Khởi tố vụ án đốt pháo sáng trên sân Hàng Đẫy: Xét xử công khai là cần thiết

bởi Luật Sư X

TTO – Đây là ý kiến của một số luật sư khi trao đổi với Tuổi Trẻ về vụ án “gây rối trật tự công cộng” và “chống người thi hành công vụ“, liên quan đến vụ việc CĐV Nam Định đốt pháo sáng tại sân Hàng Đẫy khiến một nữ CĐV bị thương.

* Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội): CĐV phải thận trọng với hành vi của mình

Việc khởi tố vụ án, sắp tới khởi tố bị can, đưa vụ án ra xét xử công khai là điều cần thiết bởi hành vi này hoàn toàn cố ý, có mục đích, chủ động chọn vị trí ném và để mặc hậu quả xảy ra. 

Mặt khác, điều này cũng khiến những CĐV phải thận trọng trước khi tiến hành những hành vi cổ vũ của mình xem có vi phạm pháp luật hay không.

Vì vậy, thiết nghĩ nhất thiết phải áp dụng mức hình phạt phù hợp, tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi mang theo và sử dụng pháo sáng gây ra thương tích nghiêm trọng cho người khác. 

Không loại trừ khả năng trong quá trình điều tra, dựa trên lời khai, ý chí, mục đích của người bắn pháo sáng, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ xem xét xử lý hành vi “tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo điều 134 Bộ luật Hình sự.

Nhưng theo tôi, không chỉ có hình phạt. Nói vậy bởi trong các sự kiện thể thao, văn hóa, giải trí luôn có một lượng lớn người xem theo dõi trực tiếp sự kiện. Những người này tạo ra bầu không khí sôi động trên khán đài, điều đó rất có lợi, tạo tâm lý thi đấu hưng phấn hơn cho cầu thủ.

Tuy nhiên, tâm lý đám đông luôn có hai mặt. Người tổ chức, quản lý, giám sát, bảo vệ trật tự, an ninh trong một sự kiện có vai trò quyết định để phát huy mặt lợi, hạn chế yếu tố bất lợi từ khán giả.

Từ đây, điều cần thiết để phát huy yếu tố tâm lý đám đông có lợi của khán giả trong một sự kiện thể thao giải trí thì thứ nhất cần phải đề cập đến hoạt động tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức của người xem; thứ hai là vai trò của người tổ chức, quản lý, giám sát, bảo vệ trật tự, an ninh.

Việc tuyên truyền, cảnh báo cần được phát trong thời gian trước khi trận đấu diễn ra, thời điểm khán giả vào sân, ổn định chỗ ngồi để nâng cao ý thức và hạn chế hành vi xấu.

Thêm vào đó, tại thời điểm diễn ra trận đấu, nếu khán giả có biểu hiện gây rối thì trọng tài, người biểu diễn cần tạm dừng trận đấu và đề nghị ban tổ chức khắc phục. Khâu tổ chức sự kiện, đảm bảo an ninh là yếu tố tiên quyết. 

Sự kiện CĐV Nam Định trên sân Hàng Đẫy đã không xảy ra nếu ban tổ chức lắp cổng từ tại các cửa vào sân để phát hiện, tịch thu vật thể kim loại, trong đó có pháo sáng của khán giả mang vào sân. Ban tổ chức đã không có phương án đảm bảo an ninh phù hợp với một sự kiện có lượng người xem đông đảo và cuồng nhiệt. Đây là bài học mà ban tổ chức phải rút kinh nghiệm.

* Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội): Xử lý nghiêm khắc để làm gương

Từ trước đến nay có nhiều vụ gây rối trật tự tại sân vận động nhưng ít người bị khởi tố. Vì vậy, sau khi vụ án đốt pháo sáng trên sân Hàng Đẫy đã bị khởi tố, tiếp theo sau, việc khởi tố bị can là điều cần thiết.

Những clip trên mạng ghi lại cho thấy rõ CĐV ý thức được việc ném về đám đông đó rất nguy hiểm, có thể xâm hại tính mạng, sức khỏe cho người khác nhưng vẫn cố tình thực hiện. 

Như vậy, lỗi cố ý trực tiếp và hậu quả đã xảy ra làm nữ CĐV bị chấn thương và phải đi cấp cứu. Vì thế, hành vi này phải xử lý nghiêm khắc để làm gương.

Qua vụ việc này, có lẽ rằng các cơ quan quản lý thể thao cần tuyên truyền pháp luật trước, trong mỗi trận đấu về việc xử lý các hành vi cổ động quá khích có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy tố nếu gây thương tích, gây rối trật tự công cộng và cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa người đến xem bóng đá tại các sân vận động.

Ngoài ra, các hội CĐV cũng cần phải kiểm soát, rà soát về CĐV quá khích hay mượn cớ cổ vũ bóng đá để đốt pháo sáng, gây rối… Các sân vận động cũng cần lắp các hệ thống camera để giám sát CĐV, cần có chế tài cấm các CĐV quá khích đến sân xem bóng đá.

Thế giới trừng phạt nặng những CĐV có hành động bạo lực sân cỏ

Ý là một trong những nước nổi tiếng về bạo lực sân cỏ, với rất nhiều vụ đụng độ đẫm máu giữa các CĐV. Ngày 31-7-2005, Chính phủ Ý đã thông qua bộ luật Pisanu với rất nhiều điều luật quy định về việc phòng chống và trừng trị những hooligan.

Nổi bật là quy định buộc các sân vận động phải đảm bảo những yêu cầu về an ninh như: đủ số camera an ninh trên khắp khán đài, bán vé có in tên và số ghế của CĐV, có lực lượng giám sát trên khán đài và đủ số lượng nhân viên cứu hộ… Kế đến, CLB chủ nhà sẽ không được bán vé với số lượng lớn cho đội khách. Người dưới 18 tuổi cũng bị xử phạt nếu vi phạm.

Với những CĐV bị phát hiện hành vi ném pháo nổ, pháo sáng hoặc có lời lẽ, hành động kích động bạo lực… sẽ bị xử tù từ 6 tháng đến 3 năm và nộp phạt 6.500 bảng Anh. Ngoài ra, cảnh sát có quyền tạm giam những người bị bắt quả tang quá khích hay phát hiện qua băng ghi hình trong 48 giờ. Luật này cũng quy định án tù từ 5 đến 15 năm đối với người tấn công cảnh sát.

Không riêng gì ở Ý, nước Anh cũng có những quy định về việc ném pháo sáng hoặc các vật dụng gây cháy nổ ở sân vận động. Trong đó có các hình phạt mang tính cưỡng chế như cấm đến sân bóng suốt đời, phạt nặng về hành chính và bỏ tù nếu gây thương tích.

Q.THẮNG

Báo chí đưa tin về chúng tôi: https://tuoitre.vn/khoi-to-vu-an-dot-phao-sang-tren-san-hang-day-xet-xu-cong-khai-la-can-thiet-20190916091727767.htm

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm