Các tác phẩm văn học, nghệ thuật, công trình khoa học được sáng tạo ra phải tốn rất nhiều tâm huyết, công sức của tác giả. Vì vậy, kể từ khi tác phẩm ra đời thì nó được pháp luật bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ. Việc bảo hộ này có tác dụng nhằm khuyến khích sự sáng tạo của con người, tạo động lực cho sự ra đời của các tác phẩm, công trình nghiên cứu có giá trị, phục vụ cho lợi ích cộng đồng. Nếu như tác phẩm đã được bảo hộ về quyền tác giả thì tại sao pháp luật hiện hành vẫn quy định về đăng ký quyền tác giả và các tác giả cũng thường được khuyên nên đăng ký quyền tác giả đối tác phẩm của mình? Vậy tại sao lại như vậy, tham khảo bài viết dưới đây để biết tại sao nên đăng ký quyền tác giả.
Căn cứ:
Luật sở hữu trí tuệ 2005
Nội dung tư vấn
1. Quyền tác giả là gì ?
Mỗi tác phẩm văn học, nghệ thuật, công trình khoa học được tạo ra là sự kết tinh biết bao công sức, tâm huyết của tác giả. Vì để trân trọng cũng như tôn vinh sự làm việc, sáng tạo hăng say, hết mình của tác giả thì pháp luật trao cho tác giả quyền tác giả. Cụ thể thì Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành quy định “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.”. Và quyền tác giả này sẽ phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
Điều kiện để bảo hộ quyền tác giả sẽ bao gồm:
- Tác phẩm phải có tính nguyên gốc (được tác giả trực tiếp sáng tạo và không sao chép tác phẩm của người khác)
- Chỉ bảo hộ hình thức thể hiện của tác phẩm (không bảo hộ cho ý tưởng của bản thân tác phẩm)
- Tác phẩm được bảo hộ phải thuộc khái niệm tác phẩm văn học nghệ thuật khoa học
Khi cá nhân, tổ chức có quyền tác giả thì sẽ có được quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm, cụ thể thì quyền nhân thân và quyền tài sản bao gồm những quyền nhỏ sau:
Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:
- Đặt tên cho tác phẩm.
- Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng.
- Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm.
- Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:
- Làm tác phẩm phái sinh;
- Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
- Sao chép tác phẩm;
- Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
- Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
- Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
2. Tại sao nên đăng ký quyền tác giả?
Theo quy định tại Điều 49 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan nộp đơn và hồ sơ kèm theo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.
Các lý do mà cá nhân, tổ chức nên đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm:
Thứ nhất,
Như đã nói thì quyền tác giả sẽ phát sinh kể từ khi tác giả sáng tạo ra tác phẩm và tác phẩm được thể hiện dưới một dạng vật chất cụ thể nên việc thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả là không bắt buộc để được hưởng quyền tác giả. Việc đăng ký bảo hộ không phải là cơ sở xác lập quyền tác giả; tác phẩm dù có đăng ký hay không đăng ký quyền tác giả đều được hưởng sự bảo hộ như nhau. Tuy nhiên, việc đăng ký quyền tác giả lại cần thiết và rất có ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền tác giả, đặc biệt trong việc chứng minh quyền tác giả khi có tranh chấp xảy ra. Cụ thể thì khi có tranh chấp xảy ra, tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả sẽ không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại. Đồng nghĩa với việc Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là bằng chứng mặc nhiên xác nhận tư cách và quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm đã đăng ký. Vì vậy, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả được xem là bằng chứng tốt nhất chứng minh quyền sở hữu của tác giả. Ngược lại, nếu như cá nhân, tổ chức không đăng ký quyền tác giả, khi xảy ra tranh chấp thì cá nhân, tổ chức phải tự mình chứng minh chính mình là tác giả của tác phẩm và phải thu thập các tài liệu để chứng minh điều này và nhiều khi việc chứng minh sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Thứ hai,
sau khi việc đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm hoàn tất thì quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả sẽ được công bố trên Công báo về quyền tác giả, quyền liên quan và sẽ được nhiều người biết đến, hạn chế việc các cá nhân, tổ chức khác xâm hại đến quyền tác giả của bạn đối với tác phẩm. Đồng thời khi có tác phẩm giống, hoặc gần giống với tác phẩm của bạn thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả thì đơn đăng ký của tác phẩm đó cũng sẽ bị bác bỏ.
Thứ ba,
khi có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thì có thể chứng minh quyền sở hữu của bạn đối với tác phẩm nên bạn có dễ dàng chuyển nhượng quyền tác giả cho cá nhân, tổ chức khác, hoặc có thể dùng để định giá tài sản góp vốn vào công ty.
Thủ tục đăng ký quyền tác giả không quá phức tạp và tốn quá nhiều chi phí nhưng lợi ích thiết thực mà nó mang lại rất lớn. Ông bà vẫn thường nói không sợ nhất vạn chỉ sợ vạn nhất nên để có bảo vệ toàn vẹn cho tác phẩm do mình sáng tạo ra thì tác giả nên thực hiện đăng ký quyền tác giả.
Các bạn có thể tham khảo thêm những bài viết sau:
Hy vọng bài viết hữu ích với người đọc!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về luật sư sở hữu trí tuệ tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay
Để biết thêm thông tin chi tiết về dịch vụ của Luật Sư X, hãy liên hệ: 0833102102