Doanh nghiệp là cụm từ được dùng rất nhiều trong môi trường kinh doanh . Chúng ta đều hiểu qua khi nói đến doanh nghiệp là ý nói đến một loại chủ thể kinh doanh quen thuộc. Tuy nhiên nội hàm của doanh nghiệp theo quy định pháp luật Việt Nam yêu cầu một chủ thể phải đáp ứng những điều kiện gì thì mới được coi là doanh nghiệp? Một cửa hàng tạp hóa có được coi là doanh nghiệp không? Doanh nghiệp và công ty có là một? Doanh nghiệp có quyền và nghĩa vụ gì? Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu thông qua bài viết sau đây!
Căn cứ pháp lý
Doanh nghiệp là gì?
Định nghĩa về doanh nghiệp được quy định tại khoản 10 điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, theo đó: “Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”.
Như vậy có thể thấy, doanh nghiệp có những đặc trưng sau đây:
– Doanh nghiệp là tổ chức. Chỉ chủ thể là tổ chức mới có thể được coi doanh nghiệp, cá nhân dù có hoạt động kinh doanh cũng không thể được coi doanh nghiệp.
– Có tên riêng, có tài sản, trụ sở giao dịch. Đặc điểm này cho thấy tính độc lập của doanh nghiệp. Tên riêng giúp doanh nghiệp thuận tiện trong việc tham gia các giao dịch cũng như có thể phân biệt với các chủ thể khác. Tài sản của doanh nghiệp là cơ sở vật chất để doanh nghiệp có thể hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trụ sở giao dịch là yếu tố cần thiết, là nơi để thực hiện một số hoạt động của doanh nghiệp.
– Doanh nghiệp được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật. Điều này thể hiện một doanh nghiệp khi muốn được hoạt động tại Việt Nam, trước tiên phải có sự cho phép, công nhận, quản lý của Nhà nước mà không được thành lập, hoạt động một cách tùy tiện.
– Mục đích hoạt động của doanh nghiệp là nhằm mục đích kinh doanh. Doanh nghiệp là một loại tổ chức bên cạnh rất nhiều tổ chức khác được pháp luật quy định như tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị – xã hội,..Đặc trưng quan trọng để phân biệt doanh nghiệp đó là mục đích kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động đều hướng đến mục đích là kinh doanh kiếm lợi nhuận, làm giàu cho bản thân doanh nghiệp, các chủ sở hữu khi đầu tư vào.
Theo Luật Doanh nghiệp 2020, kế thừa các quy định pháp luật trước đây, hiện doanh nghiệp bao gồm 4 loại hình sau: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần. Như vậy đã có thể trả lời cho câu hỏi doanh nghiệp và công ty có phải là một? Doanh nghiệp có nội hàm rộng hơn công ty. Công ty dùng để chỉ nhóm các loại hình nghiệp đó là: Công ty hợp danh, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần. Mọi loại hình công ty đều được coi là doanh nghiêp. Nhưng không phải mọi loại hình doanh nghiệp đều được coi là công ty, cụ thể doanh nghiệp tư nhân không được coi là công ty.
Doanh nghiệp thường được biết đến với mục đích tối đa hóa lợi nhuận, tuy nhiên có những doanh nghiệp mục đích khi kinh doanh lại là để thực hiện các mục tiêu xã hội. Hiện pháp luật cũng quy định những tiêu chí để một doanh nghiệp được coi là doanh nghiệp xã hội theo khoản 1 điều 10 Luật Doanh nghiệp 2020:
– Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp
– Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng;
– Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký.
Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp
Quyền của doanh nghiệp
Doanh nghiệp có các quyền sau đây:
– Tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm.
– Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.
-Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn.
-Tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng.
-Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.
-Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
-Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh; được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
-Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp.
-Từ chối yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân về cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật.
-Khiếu nại, tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
-Quyền khác theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ của doanh nghiệp
Doanh nghiệp có các nghĩa vụ sau đây:
-Đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
-Thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, báo cáo và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này.
-Chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.
-Tổ chức công tác kế toán, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
-Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật; không phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động trong doanh nghiệp; không ngược đãi lao động, cưỡng bức lao động hoặc sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.
-Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích
-Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp quy định tại Điều 7, Điều 8 và quy định khác có liên quan của Luật này.
-Được hạch toán và bù đắp chi phí theo giá do pháp luật về đấu thầu quy định hoặc thu phí sử dụng dịch vụ theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
-Được bảo đảm thời hạn cung ứng sản phẩm, dịch vụ thích hợp để thu hồi vốn đầu tư và có lãi hợp lý.
-Cung ứng sản phẩm, dịch vụ đủ số lượng, đúng chất lượng và thời hạn đã cam kết theo giá hoặc phí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
-Bảo đảm các điều kiện công bằng và thuận lợi cho khách hàng.
-Chịu trách nhiệm trước pháp luật và khách hàng về số lượng, chất lượng, điều kiện cung ứng và giá, phí sản phẩm, dịch vụ cung ứng.
Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội
Ngoài quyền và nghĩa vụ chung của doanh nghiệp, doanh nghiệp xã hội có quyền và nghĩa vụ sau đây:
-Chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp xã hội được xem xét, tạo thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật;
-Được huy động, nhận tài trợ từ cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và tổ chức khác của Việt Nam, nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý, chi phí hoạt động của doanh nghiệp;
-Duy trì mục tiêu hoạt động và điều kiện quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 10 Luật doanh nghiệp 2020
-Không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký;
– Trường hợp được nhận các ưu đãi, hỗ trợ, doanh nghiệp xã hội phải định kỳ hằng năm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
– Doanh nghiệp xã hội phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền khi chấm dứt thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường hoặc không sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 10 Luật doanh nghiệp 2020
– Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội.
Mời bạn tham khảo
- Những điều cần biết về tài sản sau ly hôn
- Giải quyết khi mua đất dính quy hoạch
- Thủ tục người nước ngoài nhận nuôi con tại việt nam
Thông tin liên hệ
Với dịch vụ chuyên nghiệp, uy tín; đúng thời hạn; đảm bảo chi phí phù hợp, tiết kiệm; cam kết bảo mật thông tin khách hàng 100%, Luật sư X là sự lựa chọn hàng đầu trong dịch vụ thành lập công ty. Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ: 0833102102 để được giải đáp! Hoặc thông qua các kênh sau:
- FaceBook: www.facebook.com/luatsux
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
- Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux
Câu hỏi thường gặp
Không! Doanh nghiệp được quyền tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Không! Doanh nghiệp có nghĩa vụ đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh