Có được tự do mua bán vàng miếng hay không?

bởi Luật Sư X

Theo pháp luật hiện hành thì mua bán vàng miếng được xem như mua bán ngoại tệ, do đó, liệu rằng các tổ chức, cá nhân có được tự do mua bán vàng miếng trên thị trường hay không? Mời các bạn hãy tham khảo bài viết dưới đây của Luật sư X để có thể tránh được những rủi ro gặp phải khi bạn đang có ý định mua vàng miếng nhé.

Căn cứ pháp lý

  • Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng;
  • Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng;

Nội dung tư vấn 

1.Khái quát về vàng miếng:

Theo Khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2012/NĐ-CP thì vàng miếng được định nghĩa là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệptổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây được gọi là Ngân hàng Nhà nước) cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ. Và vàng miếng bị nghiêm cấm sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán theo quy định tại Khoản 4 Điều 19 Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, Khoản 3 Điều 2 Nghị định 24 cũng đã đưa ra nguyên tắc nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và giao cho Ngân hàng nhà nước tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng thông qua việc quyết định hạn mức, thời điểm sản  xuất và phương thức thực hiện sản xuất vàng miếng phù hợp trong từng thời kỳ.

Đồng thời, tại Khoản 3 Điều 21 Nghị định 24 cũng có quy định các giấy phép sản xuất vàng miếng do Ngân hàng nhà nước đã cấp trước đây hết hiệu lực từ ngày 25/5/2012. Theo đó, các giấy phép sản xuất vàng miếng Ngân hàng nhà nước đã cấp cho các tổ chức tin dụng, doanh nghiệp kinh doanh vàng trước đây hết hiệu lực. Các quy định này nhằm ngăn chặn việc sản xuất vàng miếng từ các nguồn nguyên liệu nhập lậu, đảm bảo cho Nhà nước quản lý chặt chẽ nguồn cung vàng miếng, góp phần bình ổn thị trường, hạn chế tình trạng đầu cơ.

2. Có được tự do mua bán vàng miếng hay không?

Căn cứ tại Điều 10 Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã có quy định như sau:

Điều 10. Quản lý hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng

Hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng

Như vậy, hiện nay các tổ chức, cá nhân sẽ không được tự do mua bán vàng miếng trên thị trường mà theo đó, các hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

Để được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng thì các Doanh nghiệp, và các tổ chức tín dụng cần đáp ứng các điều kiện theo Điều 11  Nghị định 24/2012/NĐ-CP như sau:

Điều 11. Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng

1. Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

b) Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên.

c) Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 (hai) năm trở lên.

d) Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 (năm trăm) triệu đồng/năm trở lên trong 2 (hai) năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế).

đ) Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 (ba) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

2. Tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Có vốn điều lệ từ 3.000 (ba nghìn) tỷ đồng trở lên.

b) Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng.

c) Có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 (năm) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

3. Ngân hàng Nhà nước quy định thủ tục và hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng đối với doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, và các tổ chức tín dụng khi kinh doanh vàng miếng cần tuân thủ thêm các quy định  tại  theo Điều 12  Nghị định 24/2012/NĐ-CP như sau:

Điều 12. Trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng

Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng có trách nhiệm:

1. Chỉ được phép mua, bán các loại vàng miếng quy định tại Khoản 2 Điều 3 của Nghị định này.

2. Không được phép thực hiện kinh doanh vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm.

3. Chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn chứng từ.

4. Niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch về giá mua và giá bán vàng miếng.

5. Có biện pháp và trang thiết bị bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh.

6. Tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác liên quan.

Theo thực tế cho thấy đến nay hầu như không có dấu hiệu phân biệt giữa các tiệm vàng được phép mua bán vàng miếng và các tiệm vàng còn lại. Về vấn đề này, hiện đã có văn bản yêu cầu các điểm giao dịch được phép phải dán công khai giấy phép của ngân hàng nhà nước trước quầy giao dịch để người dân dễ dàng nhận biết.

3. Xử lý vi phạm hành chính:

Khi các cá nhân, tổ chức mua, bán vàng miếng tại tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng thì theo Khoản 2 Điều 25 Nghị định 96/2014/NĐ-CP sẽ bị xử phạt như sau:

Điều 25. Vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vàng

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không niêm yết công khai giá mua, giá bán vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ; khối lượng, hàm lượng vàng trang sức, mỹ nghệ tại địa điểm giao dịch;

b) Có niêm yết giá mua, giá bán vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ nhưng hình thức, nội dung niêm yết giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng;

c) Vi phạm trách nhiệm của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng khi có thay đổi về mạng lưới chi nhánh, địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng theo quy định của pháp luật;

d) Mua, bán vàng miếng tại tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng;

đ) Thực hiện kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ mà không đáp ứng đủ điều kiện được phép kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định của pháp luật;

e) Thực hiện gia công vàng trang sức, mỹ nghệ mà không có đăng ký gia công vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Theo đó, tùy theo từng trường hợp và mức độ vi phạm thì các cá nhân, tổ chức mua, bán vàng miếng tại tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng sẽ bị phạt tiền tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, theo Khoản 7, Khoản 8 Điều 25 Nghị định 96/2014/NĐ-CP  khi các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng thì sẽ bị xử phạt như sau:

Điều 25. Vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vàng

7. Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng;

b) Thực hiện xuất khẩu hoặc nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật;

c) Hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định của pháp luật.

8. Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu số vàng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 7 Điều này;

Theo đó, cũng tùy theo từng trường hợp và mức độ vi phạm thì khi các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng sẽ bị phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng. Bên cạnh đó, sẽ bị áp dụng thêm hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số vàng đối với hành vi vi phạm nêu trên.

Mong bài viết hữu ích cho bạn đọc.

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về luật sư tranh tụng tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay

 

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm