Sản xuất hàng may mặc, dệt may là một ngành kinh doanh có lợi nhuận cao tại Việt Nam vì đây là một những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Điều này đã thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư muốn tham gia kinh doanh ngành dệt may xuất khẩu. Nếu bạn đang có dự định kinh doanh ngành này thì hãy tham khảo bài viết sau của Luật sư X về thủ tục mở công ty dệt may xuất khẩu nhé.
Căn cứ:
- Luật doanh nghiệp 2014
- Nghị định 78/2015/NĐ-CP
Nội dung tư vấn
1. Những điều cần lưu ý khi mở công ty dệt may xuất khẩu:
1.1. Đặt tên công ty:
Tên công ty là tên tiếng Việt gồm hai yếu tố cấu thành là loại hình và tên riêng.
Tên công ty không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên công ty đã đăng ký trước đó.
Tên công ty không được vi phạm với thuần phong, mỹ tục Việt Nam
Tên công ty không được tên của các cơ quan, tổ chức nhà nước, Quốc hội,…
Bạn có thể tham khảo thêm quy định đặt tên công ty
1.2. Trụ sở công ty:
Trụ sở công ty là nơi giao dịch, hoạt động kinh doanh chính của công ty. Trụ sở chính của công ty là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có). Doanh nghiệp lưu ý trụ sở doanh nghiệp không được là nhà chung cư và nhà tập thể
Bạn có thể tham khảo thêm quy định trụ sở công ty.
1.3. Người đại diện theo pháp luật của công ty:
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Khi nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh, công ty phải cung cấp thông tin cá nhân kèm theo chức danh của người đại diện. Trường hợp người đại diện theo pháp luật là người được doanh nghiệp thuê thì cần cung cấp thêm hợp đồng lao động và quyết định bổ nhiệm.
Bạn có thể tham khảo thêm quy định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
1.4. Vốn điều lệ công ty:
Vốn điều lệ không có giới hạn tối đa hay tối thiểu đối với từng loại hình doanh nghiệp nên bạn có thể tùy ý lựa chọn số vốn của doanh nghiệp bạn mong muốn. Tuy nhiên, vốn điều lệ là căn cứ để kê khai và đóng thuế môn bài và là một trong những yếu tố để ngân hàng xem xét cho doanh nghiệp bạn vay nên bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng khi kê khai vốn điều lệ doanh nghiệp. Cụ thể mức thuế môn bài mà doanh nghiệp phải nộp là:
- Doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm;
- Doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm
Bạn có thể tham khảo thêm quy định vốn điều lệ công ty.
1.5. Mã ngành nghề kinh doanh:
Ngành dệt may có rất nhiều ngành nghề chi tiết. Tùy thuộc vào nhu cầu của doanh nghiệp mà bạn có thể chọn ngành nghề phù hợp với mình. Dưới đây là một số mã ngành nghề mà bạn có thể tham khảo khi đăng ký kinh doanh:
- Sản xuất vải dệt kim, vải đan móc và vải không dệt khác : 1321
- Sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục): 1322
- Sản xuất thảm, chăn đệm: 1323
- Sản xuất sản phẩm từ da lông thú:1420
- Sản xuất trang phục dệt kim, đan móc: 1430
- Thuộc, sơ chế da; sơ chế và nhuộm da lông thú:1511
- Sản xuất vali, túi xách và các loại tương tự, sản xuất yên đệm: 1512…
2. Thủ tục mở công ty dệt may xuất khẩu:
Để mở công ty dệt may xuất khẩu thì bạn cần phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh sau đó thực hiện thủ tục xin phép xuất khẩu hàng dệt may.
Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ cần thiết
Để thành lập công ty dệt may cần chuẩn bị những giấy tờ sau:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
- Dự thảo điều lệ công ty
- Danh sách thành viên hoặc cổ đông sáng lập (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần)
- Giấy tờ chứng thực của thành viên, người đại diện theo pháp luật: chứng minh nhân dân, căn cước công dân,…Ngoài ra, nếu người đại diện được doanh nghiệp thuê thì cần cung cấp thêm hợp đồng lao động và quyết định bổ nhiệm.
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với trường hợp là tổ chức)
- Giấy ủy quyền (nếu có)
Bước 2: Nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh/ thành phố nơi dự kiến đặt địa chỉ trụ sở cho công ty của mình.
Hiện nay, có hai hình thức nộp hồ sơ, đó là:
- Đăng ký kinh doanh trực tiếp: Nộp hồ sơ và lệ phí trực tiếp tại bộ phận “một cửa” của Phòng Đăng ký kinh doanh.
