Chậm đóng bảo hiểm cho người lao động, công ty bị xử phạt thế nào?

bởi Luật Sư X

Bảo hiểm xã hội là một trong những phúc lợi của người lao động mà người sử dụng lao động hải thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế không ít doanh nghiệp không đóng hoặc chậm đóng khoản này. Vậy chậm đóng bảo hiểm cho người lao động, công ty bị xử phạt thế nào? Mời các bạn cùng tham khảo bài viết sau của Luật sư X nhé!

Căn cứ pháp lý

  • Luật Bảo hiểm xã hội 2014
  • Bộ luật lao động 2012
  • Nghị định 95/2013/NĐ-CP về vi phạm quy định đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

Nội dung tư vấn

1. Định nghĩa, giải thích

Trước hết, ta cần hiểu các định nghĩa sau theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội:

1. Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

2. Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.

3. Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

4. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

Theo Bộ luật lao động thì trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thuộc về người sử dụng lao động, do đó, nếu công ty chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

2. Chậm đóng bảo hiểm cho người lao động, công ty bị xử phạt thế nào?

Căn cứ theo quy định tại điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì việc chậm đóng bảo hiểm là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể:

“Điều 17. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

2. Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

3. Chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

4. Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

5. Sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp không đúng pháp luật.

6. Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động.

7. Truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

8. Báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin, số liệu không chính xác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.”

Do đó, khi công ty chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;
c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.”

Ngoài ra, công ty còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả sau:

a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 26 của nghị định trên.

Như vậy, theo quy định trên thì hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của công ty sẽ bị xử phạt hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm đóng và buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm.

Lưu ý:

Trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động tại công ty, công ty có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm người lao động. Nếu công ty đang nợ bảo hiểm người lao động có thể gửi yêu cầu đến công ty để công ty gửi công văn giải trình đến cơ quan bảo hiểm xã hội ưu tiên chốt bảo hiểm cho mình trước để đảm bảo quyền lợi (giải quyết chế độ liên quan tới bảo hiểm) khi chấm dứt hợp đồng. 

Trường hợp công ty không thực hiện người lao động có thể lựa chọn một trong hai phương thức sau để giải quyết từ đó đảm bảo quyền lợi của mình. Một là thông qua thủ tục khiếu nại lần đầu đến trực tiếp công ty, nếu doanh nghiệp không giải quyết người lao động có quyền khiếu nại lần hai đến Chánh thanh tra Sở lao động thương binh xã hội nơi công ty có trụ sở. Hai là thông qua thủ tục khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án nhân dân quận/huyện nơi công ty có trụ sở hoặc nơi người lao động cư trú. Trường hợp bạn thực hiện thủ tục khởi kiện đến Tòa án sẽ thông qua trình tự tố tụng tại Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Người lao động phải gửi đơn khởi kiện cùng các tài liệu, chứng cứ chứng minh đến Tòa án để giải quyết .

Trên đây là nội dung tư vấn của bài viết “Chậm đóng bảo hiểm cho người lao động, công ty bị xử phạt thế nào? “. 

Hi vọng bài viết trên hữu ích với mọi người.

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay.

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm