Hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất được nhiều cá nhân/ doanh nghiệp sử dụng để hợp tác với các đơn vị có năng lực tài chính cùng thành lập công ty nhằm đầu tư kinh doanh. Dưới đây là tư vấn của LSX về một số lưu ý khi thực hiện thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất
Căn cứ:
- Luật doanh nghiệp năm 2014
- Luật đất đai năm 2013
- Nghị định 43/2014/NĐ-CP
- Nghị định 01/2017/NĐ-CP
- Thông tư 24/2014/TT-BTNMT
Nội dung tư vấn
1. Quyền sử dụng đất có thể là tài sản góp vốn
Theo Luật doanh nghiệp 2014, góp vốn là việc đưa tài sản của mình vào pháp nhân hoặc vào dự án đầu tư để đầu tư kinh doanh. Người góp vốn sẽ trở thành chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu chung pháp nhân hoặc chủ đầu tư dự án.
Tài sản dùng thực hiện vốn góp có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi và các tài sản hợp pháp khác như vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ…
Với từng loại hình doanh nghiệp, pháp luật quy định về trình tự, thủ tục góp vốn khác nhau. Đối với tài sản đăng ký hoặc giá trị quyền sử dụng đất, thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Điều kiện để thực hiện thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất
Khoản 1 Điều 167 Luật đất đai 2013 quy định: “Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.”
Như vậy, góp vốn bằng quyền sử dụng đất là một trong những quyền của người sử dụng đất. Tuy nhiên, quyền sử dụng đất để góp vốn phải đảm bảo được những điều kiện nhất định.
Khoản 1 Điều 188 Luật đất đai 2013 quy định điều kiện để thực hiện quyền của người sử dụng đất trong đó có quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất, cụ thể như sau:
Điều 188: Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất
Người sử dụng đất được thực hiện các quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;d) Trong thời hạn sử dụng đất.”
Vậy cá nhân hay tổ chức có quyền góp vốn bằng bằng quyền sử dụng đất đối với mảnh đất đang thuộc quyền sở hữu của mình khi thỏa mãn 03 điều kiện sau:
-
Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
-
Đất không có tranh chấp;
-
Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
3. Trình tự, thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ giấy tờ phù hợp theo quy định của pháp luật. Những giấy tờ cần thiết bao gồm:
- Đơn đăng ký biến động đất đai
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản gốc)
- Hợp đồng góp vốn quyền sử dụng đất
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/hoặc Giấy phép đầu tư/ Hoặc Quyết định thành lập của tổ chức nhận chuyển nhượng.
- Văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư (Bản gốc)
- Trích lục bản đồ địa chính
- Văn bản ủy quyền công chứng chứng thực (nếu có)
Bước 2: Nộp hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Người thực hiện việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất nộp hồ sơ tại văn phòng đăng ký đất đai thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, quận hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thuộc sở tài nguyên môi trường.
Bước 3: Nhận kết quả
Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định; xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Sau 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có trách nhiệm trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người chủ sử dụng đất.
4, Chấm dứt việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất
Việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất chấm dứt nếu thuộc một trong những trường hợp sau:
- Hết thời hạn góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất;
- Do đề nghị của một bên hoặc các bên; trường hợp liên doanh với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;
- Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền do vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về đất đai;
- Do bị tuyên bố phá sản;
- Do giải thể doanh nghiệp;
- Cá nhân giao kết hợp đồng góp vốn chết, pháp nhân hoặc các chủ thể khác chấm dứt mà hợp đồng góp vốn phải do cá nhân, pháp nhân hoặc các chủ thể đó thực hiện.
Lưu ý: Nghị định 01/2017/NĐ-CP (sửa đổi Điều 80 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013) quy định: Trường hợp hết thời hạn góp vốn hoặc do thỏa thuận của các bên về chấm dứt việc góp vốn thì bên góp vốn bằng quyền sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất đó trong thời hạn còn lại.
Như vậy, khi hết thời hạn góp vốn hoặc theo thỏa thuận của các bên về chấm dứt việc góp vốn, người góp vốn vẫn có thể tiếp tục sử dụng đất, trường hợp thời hạn sử dụng đất đã hết và bên góp vốn không còn nhu cầu tiếp tục sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất.
Trên đây là những tư vấn của LSX về thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Hy vọng bài viết hữu ích với bạn
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ doanh nghiệp tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102