- Đăng ký kinh doanh qua mạng: Bạn nộp hồ sơ qua mạng điện tử trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (https://dangkykinhdoanh.gov.vn) . Sau khi hồ sơ nộp qua mạng đã hợp lệ, bạn sẽ phải trực tiếp ra bộ phận “một cửa” nộp lại bản giấy đã scan khi nộp qua mạng. Để có thể đăn ký doanh nghiệp trực tuyến thì doanh nghiệp cần phải chữ ký số công cộng hoặc tài khoản đăng ký kinh doanh.
Sau khi nộp xong hồ sơ, sẽ nhận được một tờ giấy biên nhận hồ sơ hẹn thời gian bạn có thể nhận kết quả. Thời gian giải quyết hồ sơ thông thường sẽ là 03 ngày làm việc.
Lưu ý:
- Hiện nay, Hà Nội yêu cầu bắt buộc phải nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng. Những trường hợp nộp trực tiếp sẽ bị từ chối.
- Lệ phí đăng ký kinh doanh là 100.000 đồng/ lần đối với hồ sơ nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh còn đối với đăng ký qua mạng sẽ được miễn phí.
Bước 3: Nhận kết quả
Khi đến nhận kết quả tại Bộ phận một cửa vào ngày ghi trên giấy hẹn, và sẽ có hai trường hợp xảy ra với bạn:
- Thứ nhất, hồ sơ của bạn hợp lệ thì bạn sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và mã số thuế do cơ quan thuế cấp. Sau đó, bạn thực hiện các bước tiếp theo.
- Thứ hai, hồ sơ của bạn không hợp lệ thì bạn sẽ nhận được văn bản từ chối cấp giấy chứng nhận kèm theo hướng dẫn để bạn sửa chữa, bổ sung hồ sơ.
Bước 4: Thủ tục sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, để có thể chính thức hoạt động, doanh nghiệp cần thực hiện một số thủ tục sau:
- Sau khi có mã số doanh nghiệp (đồng thời là mã số thuế), doanh nghiệp cần thực hiện một số thủ tục về thuế tại Cơ quan Thuế để kê khai, nộp thuế theo thông báo của Cục thuế tỉnh/thành phố (thủ tục tạo và phát hành hóa đơn; thủ tục mua, cấp hóa đơn; thủ tục kê khai nộp thuế,…).
- Doanh nghiệp thực hiện thủ tục khắc con dấu cần liên hệ với cơ quan liên quan và cơ quan công an để thực hiện thủ tục khắc con dấu, đăng ký mẫu dấu theo quy định pháp luật.
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp phải đăng nội dung đăng ký doanh nghiệp trên cổng Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia và trả phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp. (lệ phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp là 300.000 đồng)
Sau khi thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm dệt may thì doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục hải quan hàng dệt may xuất khẩu và thủ tục xin giấy phép hàng dệt may xuất khẩu.
Đối với thủ tục hải quan hàng dệt may xuất khẩu thì doanh nghiệp phải thực hiện tại nơi mà luật Hải quan 2014 quy định, cụ thể như sau:
- Địa điểm làm thủ tục hải quan là nơi cơ quan hải quan tiếp nhận, đăng ký và kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải.
- Địa điểm tiếp nhận, đăng ký và kiểm tra hồ sơ hải quan là trụ sở Cục Hải quan, trụ sở Chi cục Hải quan.
- Địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa bao gồm:
- Địa điểm kiểm tra tại khu vực cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế; bưu điện quốc tế; cảng biển, cảng thủy nội địa có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa;
- Trụ sở Chi cục Hải quan;
- Địa điểm kiểm tra tập trung theo quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan;
- Địa điểm kiểm tra tại cơ sở sản xuất, công trình; nơi tổ chức hội chợ, triển lãm;
- Địa điểm kiểm tra tại khu vực kho ngoại quan, kho bảo thuế, địa điểm thu gom hàng lẻ;
- Địa điểm kiểm tra chung giữa Hải quan Việt Nam với Hải quan nước láng giềng tại khu vực cửa khẩu đường bộ;
- Địa điểm khác do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định trong trường hợp cần thiết.
Thủ tục xin giấy phép hàng dệt may xuất khẩu: doanh nghiệp có thể xem xét Nghị định 69/2018/NĐ-CP để xem sản phẩm của doanh nghiệp bạn có thuộc trường hợp xin giấy phép hàng dệt may xuất khẩu hay không đồng thời bạn có thể liên hệ với Bộ công thương để được hướng dẫn giải đáp về thủ tục.
Hy vọng bài viết này hữu ích với bạn!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ doanh nghiệp tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102