Thủ tục thành lập công ty giết mổ gia súc

bởi Vudinhha
Thủ tục thành lập công ty giết mổ gia súc

Hiện nay, có rất nhiều lò giết mổ gia súc hoạt động trái phép, không có đăng ký kinh doanh. Nếu cơ quan chức năng phát hiện, quý khách có thể bị xử phạt về hành vi kinh doanh trái phép, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, để tránh việc vi phạm pháp luật liên quan về quy định giết – mổ gia súc, bạn nên thành lập doanh nghiệp nói chung và công ty nói riêng để được cấp Giấy phép đăng ký kinh doanh. Vậy để thành lập công ty giết mổ gia súc cần làm những thủ tục gì? Luật Sư X xin phép được giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Cơ sở pháp lý

  • Nghị định 66/2016/NĐ-CP Quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm định thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm;
  • Nghị định 123/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nội dung tư vấn

Việc cung cấp nguồn thực phẩm là các loại thịt gia súc ra ngoài thị trường nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu của người dân nhưng mặt khác cũng làm tăng trưởng nền kinh tế của nước nhà. Tuy nhiên, việc các cơ sở giết mổ gia súc không đảm bảo vệ sinh, hoạt động không có giấy phép đăng ký kinh doanh… là mối hiểm họa khôn lường trong đánh giá chất lượng của sản phẩm. Vì vậy, việc thành lập công ty giết mổ gia súc là một lựa chọn đúng đắn và phù hợp.

1. Điều kiện thành lập công ty giết mổ gia súc

Điều kiện đầu tư kinh doanh cơ sở giết mổ gia súc được quy định tại Điều 20 Nghị định 66/2016/NĐ-CP Quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm định thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm như sau:

a) Về nhân lực

  • Chủ cơ sở, người trực tiếp giết mổ, sơ chế có giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
  • Chủ cơ sở và người trực tiếp giết mổ, sơ chế phải đáp ứng yêu cầu về sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế.

b) Về địa điểm giết mổ

  • Tách biệt với khu vực ô nhiễm môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố theo quy định của pháp luật; các khu tập trung, xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện;
  • Tách biệt khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm trước khi giết mổ; khu vực giết mổ và khu vực xử lý sau giết mổ; khu vực vệ sinh, thay đồ bảo hộ;
  • Có nước sử dụng cho giết mổ, sơ chế đáp ứng các quy định kỹ thuật tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2009/BYT về chất lượng nước ăn uống; nước để vệ sinh nhà xưởng, trang thiết bị, dụng cụ đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02:2009/BYT về chất lượng nước sinh hoạt;
  • Có hệ thống thoát nước thải chảy từ khu vực yêu cầu vệ sinh cao sang khu vực yêu cầu vệ sinh thấp hơn; dụng cụ thu gom chất thải rắn có nắp đậy và lưu trữ ở khu vực riêng biệt.

c) Có thiết bị, dụng cụ giết mổ, sơ chế, chứa đựng

Điều kiện này phải đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 12-1:2011/BYT về an toàn vệ sinh đối với bao bì, dụng cụ bằng nhựa tổng hợp tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 12-2:2011/BYT về vệ sinh an toàn đối với bao bì, dụng cụ bằng cao su tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 12-3:2011/BYT về vệ sinh an toàn đối với bao bì, dụng cụ bằng kim loại tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

2. Hồ sơ bạn cần chuẩn bị 

Hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh giết mổ bao gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm;
  • Bản sao chứng minh nhân dân của chủ kinh doanh.

Hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh giết mổ được nộp tại phòng đăng ký kinh doanh nơi công ty bạn muốn đăng ký kinh doanh giết mổ. Sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh giết mổ, chủ công ty giết mổ sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Sau khi được cấp giấy phép kinh doanh giết mổ, công ty giết mổ cần làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm theo đúng quy định.

3. Trình tự và thủ tục thành lập công ty

Để được cấp giấy phép kinh doanh giết mổ, chủ kinh doanh cần phải thực hiện xin giấy cấp phép theo quy trình sau:

  • Bước 1: Chủ sở hữu công ty chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo qui định của Pháp luật và nộp hồ sơ tại Chi cục Thú y tỉnh – nơi đặt cở sở.
  • Bước 2: Cơ quan Thú y tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ và các giấy tờ liên quan.
    • Nếu hồ sơ thiếu hoặc không hợp lệ, cần sửa đổi, bổ sung thì cán bộ thú y trực tiếp kiểm tra hướng dẫn chủ kinh doanh để hồ sơ hợp lệ.
    • Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì trong 05 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ, cơ quan Thú y có phải tiến hành kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn vệ sinh đối với cơ sở.
  • Bước 3: Chi cục Thú y sẽ thành lập Đoàn kiểm tra các qui định về điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về vệ sinh thú y, cũng như các trang thiết bị, phương tiện, các dụng cụ sử dụng… đối với cơ sở. Nếu đủ điều kiện thì đoàn sẽ xác nhận vào biên bản kiểm tra; nếu cơ sở không đảm bảo yêu cầu thì đoàn sẽ hướng dẫn chủ cơ sở sửa chữa đúng quy định.
  • Bước 4: Chi cục Thú y cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cơ sở kinh doanh giết mổ
  • Bước 5: Chủ cơ sở kinh doanh nhận Giấy chứng nhận tại Chi cục Thú y tỉnh.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi, hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn! Trân trọng.

Hãy liên hệ Luật sư X khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ này: 0833 102 102

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm