Công chức có phải kê khai tài sản không?

bởi Luật Sư X

Tham nhũng đã và đang là một gánh nặng của dân tộc, nó đang hàng ngày đục khoét ngân sách của đất nước, tiền của của nhân dân, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự gia tăng bất công trong xã hội, làm xói mòn niềm tin của người dân đối với Nhà nước. Để hạn chế đi vấn nạn này, pháp luật Phòng chống tham nhũng có quy định về kê khai tài sản và xác minh kê khai tài sản. Vậy những đối tượng nào phải kê khai tài sản? Công chức có phải kê khai tài sản không? Luật sư X sẽ giải đáp thắc mắc của bạn qua bài viết dưới đây

Căn cứ:

  • Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
  • Nghị định số 78/2013/NĐ-CP Về minh bạch tài sản, thu nhập.
  • Thông tư số 08/2013/TT-TTCP Hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập.

Nội dung tư vấn:

1. Kê khai tài sản là gì?

Theo khoản 1 điều 3 Nghị định 78/2013/NĐ-CP Về minh bạch tài sản, thu nhập: Kê khai tài sản là việc ghi rõ ràng, đầy đủ, chính xác các loại tài sản, thu nhập, biến động tài sản, thu nhập phải kê khai, nguồn gốc tài sản tăng thêm theo Mẫu “Bản kê khai tài sản, thu nhập” ban hành kèm theo Nghị định này.

Mục đích của việc kê khai tài sản, thu nhập là để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người đó; phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng.

2. Nghĩa vụ kê khai tài sản của công chức

Điều 34 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định những người sau đây có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập:

  • Cán bộ, công chức.
  • Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp.
  • Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
  • Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Bên cạnh đó, điều 33 Luật này có quy định như sau:

Điều 33. Nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập

1. Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai tài sản, thu nhập và biến động về tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên theo quy định của Luật này.

2. Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai trung thực về tài sản, thu nhập, giải trình trung thực về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai tài sản, thu nhập.

Như vậy, công chức có nghĩa vụ kê khai tài sản. Họ phải thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập, biến động về tài sản, thu nhập của bản thân, vợ hoặc chồng hoặc con chưa thành niên. Việc kê khai tài sản phải được thực hiện một cách trung thực, có giải trình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai tài sản, thu nhập của mình.

3. Những tài sản, thu nhập nào phải kê khai?

Căn cứ theo điều 35 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và điều 3 Thông tư 08/2013/TT-TTCP Hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; công chức phải kê khai những tài sản, thu nhập sau đây:

  • Các loại nhà, công trình xây dựng:
    • Nhà ở, công trình xây dựng khác đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu;
    • Nhà ở, công trình xây dựng khác thuộc quyền sở hữu trên thực tế của người phải kê khai, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu đứng tên người khác;
    • Nhà ở, công trình xây dựng khác đang thuê hoặc đang sử dụng thuộc sở hữu của Nhà nước.
  • Các quyền sử dụng đất:
    • Quyền sử dụng đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng;
    • Quyền sử dụng đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đứng tên người khác.
  • Tiền (tiền Việt Nam, ngoại tệ) gồm tiền mặt, tiền cho vay, tiền trả trước, tiền gửi cá nhân, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam mà tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên.
  • Ô tô, mô tô, xe gắn máy, xe máy (máy ủi, máy xúc, các loại xe máy khác), tầu thủy, tầu bay, thuyền và những động sản khác mà Nhà nước quản lý (theo quy định của pháp luật phải đăng ký sử dụng và được cấp giấy đăng ký) có tổng giá trị mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên.
  • Kim loại quý, đá quý, cổ phiếu, vốn góp vào các cơ sở kinh doanh, các loại giấy tờ có giá trị chuyển nhượng khác có tổng giá trị quy đổi mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên.
  • Các loại tài sản khác mà giá trị quy đổi mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên như cây cảnh, bộ bàn ghế, tranh, ảnh, đồ mỹ nghệ,…
  • Tài sản, tài khoản ở nước ngoài gồm tất cả tài sản đã nêu ở trên nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam.
  • Các khoản nợ gồm các khoản phải trả, giá trị các tài sản quản lý hộ, giữ hộ có tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên.
  • Tổng thu nhập trong năm quy đổi thành tiền Việt Nam gồm các khoản lương, phụ cấp, trợ cấp, thưởng, thù lao, cho, tặng, biếu, thừa kế, thu nhập hưởng lợi từ các khoản đầu tư, phát minh, sáng chế, các khoản thu nhập khác.

4. Phương thức và thời điểm thực hiện việc kê khai tài sản

Căn cứ theo điều 36 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, có các phương thức kê khai sau đây:

  • Kê khai lần đầu: Việc kê khai lần đầu được thực hiện với các đối tượng sau:
    • Cán bộ, công chức; Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập và phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2019.
    • Đối với người lần đầu giữ vị trí: Cán bộ, công chức; Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; thì việc kê khai phải hoàn thành chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày được tiếp nhận, tuyển dụng, bố trí vào vị trí công tác.
  • Kê khai bổ sung:
    • Kê khai bổ sung được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên.
    • Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 của năm có biến động về tài sản, thu nhập, trừ trường hợp đã thực hiện kê khai hằng năm.
  • Kê khai hằng năm: Phương thức này được thực hiện đối với những trường hợp sau đây:
    • Người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12.
    • Người không giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên, làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác theo quy định của Chính phủ. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12.
  • Kê khai phục vụ công tác cán bộ được thực hiện đối với những trường hợp sau đây:
    • Cán bộ, công chức; Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp khi dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác. Việc kê khai phải hoàn thành chậm nhất là 10 ngày trước ngày dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác;
    • Đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân; thời điểm kê khai được thực hiện theo quy định của pháp luật về bầu cử.

Như vậy, việc pháp luật có những quy định rõ ràng về vấn đề kê khai tài sản như vậy là nhằm mục đích hạn chế đi nạn tham nhũng trong xã hội; làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, những người có thẩm quyền quản lý Nhà nước; đồng thời nâng cao niềm tin cho nhân dân vào sự ổn định, phát triển của quốc gia, dân tộc.

Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay qua hotline: 0833.102.102
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm