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm);
- Quyền lợi khác theo thoản ước lao động tập thể và hợp đồng lao động
Thứ nhất về trợ cấp thôi việc
Điều kiện để được hưởng trợ cấp thôi việc: NLĐ đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên.
Mức hưởng: Mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Cách tính: Trợ cấp thôi việc = thời gian làm việc tính trợ cấp x tiền lương tính trợ cấp
Để hiểu rõ hơn về trợ cấp thôi việc xin truy cập vào đường link: Trợ cấp thôi việc là gì? Cách tính trợ cấp thôi việc?
Thứ hai về bảo hiểm thất nghiệp
Điều kiện hưởng: Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi thất nghiệp; đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức BHXH; và chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp.
Như vậy, để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, chị phải trực tiếp làm thủ tục để được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Mức trợ cấp = 60% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Thời gian hưởng được xác định như sau:
Có đủ từ 12 tháng đến dưới 36 tháng đóng bảo hiểm: 03 tháng;
Từ đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng đóng bảo hiểm: 06 tháng;
Từ đủ 72 tháng đến dưới 144 tháng đóng bảo hiểm: 09 tháng;
Từ đủ 144 tháng đóng bảo hiểm trở lên: 12 tháng.
Hy vọng bài viết có ích đối với quý độc giả, đem lại những kiến thức bổ ích để người lao động có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình khi thất nghiệp vì doanh nghiệp giải thể.
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về pháp luật lao động tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay