Người lao động nên làm gì khi bị kỷ luật không thỏa đáng?

bởi Hoàng Hà

Xử lý kỷ luật là một trong những biện pháp mà doanh nghiệp có thể sử dụng để duy trì, trật tự doanh nghiệp cũng như là bài học răn đe đối với những lao động phạm sai lầm. Nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp lạm dụng điều này để chèn ép người lao động. Vậy trong trường hợp người lao động bị kỷ luật không thỏa đáng thì người đó có thể làm gì để đòi lại quyền lợi của mình? Tham khảo bài viết dưới đây để biết đáp án.

Căn cứ pháp lí

  • Bộ luật lao động 2012;
  • Nghị định 24/2018/NĐ-CP.

Nội dung tư vấn 

1. Người lao động phải làm gì khi bị kỷ luật không thỏa đáng?

Pháp luật hiện hành cho phép người sử dụng lao động được phép kỷ luật người lao động nếu như chứng minh được người lao động có lỗi. Nhưng có nhiều doanh nghiệp lợi dụng kỷ luật để chèn ép người lao động, vì vậy, để bảo đảm quyền lợi của người lao động cũng như để việc kỷ luật lao động được sử dụng một cách đúng đắn thì pháp luật cho phép người lao động được quyền khiếu nại nếu cảm thấy mình bị xử lý kỷ luật không thỏa đáng. Điều này được cụ thể hóa tại Điều 132 Bộ luật Lao động 2012 như sau:

Điều 132. Khiếu nại về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất

Người bị xử lý kỷ luật lao động, bị tạm đình chỉ công việc hoặc phải bồi thường theo chế độ trách nhiệm vật chất nếu thấy không thoả đáng có quyền khiếu nại với người sử dụng lao động, với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự do pháp luật quy định.

Qua đó, người lao động được chọn một trong hai cách sau là:

2. Khiếu nại quyết định kỷ luật lao động

Người lao động phải gửi khiếu nại quyết định kỷ luật lao động đến đúng nơi, đúng người thì khiếu nại mới được giải quyết. Và theo Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP thì những cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lao động của người lao động:

Điều 15. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động, an toàn, vệ sinh lao động

1. Người sử dụng lao động có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi về lao động, an toàn, vệ sinh lao động của mình bị khiếu nại.

2. Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại về lao động, an toàn, vệ sinh lao động khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu theo quy định tại Điều 23 hoặc đã hết thời hạn quy định tại Điều 20 Nghị định này mà khiếu nại không được giải quyết.

Theo đó, người sử dụng muốn khiếu nại quyết định kỷ luật lao động đối với mình thì có thể gửi đơn tới một trong hai đối tượng sau:

  • Đối với khiếu nại lần đầu: người lao động gửi đơn khiếu nại đến người sử dụng lao động đã ra quyết định kỷ luật lao động để người đó xem xét lại quyết định của mình. 
  • Đối với khiếu nại lần hai do người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu của người sử dụng lao động hoặc đã hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà người sử dụng lao động không giải quyết thì người lao động có thể tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi có trụ sở chính của doanh nghiệp để được giải quyết.

Ngoài ra, nếu người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khiếu nại lần đầu mà người lao động không muốn tiếp tục khiếu nại lần hai thì người lao động có thể khởi kiện vụ án tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự. Còn trong trường hợp người lao động đã khiếu nại lần hai nhưng vẫn không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc đã hết thời hạn mà đơn khiếu nại lần hai vẫn không được giải quyết thì người lao động có thể khởi kiện vụ án tại Tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính

Thời hạn giải quyết khiếu nại:

  • Đối với khiếu nại lần đầu:  thông thường từ 30 – 45 ngày, đối với những vùng sâu, vùng xa thì từ 45 – 60 ngày
  • Đối với khiếu nại lần hai: thông thường từ 45 – 60 ngày, đối với những vùng sâu, vùng xa thì từ 60 – 90 ngày.

Như vậy, nếu người lao động chọn phương pháp khiếu nại quyết định kỷ luật lao động thì thông thường người lao động có thể mất tối đa đến 105 ngày (khoảng 3,5 tháng) để có thể hoàn tất quy trình khiếu nại từ khiếu nại lần đầu đến khiếu nại lần hai và không trải qua khiếu kiện Tòa án. Đây quả là khoảng thời gian không ngắn cũng không quá dài nhưng cũng khiến người lao động và người sử dụng lao động mất thời gian để giải quyết vụ việc. Vậy nếu như ngay từ đầu người lao động chọn phương pháp khởi kiện quyết định kỷ luật lao động thì liệu thời gian có được rút ngắn lại hay sẽ kéo dài hơn?

3. Khởi kiện quyết định kỷ luật lao động

Như đã nói ở trên thì ngoài phương pháp khiếu nại thì người lao động còn có thể chọn phương pháp khởi kiện quyết định kỷ luật lao động nếu cảm thấy doanh nghiệp kỷ luật mình không thỏa đáng. Nhưng trước khi người lao động khởi kiện quyết định kỷ luật lao động thì bắt buộc phải thông qua thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước, trừ quyết định kỷ luật lao động với hình thức kỷ luật là sa thải.

Trường hợp hoà giải không thành hoặc người sử dụng lao động không thực hiện phương án hòa giải hoặc hết 05 ngày làm việc mà hoà giải viên lao động không hoà giải thì người lao động khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết.

Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải là 06 tháng, và thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết là 01 năm, kể từ ngày nhận ra quyết định xử lý kỷ luật là không thỏa đáng.Người lao động khởi kiện quyết định kỷ luật lao động tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự, thông thường thì có thể kéo dài từ vài tháng cho đến một năm tùy thuộc vào mức độ, tính chất vụ việc. Và trong khi chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết, người lao động bị xử lý kỷ luật vẫn phải chấp hành quyết định kỷ luật lao động

Tóm lại, người lao động dù chọn phương pháp nào để đòi quyền lợi của mình thì cũng sẽ tốn nhiều thời gian, đặc biệt, đối với quyết định kỷ luật lao động với hình thức sa thải thì dù cho người lao động chứng minh được quyết định này không đúng thì khi quay trở lại làm việc thì cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, người lao động nên có thái độ tích cực trong công việc, hạn chế việc bị kỷ luật lao động để không phải mất thời gian, tiền bạc, công sức, tiền bạc trong việc đòi lại quyền lợi của mình khi bị kỷ luật sai.

Mong bài viết hữu ích cho bạn đọc!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về giải quyết tranh chấp lao động tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay
5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm