Phân biệt nhãn hiệu và tên thương mại

bởi Vudinhha

Trong kinh doanh, những dấu hiệu nhận diện thương hiệu, chỉ dẫn thương mại giữa các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hoặc giữa các chủ thể sản xuất kinh doanh, là yếu tố quan trọng nhằm phân biệt lẫn nhau. Các chỉ dẫn thương mại góp phần giúp người tiêu dùng nhận diện và phân biệt hàng hóa này với hàng hóa khác, cơ sở sản xuất này với cơ sở sản xuất khác. Tuy nhiên, thực tế vẫn có rất nhiều người thường nhầm lẫn giữa nhãn hiệu và tên thương mại, vốn là 2 chỉ dẫn thương mại đặc trưng chủ yếu cho các mặt hàng và cơ sở sản xuất ra các mặt hàng đó. Bài viết sau đây sẽ chỉ ra các điểm khác nhau giữa nhãn hiệu và tên thương mại.

Căn cứ:

  • Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009.

Nội dung tư vấn

1. Khác nhau về khái niệm

Tuy cùng là những chỉ dẫn thương mại, nhưng pháp luật quy định về khái niệm của nhãn hiệu và tên thương mại lại hoàn toàn khác nhau, thể hiện rõ vai trò riêng biệt của mỗi loại hình. Cụ thể tại Khoản 16 và Khoản 21 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định về nhãn hiệu và tên thương mại như sau:

Điều 4. Giải thích từ ngữ

…..

16. Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

…..

21. Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.

Từ hai định nghĩa trên, ta có thể dễ dàng nhận ra được rằng, nhãn hiệu là một dấu hiệu nhận biết. Dấu hiệu này được thể hiện dưới dạng một vật chất hữu hình, mang tính chất định hình. Có thể là những từ ngữ, hình ảnh, màu sắc được thể hiện một cách có liên kết và không gây ra những sự nhầm lẫn với các chỉ dẫn địa lý khác.

Còn đối với tên thương mại là một loại vật chất vô hình, mang tính chất định danh. Nó thường là tên của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ra một loại hàng hóa nhất định. 

2. Dầu hiệu bảo hộ

Như đã nêu ở trên nhãn hiệu có thể là những từ ngữ, hình ảnh, biểu tượng được thiết kế một cách liên kết và thống nhất. Do đó, nhãn hiệu được bảo hộ tổng thể về mặt từ ngữ và màu sắc, hình dáng của nhãn hiệu được đăng ký.

Còn đối với tên thương mại, do mang tính chất định danh. Nên tên thương mại chỉ được bảo bộ về mặt từ ngữ, không được bảo vệ về mặt hình ảnh, màu sắc. 

3. Số lượng nhẫn hiệu và tên thương mại được đăng ký bảo hộ bởi một cơ sở sản xuất kinh doanh

Nhãn hiệu được dùng để phân biệt các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ với nhau. Vì một cơ sở sản xuất kinh doanh có thể cung ứng nhiều mặt hàng, sản phẩm trong nhiều phân khúc, nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó, một cơ sở sản xuất kinh doanh có thể đăng ký bảo hộ cho nhiều nhãn hiệu và không giới hạn về số lượng. 

Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh lại chỉ được bảo hộ 1 tên thương mại duy nhất. Bởi lẽ, mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất là một cá thể riêng biệt và tên thương mại là dấu hiệu để phân biệt giữa cơ sở sản xuất kinh doanh này với cơ sở sản xuất kinh doanh khác

4. Căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu và tên thương mại

Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ thì để được pháp luật bảo hộ thì nhãn hiệu phải được đăng ký và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ hoặc được công nhận theo quy định của luật pháp quốc tế về sở hữu trí tuệ thông qua các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Còn đối với tên thương mại thì quyền sở hữu trí tuệ được pháp sinh kể từ khi tên thương mại đó được sử dụng một cách hợp pháp mà không cần phải thực hiện thủ tục đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ. Cụ thể hơn, thời điểm được pháp luật bảo hộ của tên thương mại là thời điểm doanh nghiệp được cấp Giấy phép thành lập doanh nghiệp. Trong giấy đó sẽ có đề cập về tên doanh nghiệp. Ví dụ như nếu Giấy phép đăng ký thành lập doanh nghiệp được cấp cho doanh nghiệp có tên Công ty TNHH ABC, thì kể từ khi đó, ABC nghiễm nhiên được pháp luật bảo hộ với tư cách là tên thương mại của doanh nghiệp đó.

5. Phạm vi bảo hộ

Nhãn hiệu được bảo hộ trên phạm vi toàn lãnh thổ và không giới hạn về ngành, lĩnh vực của chủ thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đó.

Ví dụ: Nhãn hiệu cà phê G7 được đăng ký với chữ G in hoa và số 7 viết liên nhau có màu đen. Đây là một nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ bởi Tập đoàn cà phê Trung nguyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng cà phê hòa tan. Nếu có một nhà hàng sử dụng biển hiệu có gán nhãn hiệu tương tự hoặc gần giống như vậy sẽ là vi phạm luật sở hữu trí tuệ dù cho hoạt động trong lĩnh vực khác.

Còn đối với tên thương mại, doanh nghiệp chỉ được bảo hộ trong phạm vi khu vực và lĩnh vực kinh doanh.

Ví dụ: một doanh nghiệp có tên trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là Công ty cổ phần xuất nhập khẩu XYZ hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau này có một doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại Hà Nội đăng ký kinh doanh với tên Công ty cổ phần du lịch XYZ. Trong trường hợp này hoàn toàn không có sự vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ và tên thương mại. Bởi lẽ, dù cùng là XYZ nhưng hai công ty hoạt động ở hai địa phương khác nhau và kinh doanh hai lĩnh vực khác nhau.

6. Thời hạn bảo hộ

Thời hạn bảo hộ đối với nhãn hiệu là 10 năm. Sau khi hết thời hạn thì có thể tiếp tục đăng ký gia hạn

Do tên thương mại tồn tại song hành cùng với doanh nghiệp, do đó tên thương mại không bị giới hạn về thời hạn bảo hộ. Tên thương mại chỉ bị chấm dứt bảo hộ nếu doanh nghiệp đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp hoặc chấm dứt hoạt động

7. Chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu và tên thương mại

Theo pháp luật quy định nhãn hiệu là một dạng của quyền sở hữu công nghiệp. Do đó, căn cứ theo Khoản 1 Điều 138 Luật sở hữu trí tuệ quy định cho phép được chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp từ chủ thể này sang chủ thể khác, cụ thể như sau:

Điều 138. Quy định chung về chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp

1. Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác.

2. Việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp)

Ngày nay, loại hình nhượng quyền thương mại đang rất thịnh hành với sự mở rộng quy mô của các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ như nhà hàng, quán trà sữa, cà phê,…. Khi nhận nhượng quyền, người nhận nhượng quyền sẽ trả phí để được sở hữa và sử dụng nhãn hiệu của bên nhượng quyền.

Còn đối với tên thương mại không phải là một trong số các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, nên tên thương mại chỉ được phép chuyển nhượng khi là đối tượng trong hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ doanh nghiệp. Việc chuyển giao tên thương mại phải là một thành phần không thể tách dời với cơ sở sản xuất kinh doanh được chuyển giao.

Hy vọng bài viết trên đã giúp quý độc giả phân biệt được sự khác nhau giữa nhãn hiệu và tên thương mại.

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm