Hiện nay việc gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng để lãnh lãi đã không còn quá xa lạ với nhiều người dân. Nếu so với việc cho vay tiền bên ngoài hay “chơi hụi” thì hình thức gửi ngân hàng có mức lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên nó vẫn được rất nhiều người lựa chọn, nhất là những người có lượng tiền nhàn rỗi lớn. Nguyên nhân xuất phát từ độ tin cậy trong việc chi trả tiền (cả gốc lẫn lãi) đúng thời hạn. Tuy nhiên liệu bạn có khi nào đặt ra câu hỏi cho mình là nếu ngân hàng phá sản thì liệu bạn có lấy lại tiền được không ? Và nếu lấy lại được thì lấy lại được bao nhiêu trong tổng số tiền mình đã gửi ? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây để tìm ra câu trả lời cho vấn đề trên.
Căn cứ:
- Luật bảo hiểm tiền gửi 2012
- Luật phá sản 2014
- Quyết định 21/2017/QĐ-TTg
Nội dung tư vấn
1. Bảo hiểm tiền gửi là gì ? Khi nào chi trả bảo hiểm tiền gửi ?
Bảo hiểm tiền gửi là một nghiệp vụ của ngân hàng theo đó ngân hàng sẽ phải đóng 1 khoản phí cho tổ chức nhận bảo hiểm tiền gửi để bảo hiểm cho tiền gửi của người được bảo hiểm tiền gửi. Bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Khái niệm về bảo hiểm tiền gửi được giải thích tại Điều 4 Luật bảo hiểm tiền gửi 2012.
Điều 4. Giải thích từ ngữ
1. Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.
2. Người được bảo hiểm tiền gửi là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Như vậy khi cá nhân gửi tiền vào ngân hàng mà sau đó nếu ngân hàng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản thì người gửi sẽ đc hoàn trả lại lại một khoản tiền trong hạn mức. Ở đây chúng ta cần cần phải hiểu tình trạng “mất khả năng chi trả” và “phá sản” nó khác nhau như thế nào.
- Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản (Khoản 2 Điều 4 Luật phá sản). Cụm từ mất khả năng thanh toán (insolvency) là tình hình trong đó một cá nhân hay công ty không có khả năng thanh toán cho chủ nợ bằng số tài sản hiện có. Điều này hàm ý nếu họ bán tất cả tài sản của mình đi thì vẫn không đủ trả tiền trả nợ.
- Còn mất khả năng chi trả là tình trạng không thực hiện nghĩa vụ chi trả khoản nợ trong thời gian 01 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
Điều này có nghĩa tình trạng mất khả năng chi trả có mức độ nghiêm trọng ít hơn so với mất khả năng thanh toán. Cần lưu ý là phá sản được thực hiện tại Toà án, và chỉ khi có quyết định tuyên bố phá sản thì doanh nghiệp đó mới bị xem là phá sản và áp dụng các biện pháp xử lí tài sản theo luật định
2. Trường hợp nếu ngân hàng phá sản thì người gửi tiền được chi trả bao nhiêu?
Xuất phát từ vai trò vị trí của ngân hàng trong đời sống kinh tế rất quan trọng nên Nhà nước quy định rất nhiều biện pháp nhằm hạn chế, ngăn ngừa, sớm phát hiện tình trạng có nguy cơ phá sản của các ngân hàng. Trong đó có thể ví dụ như quy định tỷ lệ nợ xấu, quỹ dự phòng, báo cáo tài chính hằng năm. báo cáo định kỳ….v.v cho ngân hàng Nhà nước nắm để quản lí điều hành. Do đó trong trường hợp có dấu hiệu báo động thì NHNN sẽ sớm có biện pháp điều chỉnh. Tuy nhiên nguy cơ phá sản là có, nhất là mấy năm gần đây Chính phủ tuyên bố sẳn sàng để ngân hàng phá sản để nâng cao chất lượng của môi trường tín dụng trong nước.
Vậy giả sử nếu ngân hàng mà bạn gửi tiền lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho bạn hoặc phá sản thì bạn có biết bạn sẽ nhận được bao nhiêu tiền không ?
Vấn đề này được đề cập tại Quyết định 12/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ quy định về hạn mức chi trả tiền gửi.
Điều 3. Hạn mức trả tiền bảo hiểm
Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75.000.000 đồng (bảy mươi lăm triệu đồng).
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 8 năm 2017.
Như vậy trường hợp này bạn sẽ được nhận tối đa là 75 triệu đồng tiền bảo hiểm chi trả, dù bạn có gởi số tiền (cả gốc và lãi tính đến lúc chi trả) lớn hơn 75 triệu hay 75 tỷ đồng thì bạn cũng chỉ nhận được tối đa 75 triệu mà thôi.
Tuy nhiên cần lưu ý là số tiền trên là do tổ chức nhận bảo hiểm tiền gửi chi trả cho bạn trước, riêng đối với khoản tiền mà ngân hàng nợ bạn thì sẽ được quyết định cụ thể khi giải quyết phá sản. Tất cả tài sản của ngân hàng sẽ được bán để lấy tiền chi trả các khoản nợ, trong đó có các khoản nợ cá nhân gửi tiền. Thứ tự ưu tiên thanh toán và tỷ lệ thanh toán được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự, luật phá sản và các luật liên quan.
Như vậy có thể thấy trường hợp ngân hàng phá sản thì quyền lợi của người gửi tiền sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng với quy định hạn mức trên. Trước đây, hạn mức trả bảo hiểm tiền gửi áp dụng từ năm 1999 là 30 triệu đồng và tăng lên 50 triệu đồng từ năm 2005. Một mẹo để người dân gửi tiền hạn chế thấp nhất rủi ro là các bạn hãy chia nhỏ khoản tiền gửi thành nhiều sổ tiết kiệm khác nhau với số tiền gửi không quá 75 triệu đồng (gửi cùng ngân hàng hoặc tại các ngân hàng khác nhau). Tuy nhiên việc này sẽ hơi phiền phức và gửi số tiền ít thì thường mức lãi suất sẽ thấp hơn so với việc gửi một khoản tiền lớn. Do đó các bạn cần cân nhắc thật kỹ.
Hy vọng bài viết hữu ích cho các bạn.
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102