Trong quá trình điều tra những vụ án mạng, đặc biệt là những vụ án mà kẻ phạm tội đã bỏ trốn và có nhiều người được đưa vào diện tình nghi. Việc làm rõ hành vi phạm tội và truy tìm ra chính xác kẻ phạm tội là điều vô cùng quan trọng và cần thiết để truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người và không bỏ lọt tội phạm. Một trong những hoạt động có vai trò quan trọng trong hoạt động điều tra các vụ án mạng đó là khám nghiệm tử thi.
Căn cứ:
- Bộ luật tố tụng hình sự 2015
Nội dung tư vấn
1. Khám nghiệm tử thi là gì
Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành, hoạt động khám nghiệm tử thi là một hoạt động điều tra nhằm phát hiện ra dấu vết tội phạm trên thi thể nạn nhân. Việc khám nghiệm tử thi có thể thực hiện khi quan sát bề mặt bên ngoài của tử thi hoặc cũng có thể là việc mổ tử thi và khám nghiệm bên trong nội tạng của tử thi. Mục đích của việc khám nghiệm tử thi nhằm mục đích phát hiện dấu hiệu phạm tội, cách thức phạm tội hoặc những dấu vết để của kẻ gây án có thể vô tình để lại trên thi thể nạn nhân như tóc, máu, tinh dịch,…. để từ đó xác định nguyên nhân cái chết của nạn nhân. Bên cạnh đó, khám nghiệm tử thi còn giúp cơ quan điều tra tìm hiểu về mục đích gây án, phương thức gây án của kẻ phạm tội để phục vụ quá trình điều tra.
Việc khám nghiệm tử thi được thực hiện bởi cơ quan điều tra với sự tiến hành trực tiếp của giám định viên pháp y và được thực hiện dưới sự giám sát của Viện kiểm sát cùng sự làm chứng của những người liên quan. Cụ thể tại khoản 1 Điều 202 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:
1. Việc khám nghiệm tử thi do giám định viên pháp y tiến hành dưới sự chủ trì của Điều tra viên và phải có người chứng kiến.
Trước khi khám nghiệm tử thi, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian và địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc khám nghiệm tử thi. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm tử thi.
Kết quả của công tác khám nghiệm tử thi có ý nghĩa rất quan trọng và trong một số trường hợp còn mang tính quyết định trong quá trình giải quyết đối với các vụ án giết người, cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người, các vụ án tai nạn giao thông đường bộ, tai nạn lao động và trong một số trường hợp khác.
Việc khám nghiệm tử thi có thể diễn ra ngay khi người chết chưa được chôn cất hoặc có thể khai quật tử thi để thực hiện việc khám nghiệm, kết luận giám định. Trong những trường hợp cần phải khai quật và khám nghiệm tử thi phục vụ cho quá trình điều tra thì phải tuân thủ quy định tại khoản 4 Điều 202 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 như sau:
4. Trường hợp cần khai quật tử thi thì phải có quyết định của Cơ quan điều tra và thông báo cho người thân thích của người chết biết trước khi tiến hành. Trường hợp người chết không có hoặc không xác định được người thân thích của họ thì thông báo cho đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi chôn cất tử thi biết.
2. Gia đình nạn nhân có quyền từ chối khám nghiệm tử thi không?
Hầu hết các vụ án mạng khi xảy ra thì những người thân của người bị hại đều hợp tác và phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình tiến hành khám nghiệm tử thi. Bên cạnh đó, có rất nhiều vụ án tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc chết trong một số trường hợp khác, sau khi xảy ra vụ việc giữa người thân của người bị hại và những người liên quan thỏa thuận với nhau về tình cảm, bồi thường nên cương quyết không hợp tác, phối hợp với các cơ quan chức năng, cương quyết không cho các cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm tử thi.
Như đã phân tích ở trên, việc khám nghiệm tử thi là một hoạt động quan trọng trong quá trình điều tra. Nó nhằm xác minh tội phạm để truy tố đúng người đúng tội, không bỏ lọt tội phạm. Do đó, pháp luật tố tụng hình sự không có quy định nào về việc mổ tử thi phải có sự đồng ý của gia đình nạn nhân. Có chăng đó là trong trường hợp nạn nhân đã được mai táng và chôn cất mà cơ quan điều tra xét thấy cần thiết phải khai quật và giám định tử thi để làm rõ tình tiết vụ án thì trước khi tiến hành việc khai quật tử thi thì cơ quan điều tra phải thông báo trước cho người nhà nạn nhân được biết (Căn cứ khoản 4 Điều 202 Bộ luật tố tụng hình sự).
Do đó, xét thấy nếu cần thiết, cơ quan điều tra có thể quyết định mổ tử thi kể cả khi gia đình không đồng ý. Tuy nhiên, trong thực tế, các điều tra viên thường mời người thân đến chứng kiến, động viên họ đồng ý để công việc điều tra được suôn sẻ, không gây ra bức xúc cho thân nhân người chết.
Hy vọng bài viết có ích đối với quý độc giả.
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay