Thỏa ước lao động tập thể là gì?

bởi Vudinhha

Nhiều người hay nhầm lẫn giữa “Hợp đồng lao động” với “Thỏa ước lao động tập thể“. Vậy hai khái niệm này có phải là một không? Và “Thỏa ước lao động tập thể” được hiểu như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật sư X sẽ giải đáp thắc mắc của các bạn.

Căn cứ:

  • Bộ luật lao động năm 2012;
  • Nghị định 05/2015/NĐ – CP quy định hướng dẫn chi tiết một số điều của Bộ luật lao động.

Nội dung tư vấn:

1. Khái niệm thỏa ước lao động tập thể

Định nghĩa

Điều 73 Bộ luật lao động năm 2012 có quy định về thỏa ước lao động như sau:

Điều 73. Thỏa ước lao động tập thể

1. Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thoả thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể.

Thỏa ước lao động tập thể gồm thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành và hình thức thỏa ước lao động tập thể khác do Chính phủ quy định.

2. Nội dung thoả ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật và phải có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.

Đặc điểm

Tính hợp đồng của thỏa ước lao đông tập thể

Thỏa ước này được hình thành trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa các bên (tập thể người lao động với người sử dụng lao động). Nội dung của thỏa ước này thường là các điều kiện lao động, điều kiện sử dụng lao động, quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động để có lợi hơn với người lao động. Vì vậy thỏa ước tập thể là kết quả của sự tự do thỏa thuận bằng hình thức văn bản. Đây là yếu tố quan trọng nhất của thỏa ước lao động tập thể.

Tính quy phạm của thỏa ước lao động tập thể: Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa thỏa ước lao động tập thể với hợp đồng lao động. Tính chất này được thể hiện qua nội dung thỏa ước, trình tự ký kết thỏa ước và hiệu lưc của thỏa ước

  • Về nội dung thỏa ước: thỏa ước là sự cụ thể hóa các quy định của pháp luật cho phù hợp với điều kiện, khả năng thực tế của đơn vị nên nội dung của thỏa ước thường được xây dựng dưới dạng các quy phạm, theo từng điều khoản thể hiện quyền, nghĩa vụ của các bên…
  • Về trình tự ký kết thỏa ước: Trước khi ký kết thỏa ước, Ban chấp hành công đoàn cơ sở phải tổ chức lấy ý kiến của tập thể lao động về nội dung của thỏa ước. Thỏa ước chỉ được ký kết nếu đa số những người lao động trong doanh nghiệp tán thành với nội dung của nó.  
  • Về hiệu lực thỏa ước: khi thỏa ước lao động tập thể được ký kết thì sẽ có hiệu lực trong toàn bộ đơn vị, tất cả thành viên công ty từ người sử dụng lao động đến người lao động đều phải có trách nhiệm thực hiện.

Tính tập thể của thỏa ước: Tính tập thể này được thể hiện rất rõ trong chủ thể và nội dung của thỏa ước.

  • Về chủ thể tham gia thỏa ước: có sự tham gia của hai bên là tập thể người lao động và người sử dụng lao động. Đại diện tập thể người lao động tham gia thương lượng không phải vì lợi ích của cá nhân hay một số người lao động mà là vì lợi ích của tất cả mọi người lao động trong doanh nghiệp.
  • Về nội dung thỏa ước: các thỏa thuận bao giờ cũng liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của tập thể trong đơn vị.

2. Vai trò của thỏa ước lao động tập thể

  • Thỏa ước lao động tập thể tạo nên cộng đồng quyền lợi và trách nhiệm giữa hai bên.
  • Thỏa ước lao động tập thể góp phần điều hòa lợi ích, ngăn ngừa mâu thuẫn xung đột trong quan hệ lao động.
  • Thỏa ước lao động tập thể là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết các tranh chấp lao động.
  • Thỏa ước lao động tập thể là nguồn quy phạm đặc biệt bổ sung cho luật lao động.

3. Các loại thỏa ước lao động tập thể

Gồm có 3 loại thỏa ước lao động tập thể là:

  • Thỏa ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp: đây là thỏa ước được ký kết giữa đại diện tập thể lao động của doanh nghiệp với người sử dụng lao động về các vấn đề trong quan hệ lao động
  • Thỏa ước lao động tập thể cấp ngành, liên ngành: đây là thỏa ước được ký kết giữa đại diện tập thể lao động của ngành, liên ngành đó với đại diện người sử dụng lao động của ngành, liên ngành đó. Thỏa ước này được ký kết sẽ thống nhất được các chế độ lao động, tiền lương trong phạm vi toàn ngành, liên ngành nên hạn chế được xung đột và tranh chấp trong phạm vi ngành, liên ngành.
  • Thỏa ước lao động tập thể cấp vùng, địa phương: đây là thỏa ước được ký kết giữa đại diện tập thể lao động của vùng với đại diện người sử dụng lao động của vùng đó. Thỏa ước này được ký kết sẽ thống nhất được chế độ lao động của các doanh nghiệp nên sẽ hạn chế được các xung đột và tranh chấp lao động trong phạm vi rộng.

Hy vọng bài viết có ích cho bạn đọc!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư doanh nghiệp Việt Nam.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm