Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, luật pháp quy định các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp phải có nghĩa vụ phải nộp thuế cho nhà nước. Có nhiều loại thuế, phí, lệ phí khác nhau, mà tùy theo mỗi chủ thể kinh doanh khác nhau sẽ phải đóng những loại thuế phí theo pháp luật quy định. Một trong số các loại thuế mà các chủ thể kinh doanh phải lưu ý đầu tiên đó là thuế môn bài.
Căn cứ:
- Nghị định 139/2016/NĐ-CP
- Thông tư 130/2016/TT-BTC
- Thông tư 166/2013/TT-BTC
- Thông tư 156/2013/TT-BTC
Nội dung tư vấn
Có lẽ dù đã khá quen thuộc với cụm tử “Thuế môn bài” nhưng hầu hết mọi người chưa thực sự hiểu được ý nghĩa của cụm từ này. “Môn bài” là một từ Hán Nôm, theo đó đó “môn” là cửa, “bài” là thẻ. Bắt nguồn từ xa xưa, trong xã hội phong kiến, khi các hộ kinh doanh được cấp phép thì sẽ được cấp một tấm thẻ và treo ở trước cửa nơi hoạt động kinh doanh, buôn bán diễn ra. Ngày nay, trong xã hội hiện đại, việc đăng ký để được cấp phép thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn là điều bắt buộc, tuy nhiên pháp luật không còn quy định phải treo giấy phép kinh doanh ở cổng trụ sở nữa. Do vậy, ngày nay “môn bài” được dùng để nói tới các loại giấy tờ cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm chấp thuận hoạt động kinh doanh của chủ thể xin phép. Ví dụ như giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư,….
Từ việc hiểu được ý nghĩa của từ “môn bài” như vậy, thuế môn bài (còn gọi là lệ phí môn bài) được định nghĩa là một sắc thuế trực thu và thường là định ngạch đánh vào giấy phép kinh doanh (môn bài) của các chủ thể kinh doanh. Theo đó, chủ thể kinh doanh sẽ phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế hàng năm, dựa trên mức vốn điều lệ được xác định trong giấy phép đăng ký kinh doanh. Căn cứ theo Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP thì những đối tượng phải chịu thuế môn bài đó là:
1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã.
3. Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
4. Tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.
5. Tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh.
6. Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (nếu có).
7. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Như vậy, có thể thấy phạm vi những đối tượng phải chịu thuế môn bài là rất rộng, bao trùm lên hầu hết các tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh và trong đời sống xã hội. Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định một số trường hợp được miễn thuế môn bài, đó là những cá nhân, hộ kinh doanh hoạt động với mức doanh thu thấp (dưới 100 triệu/năm), có tính chất nhỏ lẻ và không thường xuyên; hoặc cũng có thể là những cá nhân, hộ kinh doanh trong những lĩnh vực nhất định như sản xuất muối, … Cụ thể tại Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 3. Miễn lệ phí môn bài
Các trường hợp được miễn lệ phí môn bài, gồm:
1. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.
2. Cá nhân nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
3. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối.
4. Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.
5. Điểm bưu điện văn hoá xã; cơ quan báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử).
6. Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã hoạt động dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp.
7. Quỹ tín dụng nhân dân xã; hợp tác xã chuyên kinh doanh dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã và của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi. Địa bàn miền núi được xác định theo quy định của Ủy ban Dân tộc.
2. Mức thuế, bậc thuế môn bài
Có thể thấy rằng, các đối tượng phải chịu thuế môn bài được chia là 2 nhóm đối tượng. Do đó, pháp luật cũng quy định 2 mức thuế môn bài cụ thể cho 2 nhóm đối tượng này. Cụ thể:
Thứ nhất, nhóm chủ thể kinh doanh là các tổ chức, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh (Ví dụ như công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh; hoặc các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp,…..)
Đối với nhóm đối tượng này, tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định mức thuể môn bài phải đóng dựa trên mức vốn điều lệ được xác định ghi trong giấy phép đăng ký kinh doanh như sau:
a) Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm;
b) Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm;
c) Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 đồng/năm.
Thứ hai, nhóm chủ thể kinh doanh là cá nhân, hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh và không thuộc các đối tượng được miễn thuế môn bài.
Căn cứ dùng để xác định mức thuế môn bài mà nhóm đối tượng này phải đóng không dựa trên vốn điều lệ giống như các tổ chức. Mà căn cứ để xác định đó là tổng doanh thu được dùng để tính mức thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định như sau:
a) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm;
b) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm;
c) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.
Lưu ý: Việc xác định mức thuế môn bài phải đóng trong năm đối với các đối tượng mới thành lập, mới bắt đầu hoạt động kinh doanh còn dựa trên thời gian có hiệu lực của giấy phép đăng ký kinh doanh. Cụ thể, nếu chủ thể kinh doanh được cấp phép hoạt động trong 6 tháng đầu năm (tức trước ngày 1/7 hàng năm) thì sẽ phải đóng 100% mức thuế theo như các mức nêu trên. Còn đối với những chủ thể kinh doanh được cấp phép hoạt động trong 6 tháng cuối năm (kể từ 1/7 trở đi) thì chỉ phải đóng 50% mức thuế nêu trên.
3. Kê khai thuế môn bài
Các chủ thể kinh doanh có nghĩa vụ phải thực hiện việc tự kê khai thuế môn bài dựa trên mức thuế mà pháp luật quy định. Việc kê khai chỉ được thực hiện một lần khi các chủ thể kinh doanh bắt đầu thực hiện hoạt động kinh doanh và không phải thực hiện kê khai lại vào năm tiếp theo nếu không có những sự thay đổi của vốn điều lệ hoặc doanh thu. Căn cứ theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định 139/2016/NĐ-CP thì việc kê khai thuế môn bài được quy định như sau:
a) Khai lệ phí môn bài một lần khi người nộp lệ phí mới ra hoạt động kinh doanh, chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh;
b) Trường hợp người nộp lệ phí mới thành lập cơ sở kinh doanh nhưng chưa hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải khai lệ phí môn bài trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký thuế.
4. Thời hạn nộp thuế môn bài
Thứ nhất, đối với những chủ thể kinh doanh đã hoạt động trên 1 năm thì thời gian nộp thuế môn bài chậm nhất là ngày 30/1 hàng năm. Ví dụ doanh nghiệp đã được cấp phép và hoạt động kinh doanh từ năm 2018, thì thời hạn nộp thuế môn bài cho năm 2018 là tới ngày 30/1/2019.
Thứ hai, đối với những chủ thể kinh doanh mới bắt đầu thực hiện việc kinh doanh thì cần phải lưu ý mốc thời gian trong 2 trường hợp sau:
- Đối với những chủ thể kinh doanh bắt đầu hoạt động kinh doanh thì thời hạn nộp thuế môn bài là ngày cuối cùng của tháng đó.
- Đối với những chủ thể kinh doanh đã được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh nhưng hoạt động kinh doanh chưa được diễn ra thì thời hạn nộp thuế môn bài là 30 ngày tính từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tới
Lấy một ví dụ để dễ hình dung hơn về thời hạn kê khai và nộp thuế với những chủ thể mới bắt đầu hoạt động kinh doanh như sau:
Doanh nghiệp A, thực hiện hoạt động kinh doanh từ ngày 10/1/2019, Như vậy, trong trường hợp này, hạn chót để doanh nghiệp A thực hiện việc kê khai và nộp thuế môn bài là ngày 30/1/2019
Một doanh nghiệp B khác, được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ ngày 1/3/2019, nhưng đăng ký ngày bắt đầu hoạt động là 15/2/2019. Trong trường hợp này, thời hạn 30 ngày bắt đầu được tính kể từ ngày doanh nghiệp B được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh (1/3/2019) và hạn chót để doanh nghiệp B thực hiện việc nộp thuế môn bài là 30/3/2019.
5. Hình thức nộp thuế môn bài
Căn cứ theo Điều 28 Thông tư số 156/2013.TT-BTC theo đó có thể nộp thuế môn bài theo các cách thức sau:
- Nộp tại Kho bạc nhà nước
- Nộp tại cơ quan quản lý thu thuế nhà nước
- Nộp cho các cơ quan được cơ quan thuế ủy nhiệm thu thuế
Tuy nhiên hiện nay, với chính sách cải cách hành chính theo hướng hiện đại, xây dựng chính phủ điện tử thì việc nộp thuế được thực hiện phổ biến thông qua mạng internet. Theo đó chủ thể kinh doanh sẽ nộp thuế điện tử trích từ tài khoản ngân hàng của công ty, đối với hình thức nộp này thì doanh nghiệp nộp thông qua chữ ký số.
Hiện nay, các chi cục thuế đều yêu cầu nộp thuế điện tử thông qua chữ ký số thì thuế mới giải quyết hồ sơ khai thuế, vì thế việc mở tài khoản ngân hàng công ty và mua Chữ ký số là bắt buộc đối với các doanh nghiệp.
6. Xử phạt đối với việc chậm nộp thuế và tờ khai thuế môn bài
Mức phạt chậm nộp tờ khai thuế môn bài
Căn cứ theo Thông tư 166/2013/TT-BTC của Bộ tài chính ban hành mức phạt cụ thể như sau:
Mức phạt | Số ngày chậm nộp |
Phạt cảnh cáo | Từ 1 – 5 ngày |
400.000 – 1.000.000 đồng | Từ 1 – 10 ngày |
800.000 – 2.000.000 đồng | Từ 10 – 20 ngày |
1.200.000 – 3.000.000 đồng | Từ 20 – 30 ngày |
1.600.000 – 4.000.000 đồng | Từ 30 – 40 ngày |
2.000.000 – 5.000.000 đồng | Từ 40 – 100 ngày |
Lưu ý: Số ngày chậm nộp được tính từ ngày tiếp theo của ngày hết thời hạn nộp tờ khai thuế. Ví dụ doanh nghiệp A bắt đầu hoạt động kinh doanh từ 10/1/2019, thời hạn cuối cùng để nộp tờ khai thuế theo quy định pháp luật là 31/1/2019. Do đó, nếu qua ngày 31/1/2019 mà doanh nghiệp A chưa nộp tờ khai thuế môn bài thì số ngày chậm nộp được tính từ 1/2/2019.
Mức phạt nộp chậm tiền thuế môn bài
Căn cứ theo Thông tư 130/2016/TT-BTC quy định mức phạt đối với những trường hợp chậm nộp thuế môn bài được tính theo công thức sau:
Số tiền phạt= Số tiền chậm nộp x 0.03% x Số ngày chậm nộp
Ví dụ: doanh nghiệp B có thời hạn nộp thuế môn bài là 30/1/2019. Nhưng tới ngày 10/2/2019 mới thực hiện việc nộp thuế và số thuế được xác định là 2 triệu đồng. Do đó căn cứ theo công thức tính trên thì
Số tiền phạt= 2.000.000 x 0.03% x 10 ngày = 6.000 VNĐ
Nộp thuế là nghĩa vụ của mỗi cá nhân và tổ chức, do đó hãy lưu ý những điều được nêu trên để thực hiện đóng thuế đúng theo quy định pháp luật.
Hy vọng bài viết trên hữu ích đối với quý độc giả.
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư doanh nghiệp tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102