Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân tại quận Ba Đình

bởi Vudinhha

Với truyền thông tiểu thương tồn tại trong lịch sử Việt Nam, có thể dễ dàng hiểu được vì sao số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay chiếm tới hơn 98% tổng số lượng doanh nghiệp đang hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay chính phủ coi các doanh nghiệp nhỏ và vừa như là một động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế nước nhà. Qua đó tạo ra nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, môi trường kinh doanh thông thoáng cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển. Ở khía cạnh khác, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày nay cũng tận dụng rất tốt cơ chế thông thoáng, điều kiện thuận lợi để triển khai, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội. Là một quận đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế của thành phố, quận Ba Đình ngày càng thể hiện được vị trí và vai trò tiên phong. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân được thành lập và hoạt động trên địa bàn quận Ba Đình. Do vậy, để hỗ trợ và phổ biến tới quý vị đang có ý định thành lập doanh nghiệp tư nhân, Luật sư X xin gửi tới quý vị bài viết về “Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân tại quận Ba Đình”.

Căn cứ:

  • Luật doanh nghiệp 2014
  • Nghị định 78/2015/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 108/2018/NĐ-CP (sau đây gọi là Nghị định 78/2015)
  • Nghị định số 05/2013/NĐ-CP

Nội dung tư vấn

1. Ưu và nhược điểm của doanh nghiệp tư nhân?

Đương nhiên việc lựa chọn mô hình hoạt động, cơ chế quản lý cho doanh nghiệp mình luôn là vấn đề quan trọng đối với mỗi người chủ doanh nghiệp tương lai. Để lựa chọn sao cho phù hợp nhất thì chủ doanh nghiệp phải dựa trên những nhu cầu, điều kiện cụ thể của mình cũng như tầm nhìn của người chủ doanh nghiệp trong dài hạn. Kết hợp với những đặc điểm của loại hình doanh nghiệp để có lựa chọn tốt nhất. Điều đáng tiếc là không hề có loại hình doanh nghiệp nào phù hợp với tất cả mọi nhu cầu cùa một hoặc của nhóm chủ doanh nghiệp nào đó. Doanh nghiệp tư nhân cũng có những ưu điểm và nhược điểm riêng của nó, cụ thể:

Dựa vào những quy định tại Điều 183 Luật doanh nghiệp 2014 ta có thể đưa ra những ưu điểm của doanh nghiệp tư nhân như:

– Do chỉ có 1 chủ sỡ hữu, nên chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn chủ động trong việc quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp. Sự quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân không phải thông qua và phụ thuộc vào bất cứ ai.

– Do chế độ trách nhiệm vô hạn, thành lập doanh nghiệp tư nhân ít bị ràng buộc hơn trong việc góp vốn ban đầu vào doanh nghiệp. Tức người chủ doanh nghiệp tư nhân có thể chủ động xoay xở nguồn vốn của công ty để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh mà không phải thực hiện viêc góp vốn theo thời hạn bắt buộc như đối với công ty TNHH và công ty cổ phần.

– Cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp tư nhân tương đối đơn giản thường phù hợp với những mô hình kinh doanh cần sử dụng lượng ít lao động. Qua đó giúp cho người chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển tâm vào hoạt động sản xuất kinh doanh mà không phải bận tâm lo nghĩ nhiều tới vấn đề quản trị nhân sự.

– Chế độ trách nhiệm vô hạn được pháp luật quy định giúp doanh nghiệp tư nhân dễ dàng tạo được sự tin tưởng từ đối tác, dễ dàng huy động vốn và hợp tác kinh doanh. Khi là chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân, tức người đó có một sự cam kết mạnh mẽ về trách nhiệm đối với doanh nghiệp. Người chủ đã sẵn sàng sống chết đối với doanh nghiệp khi tài sản của chủ sở hữu và của doanh nghiệp là một, không có sự riêng rẽ. 

Tuy nhiên, cũng chính từ những quy định tại Điều 183 Luật doanh nghiệp 2014 mà đã tạo ra những nhược điểm của doanh nghiệp tư nhân, đó là:

– Đây là loại hình doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân. Do vậy doanh nghiệp không thể tự mình tham gia và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các hoạt động của doanh nghiệp.

– Tính rủi ro cao khi chủ sở hữu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Khi hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty thua lỗ và phá sản cũng đồng nghĩa với việc người chủ sở hữu của công ty sẽ phải dùng tài sản của mình để trả những khoản nợ và thực hiện các nghĩa vụ tài chính do doanh nghiệp gây ra. Điều này có thể dẫn tới khánh kiệt của chủ sở hữu làm ảnh hưởng tới cuộc sống của gia đình, người thân của họ.

– Doanh nghiệp tư nhân bị hạn chế trong việc huy động vốn khi không được phép phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào trên thị trường. Doanh nghiệp tư nhân chỉ được phép huy động vốn thông qua các kênh truyền thống như vay người thân, bạn bè, vay từ các tổ chức tín dụng.

– Do chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân đã gán trách nhiệm của mình bằng toàn bộ tài sản đối với doanh nghiệp. Do vậy chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân không được góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần trong các loại hình doanh nghiệp khác. Cũng chính vì lẽ đó, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân

Từ những phân tích về ưu và nhược điểm trên, hy vọng các thể giúp quý vị đưa ra lựa chọn tối ưu đối với doanh nghiệp mình rằng có nên lựa chọn thành lập doanh nghiệp tư nhân hay không.

2. Có nên thành lập doanh nghiệp tư nhân tại quận Ba Đình

Những năm qua, quận Ba Đình luôn là đơn vị xếp hàng đầu trong phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố. Trong tương lai, với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế. Đặc biệt, quận Ba Đình cũng đã tích cực triển khai các đề án nâng cao chất lượng công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020. Trong đó tập trung thực hiện kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn quận; kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện quận Ba Đình giai đoạn 2018 -2020 và định hướng đến năm 2025. 

Do đó, những doanh nhân trong những lĩnh vực trên cần lưu ý để nắm bắt cơ hội kinh doanh kịp thời. Bên cạnh đó, là nơi có nhiều địa điểm du lịch, di tích nổi tiếng và các công viên lớn, quận Ba Đình đã đang và sẽ là nơi lý tưởng cho các dịch vụ liên quan tới du lịch, nhất là các quán ăn. Và doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp phù hợp nhất đối với các mô hình hình kinh doanh đó.

3. Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân tại quận Ba Đình

Bước 1: Soạn thảo hồ sơ:

Hồ sơ bao gồm:

  • Giấy đề nghị thành lập doanh nghiệp (theo mẫu tại Phụ lục I-1
  • Giấy tờ chứng thực cá nhân của chủ sở hữu 
  • Văn bản ủy quyền: Trong trường hợp bạn không trực tiếp thực hiện thủ tục mà nhờ người khác thực hiện thay thì sẽ cần có văn bản ủy quyền

Như vậy, khác với các loại hình công ty thì thì bộ hồ sơ để thành lập doanh nghiệp tư nhân sẽ không cần “Danh sách thành viên”, “Điều lệ công ty” vì đơn giản chỉ có 1 người là nên mọi quyết định.

Lưu ý: Những giấy tờ nêu trên anh/chị download theo mẫu ở trên mạng về và điền đầy đủ thông tin sau đó lưu trữ thành một tập tin dưới dạng PDF/ Word. Điều này sẽ thuận tiện cho việc đăng ký doanh nghiệp thông qua mạng internet.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Hiện nay, Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch đầu tư thành phố Hà Nội yêu cầu các chủ doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đăng ký online trước, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì mới in các loại giấy tờ trên thành các bản cứng để đem tới nộp trực tiếp tại bộ phận 1 cửa của Phòng đăng ký kinh doanh để được cấp Giấy chứng nhận.

Do vậy, đối với những chủ doanh nghiệp muốn đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn quận Ba Đình thì phải truy cập vào cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại https://dangkykinhdoanh.gov.vn và làm theo các bước hướng dẫn đăng ký kinh doanh online.

Sau khoảng thời gian 3 ngày, anh/chị sẽ nhận được phản hồi thông qua tài khoản đã đăng ký trước đó về việc hồ sơ có được chấp thuận hay không. Nếu trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì anh/chị sẽ phải xem xét và bổ sung theo hướng dẫn.

Nếu trường hợp hồ sơ đã hợp lệ và được chấp thuận, lúc này anh/chị sẽ phải in thành bản cứng các loại giấy tờ mà trước đó đã điền đầy đủ thông tin và lưu trữ dưới dạng file PDF. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo chấp nhận hồ sơ, anh/chị phải tới Phòng đăng ký kinh doanh để nộp bộ hồ sơ bằng bản cứng. Nếu sau khoảng thời gian 30 ngày mà anh/chị không tới nộp thì coi như bộ hồ sơ đã đăng ký trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sẽ không còn hiệu lực.

Địa chỉ của Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch- Đầu tư thành phố Hà Nội hiện nay có địa chỉ tại Tầng 3 – Nhà B10A – Nam Trung Yên – Hà Nội.

Bước 3: Nhận kết quả và Thực hiện một số thủ tục bắt buộc

Sau khoảng thời gian 3 ngày từ ngày nộp bản cứng bộ hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh, anh/chị sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đây có thể coi là thời điểm khai sinh doanh nghiệp, tuy nhiên, để doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định pháp luật thì chủ doanh nghiệp tư nhân còn phải thực hiện một số công việc sau:

– Trong thời hạn 30 ngày, anh/chị phải đăng nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo quy định tại Điều 28 Luật Doanh nghiệp, Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 05/2013/NĐ-CP và trả phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp là 300.000 đồng

– Dựa trên mã số doanh nghiệp (đồng thời là mã số thuế),chủ doanh nghiệp cần thực hiện một số thủ tục về thuế tại Cơ quan Thuế để kê khai, nộp thuế theo thông báo của Cục thuế thành phố Hà Nội (thủ tục tạo và phát hành hóa đơn; thủ tục mua, cấp hóa đơn; thủ tục kê khai nộp thuế,…). Hiện nay Cục thuế thành phố Hà Nội có địa chỉ tại 187A Giảng Võ, Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội.

Ngoài ra, nếu doanh nghiệp kinh doanh trong một số lĩnh vực đặc thù mà pháp luật cần phải xin các loại Giấy phép kinh doanhGiấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm,… thì cần thực hiện những thủ tục theo hướng dẫn tại các bài viết nêu trên để biết thêm các bước thủ tục về các loại giấy phép này.

Hy vọng bài viết có ích đối với quý độc giả

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về đăng ký kinh doanh tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm