Công an có được sử dụng smartphone ghi hình để làm căn cứ xử phạt ?

bởi Luật Sư X
Trong xử lí vi phạm hành chính nói chung và trong lĩnh vực giao thông đường bộ nói riêng thì có rất nhiều hành vi vi phạm cần phải có hình ảnh chứng minh lỗi vi phạm. Dễ thấy nhất là hình ảnh do máy bắn tốc độ, hình ảnh do camera ghi nhận được tại các trụ đèn tín hiệu giao thông..v.v được sử dụng để tiến hành xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên trên thực tế nhiều người dân thắc mắc là công an (bao gồm CSGT, CSTT, CSCĐ ..v.v) có được sử dụng hình ảnh, video từ smartphone để làm căn cứ xử phạt người dân hay không ?

Căn cứ:

  • Luật xử lí vi phạm hành chính 2012
  • Nghị định 165/2013/NĐ-CP

Nội dung tư vấn:

1. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện nay việc có trong tay 1 chiếc smartphone là điều rất dễ dàng đối với nhiều người. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật thì việc quay phim chụp hình dần được trang bị những công nghệ tốt hơn, chất lượng hình ảnh và âm thanh cũng tốt hơn. Do đó có rất nhiều trường hợp người dân đã sử dụng chúng để quay lại những hình ảnh khi xử lí vi phạm của các chiến sĩ công an. Đó là quyền tự do của công dân, điều này không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên thử đặt trường hợp ngược lại là các chiến sĩ công an sử dụng những chiếc điện thoại thông minh để ghi hình và tiến hành xử phạt người tham gia giao thông thì điều này có đúng với quy định của pháp luật về tính pháp lí của hình ảnh thu thập được như thế nào.

Luật xử lí vi phạm hành chính 2012 quy định vấn đề sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ như sau:

Điều 64. Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện vi phạm hành chính.

1. Cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.

2. Việc quản lý, sử dụng và quy định danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Tôn trọng quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư của công dân, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức;

b) Tuân thủ đúng quy trình, quy tắc về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;

c) Kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được ghi nhận bằng văn bản và chỉ được sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính;

d) Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền quy định.

3. Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính.

Như vậy không phải bất cứ phương tiện ghi âm ghi hình nào cũng được sử dụng để làm căn cứ xử phạt trong xử lí vi phạm hành chính. Bởi lẽ tính chính xác của chứng cứ thu thập được sẽ không được đảm bảo hoàn toàn 100%, từ đó sẽ ảnh hưởng quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức trong thực tế. 

2. Quy định của chính phủ về quản lý, sử dụng thiết bị phương tiện kỹ thuật trong xử lí VPHC.

Căn cứ vào thẩm quyền và yêu cầu thực tế thì ngày 12 tháng 11 năm  2013 Chính phủ đã ban hành nghị định 165/2013/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường. Cụ thể tại Điều 3 của nghị định đã nghiêm cấm các hành vi sau đây:

Điều 3. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Lạm dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư của công dân, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của tổ chức và cá nhân.

2. Không tuân thủ đúng quy trình, quy tắc về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

3. Cố ý hủy hoại, làm hư hỏng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

4. Cản trở, hạn chế hoặc vô hiệu hóa tính năng kỹ thuật của các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

5. Giao phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền quản lý, sử dụng.

6. Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ không bảo đảm đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định hoặc chưa được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định của pháp luật có liên quan.

Ngoài các hành vi bị nghiêm cấm trên thì nghị định này cũng đã hướng dẫn cụ thể việc sử dụng thiết bị theo quy định tại Điều 64 Luật xử lí vi phạm hành chính, việc sử dụng phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

Điều 9. Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

1. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trước khi đưa vào sử dụng phải bảo đảm được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định của pháp luật; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phải được duy trì trong suốt quá trình sử dụng và giữa hai kỳ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.

2. Việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải tuân thủ đúng quy định tại Khoản 2 Điều 64 Luật xử lý vi phạm hành chính.

3. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chỉ được lắp đặt, sử dụng khi được phê duyệt của người có thẩm quyền sau:

a) Trưởng Công an cấp huyện, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt, Cục trưởng Cục Cảnh sát đường thủy, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm;

b) Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam;

c) Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.

Từ quy định trên nếu áp dụng với trường hợp CSGT, CSTT sử dụng smartphone ghi hình thì chúng ta sẽ rút ra các vấn đề sau đây:

  • Thứ nhất, smartphone sẽ không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm định hay hiệu chuẩn. Việc kiểm tra chỉ do nhà sản xuất tiến hành dựa theo những tiêu chuẩn của riêng họ mà thôi, và nó chỉ được thực hiện 1 lần từ khi xuất xưởng. Trên thực tế việc kiểm tra từ nhà sản xuất chỉ mang tính ngẩu nhiên một vài sản phẩm trong một lô hàng. Trong khi đó xuất phát từ yêu cầu sử dụng trong quản lí nhà nước nên thiết bị, phương tiện kỹ thuật khi đưa vào vận hành phải được kiểm tra đồng bộ và cụ thể. Ngoài ra việc kiểm định, hiệu chuẩn hay thử nghiệm sẽ được lập lại trong khoản thời gian quy định nhằm kiểm tra tính chính xác của thiết bị (vấn đề này các bạn tìm hiểu thêm tại Thông tư 40/2015/TT-BCA). Do đó rõ ràng việc sử dụng smartphone sẽ không đáp ứng được quy định tại Khoản 1 Điều 9 nêu trên.
  • Thứ hai, thông thường căn cứ vào chuyên đề kế hoạch đã được lập ra từ trước thì khi bắt đầu tiến hành công việc kiểm tra giám sát trên đường thì các chiến sĩ công an sẽ được phê duyệt cấp phát phương tiện kỹ thuật tương ứng với chuyên đề tiến hành. VD như chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn trong người tham gia giao thông thì sẽ được cấp phát “Phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở.”, nếu chuyên đề kiểm tra ma tuý đối với tài xế thì sẽ được cấp phát “Thiết bị đo, thử chất ma túy.”, hay nếu chuyên đề là kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về tốc độ lưu thông trên đường thì sẽ được cấp phát “Máy đo tốc độ có ghi hình ảnh.” …v.v ngoài ra việc cấp phát này phải thông qua văn bản của người có thẩm quyền và được quản lí lưu trữ chứ không thể lấy tuỳ tiện. Đó là đối với các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mang tính chuyên biệt, còn việc sử dụng smartphone trong xử lí thường mang tính nhất thời, bộc phát mà không nằm trong kế hoạch đã được duyệt. Do đó nó sẽ không tuân thủ được yêu cầu tại Khoản 3 Điều 9 của Nghị định 165/2013/NĐ-CP.

Như vậy chúng ta đã tìm được câu trả lời cho việc có được sử dụng hình ảnh, video thu thập được từ điện thoại thông minh (smartphone) để làm căn cứ xử phạt hay không ? Câu trả lời này còn áp dụng cho tất cả các thiết bị, phương tiện không nằm trong danh mục I, II, III của Nghị định 165/2013/NĐ-CP mà không được tiến hành kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy trình. 

Nếu các bạn để ý thì khi tham khảo bài viết này các bạn sẽ tìm được thêm câu trả lời cho vấn đề “CSGT giao cho người dân thực hiện việc bắn tốc độ thì việc này có hợp pháp ?”

Câu trả lời nằm tại Khoản 5 Điều 3 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng thiết bị kỹ thuật trong xử phạt. Ở đây cần chú ý rằng người sử dụng là người dân (tức là người không có chức năng, nhiệm vụ trong xử lí vi phạm), chứ không phải là trường hợp CSGT cải trang để tác nghiệp. Bởi lẽ  trường hợp cải trang khi tiến hành xử lí vi phạm là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật (Quy định tại Điều 9 Thông tư 01/2016/TT-BCA)

Chúng tôi cung cấp bài viết này không nhằm cổ xuý cho bất kì trường hợp cố tình vi phạm nào cả. Tinh thần của LsX là cung cấp kiến thức đến mọi người trên góc độ quy định của pháp luật về các vấn đề liên quan. Việc đảm bảo an toàn giao thông trước hết là vì lợi ích của chính các bạn, đó có thể là tiền bạc và thậm chí là tính mạng của các bạn khi tham gia giao thông. Hãy là người dân gương mẫu tuân thủ pháp luật, hành vi nào sai trái thì chúng ta đấu tranh hành vi đó chứ đừng nên chống đối một cách vô tội vạ các bạn nhé.

Hy vọng bài viết có ích cho bạn! Xem thêm:

Thông tin liên hệ Luật Sư X

Trên đây là nội dung tư vấn về Công an có được sử dụng smartphone ghi hình để làm căn cứ xử phạt? Mọi thắc mắc về thủ tục pháp lý có liên quan. Quý khách vui lòng liên hệ Luật Sư X để được hỗ trợ, giải đáp. Gọi ngay cho chúng tôi qua hotline: 0833.102.102.
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm