Có hộ khẩu tại Hà Nội là mong muốn của nhiều người vì điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các quyền lợi có liên quan. Gần đây lãnh sự quán Hàn Quốc “mở cửa” để cho phép những người dân tại những thành phố lớn có visa sang Hàn học tập, làm việc thì việc có hộ khẩu tại Hà Nội lại trở thành tâm điểm. Tuy nhiên, Hà Nội là thành phố trực thuộc trung ương nên có hộ khẩu – trở thành công dân thành phố này sẽ khó hơn thông thường và có yêu cầu về điều kiện 3 năm tạm trú. Vậy làm thế nào để có hộ khẩu Hà Nội mà không cần đến điều kiện nói trên?
LSX xin giới thiệu ý kiến tham khảo
Căn cứ:
- Luật hộ tịch 2006
- Luật thủ đô 2012
- Các văn bản hướng dân có liên quan
Nội dung tư vấn
1. Điều kiện để có hộ khẩu Hà Nội
Để trở thành một “công dân” của thành phố trực thuộc Trung Ương, thủ đô Hà Nội thì cần phải đáp ứng một số những tiêu trí mà theo tôi đánh giá là khá khó khăn. Những tiêu trí này được xây dựng dựa trên quy hoạch về mật độ, cơ cấu dân cư và cụ thể Hóa tại Điều 19 Luật thủ đô 2012:
Điều 19. Quản lý dân cư
1. Dân cư trên địa bàn Thủ đô được quản lý với quy mô, mật độ, cơ cấu theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
2. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành chính sách ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành; phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong Vùng Thủ đô phát triển kinh tế – xã hội và giải quyết việc làm nhằm hạn chế tình trạng di dân tự phát vào nội thành.
3. Việc đăng ký thường trú ở ngoại thành được thực hiện theo quy định của pháp luật về cư trú.
4. Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú ở nội thành:
a) Các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 20 của Luật cư trú;
b) Các trường hợp không thuộc điểm a khoản này đã tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở; đối với nhà thuê phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê cho đăng ký thường trú vào nhà thuê.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 19 Luật thủ đô 2012 dẫn chiếu Điều 20 Luật cư trú 2006 cụ thể như sau:
Điều 20. Điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương
Công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:
1. Có chỗ ở hợp pháp, trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên;
2. Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;
b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc về ở với anh, chị, em ruột;
c) Người khuyết tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;
d) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;
đ) Người thành niên độc thân về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột;
e) Ông bà nội, ngoại về ở với cháu ruột;
3. Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp;
4. Trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình;
5. Trường hợp quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều này đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố;
b) Có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về điều kiện diện tích bình quân;
c) Được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;
6. Việc đăng ký thường trú vào nội thành thành phố Hà Nội thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật Thủ đô.
Từ hai quy định nói trên ta có thể thấy rằng, để trở thành công dân của thủ đô sẽ cần điều kiện nhất định:
- Có chỗ ở hợp pháp và Đảm bảo đủ thời gian đăng ký tạm trú nhất định:
- Ở các phường, xã, huyện ngoại thành thì có thời gian đăng ký tạm trú là 1 năm;
- Ở các phường, quận nội thành: phải có thời gian đăng ký tạm trú từ 2 năm trở lên (theo luật cư trú), 3 năm trở lên (theo luật thủ đô) – áp dụng luật chuyên ngành trong trường hợp này (Luật thủ đô 2012);
- Được chủ hộ khẩu đồng ý cho nhập khẩu (thường áp dụng đối với gia đình, người thân);
- Hoặc được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước, làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp;
- Trước đây đã từng đăng ký thường trú tại Hà Nội và trở về.
Lưu ý:
- Chỗ ở hợp pháp của công dân phải đảm bảo đủ diện tích tối thiểu theo quy định của UBND thành phố (Đối với thành phố Hà Nội thì phải đảm bảo đủ 15m2/ người dựa trên Nghị quyết số 11/2013/NQ-HĐND);
- Chỗ ở hợp pháp có thể là thuê, mua, mượn có sự đồng ý bằng văn bản.
2. Cách có sổ hộ khẩu Hà Nội không cần 3 năm tạm trú
Về cơ bản thì các bạn đã nắm rõ cách thức để có hộ khẩu Hà Nội với nội dung “mục 1” phía trên. Tuy nhiên chắc hẳn ai khi đăng ký hộ khẩu cũng gặp khó khăn rất lớn trong việc thực hiện khi không đảm bảo điều kiện về:
- Đăng ký tạm trú trên 3 năm: Đây là một điều kiện khó khi rất ít người sinh sống có đăng ký tạm trú mặc dù đây là điều kiện bắt buộc khi sinh sống tại Thủ đô. Tôi tin rằng ít nhiều thì các bạn cũng đã từng bị phạt hành chính một vài lần. Ngoài ra, ở một số cơ quan công an thì việc đăng ký tạm trú chỉ ghi nhận vào sổ gốc mà không cấp sổ tạm trú. Điều này gây khó khăn khi chứng minh để làm sổ hộ khẩu tại Hà Nội.
- Không có nhà ở hợp pháp: Nhà ở hợp pháp của các cá nhân có thể là thuê, mua, mượn nhưng phải đảm bảo ký kết bằng văn bản. Có nghĩa rằng mọi giao dịch sẽ không thể bằng lời nói mà cần hợp đồng thuê, mượn để chứng minh giá trị. Việc chứng minh đảm bảo đủ diện tích tối thiểu cũng khó khăn khi chưa có một quy định cụ thể về tính toán, đo vẽ.
Trên đây là hai khó khăn chính mà tôi thường thấy trong vấn đề làm hộ khẩu Hà Nội. Tất nhiên, nếu kiếm được vợ người Hà Nội và nhập khẩu thì quá đơn giản nhưng có lẽ trường hợp này khá hi hữu. Như đã nói ở tiêu đề bài viết thì làm thế nào để có khẩu Hà Nội không cần 3 năm đăng ký tạm trú?
Vấn đề 3 năm tạm trú chỉ là một trong số những điều kiện để được cấp sổ hộ khẩu, bạn phải đảm bảo điều kiện về nơi ăn chốn ở hợp pháp nữa. Tuy nhiên, khi nghiên cứu các quy định của pháp luật thì điều kiện 3 năm tạm trú tại thủ đô có thể được thay thế bằng một điều kiện khác dễ dàng hơn tại Khoản 3 Điều 20 Luật cư trú 2006:
Điều 20. Điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương
3. Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp;
Khoản 3 Điều 20 Luật này có lưu ý 1 trường hợp sẽ được cấp sổ hộ khẩu khi:
- Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước và có chỗ ở hợp pháp;
- Hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp;
Có thể thấy rằng, công dân có quyền lựa chọn giữa việc có văn bản chứng minh mình được điều động đến cơ quan nhà nước làm việc hoặc có một hợp đồng lao động không xác định thời hạn với những tổ chức doanh nghiệp khác. Tôi nghĩ rằng, những người ngoại tình hiện đang sinh sống tại Hà Nội sẽ có ít nhiều tham gia làm việc trong một doanh nghiệp hoặc tổ chức nào đó, vấn đề có hợp đồng lao động rất dễ dàng để đáp ứng. Để mà nói thì điều kiện này dễ dàng đạt được hơn so với điều kiện 3 năm tạm trú đúng không nào?
Điều 7 Thông tư 35/2015/TT-BCA cũng có quy định rõ rằng việc chứng minh bằng hợp đồng lao động không phân biệt giữa các thành phần kinh tế, chỉ cần có xác nhận của thủ trưởng cơ quan có nhu cầu sử dụng lao động mà thôi:
3. Đối với trường hợp thuộc khoản 3 Điều 20 Luật Cư trú
a) Giấy tờ, tài liệu chứng minh là người đang làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước bao gồm một trong các loại giấy tờ, tài liệu sau:
– Giấy giới thiệu (ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ tên) của Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp (kể cả Quân đội nhân dân và Công an nhân dân) kèm theo một trong các giấy tờ, tài liệu sau:
+ Quyết định điều động, tuyển dụng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước là cán bộ, công chức, người thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân;
+ Quyết định về nâng lương cán bộ, công chức; nâng lương, phong, thăng cấp bậc hàm; quyết định bổ nhiệm chức vụ thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân;
– Xác nhận (ký tên, đóng dấu) của Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp (kể cả Quân đội nhân dân và Công an nhân dân) về việc đang làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh là người đang làm việc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn tại các cơ quan, tổ chức bao gồm một trong các loại giấy tờ, tài liệu sau:
– Giấy giới thiệu (ký tên, đóng dấu, ghi rõ họ tên) của Thủ trưởng đơn vị trực tiếp (kể cả Quân đội nhân dân và Công an nhân dân) kèm theo một trong các giấy tờ, tài liệu sau:
+ Hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo pháp luật lao động (áp dụng cho mọi cơ quan, tổ chức, kể cả các tổ chức thuộc các thành phần kinh tế có sử dụng lao động);
+ Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước theo pháp luật cán bộ, công chức.
– Riêng đối với những người là lãnh đạo thuộc cơ quan, tổ chức thì quyết định của cấp có thẩm quyền về bổ nhiệm, điều động lãnh đạo thuộc cơ quan, tổ chức hoặc giấy tờ chứng minh là người lãnh đạo thuộc cơ quan, tổ chức đó thay cho hợp đồng không xác định thời hạn.
– Xác nhận (ký tên, đóng dấu) của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp (kể cả Quân đội nhân dân và Công an nhân dân) về việc công dân đang làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn (áp dụng cho mọi cơ quan, tổ chức, kể cả các tổ chức thuộc các thành phần kinh tế có sử dụng lao động) hoặc theo chế độ hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.
Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp là Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang được sử dụng con dấu riêng.
Lý thuyết là vậy, về mặt thực tế thì việc làm sổ hộ khẩu dựa trên căn cứ này sẽ phát sinh nhiều khó khăn bởi lẽ nếu bạn không biết cách áp dụng pháp luật linh hoạt thì rất khó đưa ra những ý kiến được cán bộ công an chấp thuận. Vì vậy, hãy có luật sư đồng hành hoặc sử dụng dịch vụ làm sổ hộ khẩu Hà Nội để thuận tiện hơn.
Sau khi đáp ứng nhiều điều kiện làm sổ hộ khẩu. Bạn hãy chuẩn bị một bộ hồ sơ đăng ký hộ khẩu bao gồm:
- Giấy báo thay đổi hộ khẩu;
- Giấy báo tách khẩu;
- Bản sao sổ đỏ, sổ hồng hoặc tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp (văn bản cho mượn hoặc cho thuê nhà);
- Chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu của người trong hộ;
- Tờ khai đăng ký hộ khẩu;
- Xác nhận tạm trú, sổ tạm trú đủ điều kiện 3 năm đăng ký
- Hoặc hợp đồng lao động không có thời hạn.
Hi vọng rằng, với những thông tin này có thể hỗ trợ bạn phần nào trong việc làm sổ hộ khẩu tại Hà Nội.
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ đăng ký hộ khẩu tại Hà Nội
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay qua hotline: 0833.102.102