Công ty dưới 10 người có phải đóng bảo hiểm không?

bởi Hoàng Hà

Hiện nay số lượng các doanh nghiệp được thành lập ngày càng nhiều với những quy mô khác nhau tùy từng địa phương, doanh nghiệp lớn có, doanh nghiệp nhỏ có, doanh nghiệp nhỏ và vừa có,… Thậm chí có những doanh nghiệp không đến 10 người. Một vấn đề đặt ra liệu công ty dưới 10 người thì có phải đóng bảo hiểm cho nhân viên không? Quy định của pháp luật về trách nhiệm đóng bảo hiểm cho người lao động như thế nào? Để làm rõ vấn đề trên hãy cùng Luật sư X tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây nhé!

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Lao động năm 2012;
  • Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;
  • Luật Việc làm năm 2013;
  • Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014;
  • Các văn bản pháp luật hướng dẫn có liên quan.

Nội dung tư vấn

1. Trách nhiệm đóng bảo hiểm cho người lao động của công ty

Theo quy định tại khoản 1 Điều 186 Bộ luật Lao động 2012 thì công ty phải tham gia đóng bảo hiểm cho người lao động khi người lao động thuộc trường hợp tham gia bảo hiểm bắt buộc.

Điều 186. Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

1. Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế.

Khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động thực hiện các hình thức bảo hiểm xã hội khác đối với người lao động.

Thứ nhất, về đối tượng đóng bảo hiểm:

Về bảo hiểm xã hội:

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau:

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.

Như vậy, việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động phải căn cứ vào thời hạn của hợp đồng lao động. Theo đó, khi người lao động làm việc cho công ty từ đủ 01 tháng trở lên thì công ty phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Về bảo hiểm y tế:

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 như sau:

Điều 12. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế14

1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:

a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động);

b) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.

Như vậy, khi người lao động làm việc làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên ở công ty thì công ty có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế cho người lao động.

Về bảo hiểm thất nghiệp:

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm năm 2013:

Điều 43. Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp

1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:

a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;

b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Như vậy, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 03 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Thứ hai, về tỷ lệ đóng bảo hiểm:

Tỷ lệ đóng bảo hiểm của doanh nghiệp như sau:

  • Bảo hiểm xã hội: 18% 8 26
  • Bảo hiểm y tế: 3% 1,5 4,5
  • Bảo hiểm thất nghiệp: 1% 1 2

Như vậy doanh nghiệp phải đóng là 22%

Tỷ lệ người lao động phải đóng:

  • Bảo hiểm xã hội: 8%
  • Bảo hiểm y tế: 1,5%
  • Bảo hiểm thất nghiệp: 1%

Hàng tháng, doanh nghiệp đóng cho người lao động và trích từ tiền lương tháng của người lao động để đóng cùng một lúc vào Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với tỷ lệ đóng là 32,5 %.

Thứ ba, mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

Nếu là lao động làm việc tại các doanh nghiệp:

  • Căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương tháng được ghi trong hợp đồng lao động.
  • Mức tiền lương tháng thấp nhất để tính mức đóng bảo hiểm xã hội là mức lương tối thiểu vùng và mức tối đa là 20 lần mức lương cơ sở.
  • Mức tiền lương tháng tối đa để tính mức đóng bảo hiểm y tế là 20 lần mức lương cơ sở.
  • Mức tiền lương tháng thấp nhất để tính đóng bảo hiểm thất nghiệp là mức lương tối thiểu vùng và mức tối đa là 20 lần mức lương tối thiểu vùng.

Nếu là lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định:

  • Căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là hệ số tiền lương tháng theo ngạch bậc, cấp quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) tính theo mức lương cơ sở do Chính phủ quy định.
  • Mức tiền lương tháng thấp nhất để tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là mức lương cơ sở và tối đa là 20 lần mức lương cơ sở.

2. Chế độ bảo hiểm với công ty dưới 10 người

Theo quy định hiện hành, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 03 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, pháp luật không đặt ra quy định đơn vị dưới 10 người lao động thì không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp do đó trong trường hợp này, công ty vẫn phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động khi họ đáp ứng đủ điều kiện.

Theo đó đối với những trường hợp công ty không phải đóng bảo hiểm cho người lao động thì phải thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động như sau:

Tại khoản 3 Điều 186 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định:

Điều 186. Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định.

Do vậy nếu người lao động không thuộc trường hợp đóng bảo hiểm thì công ty phải có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương cho người lao động một khoản tiền tương ứng với mức đóng bảo hiểm và tiền nghỉ phép hàng năm theo quy định của pháp luật.

Như vậy trách nhiệm đóng bảo hiểm cho người lao động không phụ thuộc vào số lượng người lao động là bao nhiêu người mà nó phụ thuộc vào tính chất của hợp đồng lao động. Theo đó nếu đáp ứng đủ các điều kiện nhất định thì doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động và sẽ bị xử phạt nếu có hành vi trốn đóng hoặc chậm đóng bảo hiểm cho người lao động.

Hy vọng bài viết hữu ích với Quý độc giả!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư lao động tại Việt Nam.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay qua hotline: 0833.102.102
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm