Căn cứ pháp lý
- Luật giao thông đường bộ 2008
- Luật Xử ly vi phạm hành chính 2012.
- Nghị định 46/2016/NĐ-CP
Nội dung tư vấn
1. Xử phạt vi phạm giao thông là gì?
Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, vi phạm giao thông là hành vi của người tham gia giao thông đường bộ đã không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định pháp luật giao thông đường bộ trong việc điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Những hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ có thể kể đến như: điều khiểm xe cơ giới mà không có giấy phép lái xe, điều khiển xe mô tô, xe máy mà không đội mũ bảo hiểm, trong cơ thể có nồng độ cồn, điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy.,…
Theo quy định tại khoản 2 điều 2 Luật xử lí vi phạm hành chính 2012 thì xử phạt vi phạm là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Trên tinh thần của quy định trên, thì xử phạt vi phạm giao thông là hành vi của người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
2. Biên bản là gì?
Biên bản là văn bản hành chính thông dụng được sử dụng để ghi nhận sự kiện thực tế xảy ra, làm cơ sở để các chủ thể quản lí giải quyết công việc, đảm bảo chặt chẽ về mặt thủ tục.
Biên bản gồm có hai loại là biên bản vụ việc và biên bản hội nghị. Mặc dù cả hai nhóm biên bản này đều có dùng để ghi nhận lại sự kiện thực tiễn xảy ra nhưng giữa hai nhóm này có đặc thù khác nhau là: Biên bản vụ việc chỉ để ghi nhận sự việc cụ thể do yếu tố khách quan mang lại. Còn biên bản hội nghị là văn bản luôn ghi chép tiến trình diễn biến của sự việc thông thường trên cơ sở sự chủ động của chủ thể tiến hành tổ chức hội nghị, cuộc họp của cơ quan, đơn vị, tổ chức.
Theo đó, biên bản xử phạt vi phạm giao thông chính là biên bản vụ việc. Bỡi lẽ, nó ghi nhận lại vụ việc thực tế xảy ra, phản ánh lại một vụ việc có giá trị chứng cứ để chủ thể có thẩm quyền dựa trên cơ sở đó mà ban hành văn bản áp dụng pháp luật.
Ví dụ: Biên bản ghi nhận hành vi vi phạm pháp luật hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ là cơ sở để cảnh sát giao thông ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đó.
3. Có bắt buộc phải lập biên bản khi xử phạt vi phạm giao thông?
Luật xử lí vi phạm hành chính 2012 có quy định về các trường hợp xử phạt hành chính không cần lập biên bản như sau:
Điều 56: Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản.
1. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.
2. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt.
Theo quy định này, không phải bất cứ trường hợp nào người tham gia giao thông cũng bị lập biên bản khi xử phạt. Chỉ những trường hợp phạt tiền trên 250.000 đồng đối với cá nhân, và trên 500.000 đồng đối với tổ chức, chủ thể có thẩm quyền mới cần tiến hành lập biên bản. Tuy nhiên, có một ngoại lệ, đó là khi vi phạm hành chính dưới 250.000 đồng đối với cá nhân và dưới 500.000 đồng đốivới tổ chức, nhưng lỗi lại được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kĩ thuật nghiệp vụ thì cần lập biên bản.
Ví dụ: Người điều khiển xe máy có hành vi quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất, nơi có biển báo “Cấm quay đầu xe”, bị camera giao thông ghi lại, chứ không phải được phát hiện trực tiếp bởi cảnh sát giao thông. Trong trường hợp này, mức xử phạt là phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng- số tiền nhỏ hơn 250.000 đồng đối với cá nhân, theo thường lệ là không cần biên bản. Tuy nhiên, do được phát hiện nhờ sử dụng thiết bị kĩ thuật nghiệp vụ nên khi xử phạt, chủ thể có thẩm quyền cần lập biên bản theo đúng quy định của pháp luật.
Đối chiếu quy định này với Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có thể liệt kê một số lỗi vi phạm mà người vi phạm được nộp phạt trực tiếp mà không phải ra Kho bạc, người xử phạt không phải lập biên bản nhưng phải xé biên lai trao cho người vi phạm.
- Người đều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường;
- Chuyển hướng không nhường quyền đi trước cho: Người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ; xe thô sơ đang đi trên phần đường dành cho xe thô sơ;
- Chuyển hướng không nhường đường cho: Các xe đi ngược chiều; người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ
-
Quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất, nơi có biển báo “Cấm quay đầu xe”;
-
Lùi xe ở đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau, nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, nơi tầm nhìn bị che khuất; lùi xe không quan sát hoặc không có tín hiệu báo trước;
-
Tránh xe, vượt xe không đúng quy định; không nhường đường cho xe ngược chiều theo quy định tại nơi đường hẹp, đường dốc, nơi có chướng ngại vật;
-
Khi dừng xe, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;
-
Đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật;
-
Đi xe dàn hàng ba trở lên;
-
Bấm còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong đô thị, khu đông dân;
-
Không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ nhưng không cài quai khi tham gia giao thông.
Trên đây là một số lỗi tiêu biểu nhất mà người tham gia giao thông thường mắc phải. Để có thể hiểu rõ hơn, bạn hãy theo dõi Nghị định Nghị định 46/2016/NĐ-CP để có đáp án chi tiết nhất cho mình nhé.
Hy vọng bài viết hữu ích đối với bạn đọc!
Thông tin liên hệ Luật Sư X
Trên đây là nội dung tư vấn về Có bắt buộc phải lập biên bản khi xử phạt vi phạm giao thông? Mọi thắc mắc về thủ tục pháp lý có liên quan. Quý khách vui lòng liên hệ Luật Sư X để được hỗ trợ, giải đáp.
Gọi ngay cho chúng tôi qua hotline: 0833.102.102.