Bố mẹ che giấu, không tố giác con phạm tội có bị phạt không?

bởi
Bố mẹ che giấu, không tố giác con phạm tội có bị phạt không?
Ông bà ta từ xưa đã có câu “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, dẫu được dạy dỗ nhiều đến mức nào đi chăng nữa thì đôi khi con trẻ cũng gây ra những lỗi lầm, thậm chí là những hành động nguy hiểm mà thiệt hại là khó có thể nào lường trước được. Một khi rơi vào tình cảnh này thì nhiều người dù biết rằng đó là hành vi sai trái nhưng vẫn không thể nào đứng nhìn đứa con của mình phải vướng vòng lao lý. Vậy theo quy định của pháp luật thì trường hợp cha mẹ che giấu hoặc không tố giác tội phạm mà người phạm tội là con mình thì có phải chịu trách nhiệm hình sự ?

Căn cứ:

  • Bộ luật hình sự 2015

Nội dung tư vấn

1. Thế nào là che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm.

Bộ luật hình sự 2015 không đưa ra định nghĩa mà chỉ quy định vấn đề này như sau:

Điều 18. Che giấu tội phạm

1. Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.

2. Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.

Điều 19. Không tố giác tội phạm

1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.

Theo từ điển tiếng việt thì che giấu có nghĩa là giấu đi, không để lộ ra cho người khác biết; còn không tố giác là không báo cho cơ quan chính quyền biết người hoặc hành động phạm pháp nào đó.

Như vậy che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm là 2 hành vi hoàn toàn khác nhau và do đó mức độ chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) trong từng trường hợp cũng khác nhau. Điểm cần lưu ý là đối với hành vi che giấu tội phạm đặc điểm cơ bản và quan trọng đó là  yếu tố “không hứa hẹn trước”. Bởi lẽ nếu hành vi che giấu mà biết rõ và đã được hứa hẹn, sắp xếp từ trước thì lúc này người che giấu sẽ bị xử lí với vai trò đồng phạm (đồng phạm giúp sức) cùng với tội danh mà tội phạm được che giấu.

2. Vậy cha mẹ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự khi che giấu tội phạm ?

Ở đây chúng tôi xin viện dẫn quy định của pháp luật để trả lời không những cho câu hỏi này mà còn cho những câu hỏi khác đại loại ông bà che giấu cho cháu, anh chị che giấu cho em, vợ che giấu cho chồng và ngược lại…v.v

Khoản 2 Điều 18 và Khoản 2 Điều 19 quy định vấn đề này như sau:

Điều 18. Che giấu tội phạm

2. Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.

Điều 19.Không tố giác tội phạm

2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Chương XIII Bộ luật hình sự là chương bao gồm các tội xâm phạm an ninh quốc gia và theo như quy định trên thì bắt buộc người thân là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội phải có trách nhiệm tố giác. Bởi lẽ xuất phát từ mức độ nghiêm trọng của hành vi người phạm tội là xâm phạm đến an ninh quốc gia (chủ thể quan trọng bậc nhất của đất nước). Trong thực tế, việc những người trong gia đình che giấu hành vi phạm tội của người thân mình là điều dễ hiểu. Điều này là do tâm lý, đạo đức trong mối quan hệ ruột thịt và đây cũng là một phần của đạo lý truyền thống của người Việt Nam, nên trong những trường hợp bình thường, những người thân như cha mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột thường che giấu hành vi phạm tội của con, em mình.

Do đó khi  lấy ý kiến xây dựng BLHS cũng đã có đề nghị nên loại trừ TNHS đối với các đối tượng này khi họ che giấu tội phạm mà đối tượng phạm tội là người thân thích, ruột thịt. Tuy nhiên xét thấy nếu loại trừ TNHS hoàn toàn cho các đối tượng này thì sẽ gây rất nhiều khó khăn, thậm chí trong nhiều trường hợp sẽ dẫn đến bế tắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó kết quả là khi ban hành luật chỉ quy định người thân chỉ chịu TNHS đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia và đặc biệt nghiêm trọng theo quy định.

Còn đối với vấn đề không tố giác tội phạm, quy định này cũng có phần giống với quy định đối với che giấu tội phạm. Luật chỉ đặt vấn đề TNHS đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội đặc biệt nghiêm trọng.

Thế tội đặc biệt nghiêm trọng là tội gì?

Tội đặc biệt nghiêm trọng là một trong số 4 loại tội phạm được phân loại theo BLHS. 

Theo Điều 9 Bộ luật hình sự thì tội đặc biệt nghiệm trọng là  tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Đây là loại tội phạm nguy hiểm bậc nhất, gây ra hậu quả lớn nhất cho xã hội, xâm phạm một cách đặc biệt nghiêm trọng đến các khách thể được BLHS bảo vệ. Ba loại tội phạm kia có tính nguy hại ít hơn loại tội phạm này.

Như vậy để trả lời cho câu hỏi người thân mà che giấu hay không tố giác thì có bị truy cứu TNHS hay không?

=> Câu trả lời là CÓ, với điều kiện đó là các tội thuộc chương XIII (như tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, Tội gián điệp, Tội bạo loạn ..v.v) hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng. Hay nói cách khác nếu tội danh mà người thân thít phạm tội là các tội KHÔNG THUỘC chương XIII, các tội là ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng thì khi họ che giấu thì sẽ không bị truy cứu TNHS (Nói theo cách hiểu nôm na là KHÔNG LIÊN CAN).

Hy vọng bài viết hữu ích đối với bạn

Xem thêm: Phân biệt che giấu tội phạm & không tố giác tội phạm.

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm