Bị tai nạn giao thông có được hưởng bảo hiểm xã hội không?

bởi Luật Sư X
Những cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) được giảm đi phần nào gánh nặng khi những biến cố xảy đến với họ, khiến cho họ bị giảm hoặc mất đi các khoản thu nhập. Một trong những rủi ro có thể ấp tới với bất cứ ai đó là tai nạn khi tham gia giao thông. Trong bài viết này, Luật sư X xin được chia sẻ về những băn khoăn rằng bị tai nạn có được hưởng BHXH không? Mức hưởng cụ thể là bao nhiêu? Căn cứ:
  • Luật bảo hiểm xã hội 2014
Nội dung tư vấn 1. Bị tai nạn sẽ được hưởng BHXH Bảo hiểm xã hội đóng một vai trò quan trọng và vô cùng nhân văn, khi nó san sẻ phần nào những rủi ro của con người trong xã hội. Việc này được minh chứng tại Khoản 1 Điều 3 Luật bảo hiểm xã hội 2014, quy định như sau:

1. Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Như vậy, pháp luật quy định có một sự cam kết rằng những ai tham gia đóng bảo hiểm xã hội thì đều được đảm bảo việc sẽ được bù đắp một phần thu nhập khi người đó gặp phải những biến cố về sức khỏe, tính mạng trong cuộc đời. Do vậy, đối với các trường hợp bị tai nạn giao thông mà người bị nạn là đối tượng đã tham gia đóng BHXH thì sẽ được hưởng những chế độ theo pháp luật quy định.  Tuy nhiên trong thực tế, các trường hợp tai nạn giao thông thường diễn ra rất đa dạng, nó có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân và trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Do pháp luật có những quy định về mức hưởng chế độ BHXH khác nhau nên trong các trường hợp người tham gia BHXH bị tai nạn giao thông, cần phải xem xét tính chất, hoàn cảnh của sự việc, cũng như căn cứ vào kết quả giám định sức khỏe của người gặp nạn để có được chính sách hưởng chế độ BHXH một cách thỏa đáng theo quy định pháp luật. Căn cứ theo thực tiễn và những quy định của pháp luật, có thể chia ra hai nhóm trường hợp đó là:
  • Được hưởng trợ cấp theo chế độ tai nạn lao động
  • Được hưởng trợ cấp theo chế độ ốm đau
2. Mức hưởng trợ cấp theo chế độ tai nạn lao động Căn cứ theo Điều 42 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về các đối tượng được hưởng trợ cấp theo chế độ tai nạn lao động bao gồm:
  • Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạnhợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
  • Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
  • Cán bộ, công chức, viên chức;
  • Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
  • Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân,
  • Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
  • Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
Với các đối tượng nêu trên, trong quá trình làm việc, công tác hoặc trong những trường hợp thực hiện nhiệm vụ được giao từ người sử dụng lao động mà gặp phải tai nạn giao thông thì được xem là một dạng tai nạn lao động. Bên cạnh đó, những trường hợp tai nạn giao thông xảy đến với các đối tượng nêu trên khi những người này đang trên được từ nhà tới cơ quan và ngược, lại sẽ được xem là một trường hợp tai nạn lao động. Các yêu tố được dùng để làm căn cứ xem xét đó là quãng đường và phạm vi xảy ra vụ tai nạn có liên quan tới việc di chuyển từ nhà tới cơ quan hoặc từ cơ quan về nhà hay không. Cụ thể tại Khoản 1 Điều 43 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về các trường hợp được xem là tai nạn lao động như sau:

Điều 43. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động

Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;

c) Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

Điểm a, b Khoản 1 Điều 43 thì được quy định khá rõ ràng và dễ hiểu. Riêng tại Điểm c thì vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận vì cho rằng rất khó phân định được thế nào là trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý. Để mọi người dễ dàng nắm bắt và vận dụng hơn, Luật sư X xin được lấy một ví dụ cụ thể như về 2 trường hợp như sau Trường hợp 1: Chị A hàng ngày đi từ cơ quan về nhà trên đoạn đường quen thuộc hết 30 phút. Một ngày nọ khi tan ca và đi về nhà trên cung đường đó, chị A bị tai nạn giao thông. Lúc này sẽ có căn cứ để áp dụng Điểm c Khoản 1 Điều 43 nêu trên để chị A được hưởng trợ cấp theo chế độ tai nạn lao động. Trường hợp 2: Chị A hàng ngày đi từ cơ quan về nhà trên đoạn đường quen thuộc hết 30 phút.  Vào một ngày nọ, chị A quyết định đi tới cửa hàng mua quần áo để shopping và đi ăn với bạn bè trước khi về nhà. Khi vừa mua đồ xong và đang di chuyển tới nhà hàng nơi mà đã hẹn bạn từ trước thì chị A bị tai nạn giao thông. Trong trường hợp này, chị A đã không còn đi trên quãng đường và trong khoảng thời gian hợp lý để được xem xét thuộc trường hợp bị tai nạn lao động nữa. Trường hợp 3: Chị A hàng ngày đi từ cơ quan về nhà trên đoạn đường quen thuộc hết 30 phút. Tuy nhiên một ngày nọ, trời mưa lớn dẫn tới tuyến đường từ chị thường đi về nhà bị ngập lụt do mữa bão và phương tiện không thể di chuyển qua đoạn đường này được. Chị A đành phải đi một đường khác xa hơn và không bị ngập lụt để về nhà. Trong lúc di chuyển thì chị A bị tai nạn giao thông. Lúc này, vẫn có thể áp dụng Điểm c Khoản 1 Điều 43 để làm căn cứ xác định chị A bị tai nạn lao động. Bởi lẽ, việc chị A phải đi một tuyến đường khác nằm ngoài ý chí chủ quan của chị A, thuộc một trong các trường bất khả kháng. Từ 3 tình huống nêu trên có thể giúp mọi người dễ dàng hơn trong việc xác định có được hưởng trợ cấp theo chế độ tai nạn lao động hay không. Những trường hợp thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật bảo hiểm xã hội 2014 còn cần phải đáp ứng thêm điều kiện thứ 2 để được công nhận là tai nạn lao động. Điều kiện này được quy định tại Khoản 2 Điều 43 như sau:

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này.

Bởi lẽ thực tế thấy rằng những trường hợp suy giảm khả năng lao động dưới 5% không để lại hậu quả và gây ảnh hưởng tới khả năng lao động của người bị tai nạn. Do đó, chỉ những trường hợp bị tai nạn giao thông mà được cơ quan khám chữa bệnh giám định rằng suy giảm khả năng lao động trên 5% thì mới được hưởng BHXH.  Với những trường hợp đáp ứng đủ các điều kiện về chủ thể, về mức độ suy giảm khả năng lao động và thuộc một trong các trường hợp được xác định là tai nạn lao động thì sẽ được hưởng trợ cấp. Mức hưởng trợ cấp cụ thể căn cứ dựa trên mức độ % suy giảm khả năng lao động của người bị tai nạn lao động, có 2 hình thức là trợ cấp một lần và trợ cấp hàng tháng. Cụ thể Điều 45, 46 Luật bảo hiểm xã hội quy định như sau:

Điều 46. Trợ cấp một lần

1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.

2. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:

a) Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;

b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Điều 47. Trợ cấp hàng tháng

1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.

2. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:

a) Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;

b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Thời điểm được hưởng trợ cấp tính từ tháng người bị tai nạn lao động ra điều trị xong và xuất viện. Mức lương cơ sở hiện này là 1.490.000 đồng ( Áp dụng từ ngày 1/7/2019) 3. Mức hưởng trợ cấp theo chế độ ốm đau. Đối với những trường hợp bị tai nạn giao thông mà không đáp ứng đủ những điều kiện được hưởng chế độ tai nạn lao động thì sẽ được hưởng trợ cấp theo chế độ ốm đau. Để được hưởng trợ cấp theo chế độ ốm đau cũng phải đáp ứng những điều kiện được quy định tại Khoản 1 Điều 25 Luật bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

Điều 25. Điều kiện hưởng chế độ ốm đau

1. Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.

Bên cạnh việc được hưởng những ngày nghỉ để chữa trị, phục hồi sức khỏe sau khi bị tai nạn giao thông, người tham gia bảo hiểm thuộc trường hợp này còn được hưởng mức tiền trợ cấp theo quy định tại Điều 28 Luật bảo hiểm xã hội 2014, cụ thể như sau:

Điều 28. Mức hưởng chế độ ốm đau

1. Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 26, Điều 27 của Luật này thì mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Trường hợp người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc người lao động trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó.

2. Người lao động hưởng tiếp chế độ ốm đau quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 của Luật này thì mức hưởng được quy định như sau:

a) Bằng 65% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm trở lên;

b) Bằng 55% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;

c) Bằng 50% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm.

3. Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 3 Điều 26 của Luật này thì mức hưởng bằng 100% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

4. Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày. 

Hy vọng bài viết hữu ích đối với quy độc giả

Thông tin liên hệ Luật Sư X

Trên đây là nội dung tư vấn về Bị tai nạn giao thông có được hưởng bảo hiểm xã hội không? Mọi thắc mắc về thủ tục pháp lý có liên quan. Quý khách vui lòng liên hệ Luật Sư X để được hỗ trợ, giải đáp. Gọi ngay cho chúng tôi qua hotline: 0833.102.102.
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm