Công chức có được bán hàng online?

bởi Vudinhha

Việc kinh doanh online là một công việc tự do, giúp chủ thể có thể tận dụng thời gian rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập.Tuy nhiên, đối với những chủ thể đặc biệt như công chức, thì liệu có được kinh doanh bằng phương thức này không? Cụ thể hãy tham khảo thông qua bài viết sau của Luật sư X.

Căn cứ:

  • Luật Cán bộ, Công chức 2008
  • Thông tư 47/2014/TT-BCT
  • Nghị định số 52/2013/NĐ-CP
  • Luật doanh nghiệp 2014

Nội dung tư vấn

1. Công chức là gì?

Căn cứ vào Khoản 2, Điều 4 Luật Cán bộ, Công chức 2008 thì: Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

2. Công chức có quyền bán hàng online. 

Thực tế, không có một quy đình nào cụ thể về việc cho phép công chức bán hàng online. Tuy nhiên, đối chiếu với những quy định hiện hành, pháp luật chỉ nghiêm cấm những hoạt động kinh doanh khác mà không có hoạt động bán hàng online. 

Thứ nhất, Công chức không được thành lập doanh nghiệp

Công chức là những người đang giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan nhà nước. Việc cấm đối tượng này thành lập doanh nghiệp giúp ngăn ngừa tình trạng lạm quyền, tham nhũng. Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 18 Luật doanh nghiệp như sau:

2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;

Tuy không được thành lập công ty, nhưng Công chức được quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty Trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh quy định cụ thể tại Khoản 3, Điều 18 Luật doanh nghiệp 2014:

3. Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:

…..

b) Các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Tuy không được thành lập doanh nghiệp, nhưng công chức được quyền góp vốn vào công ty cổ phần mua cổ phần với tư cách là cổ đông, công ty Trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh để hưởng lợi nhuận mà không tham gia quản lý. Cụ thể tại điều 37 Luật phòng chống tham nhũng 2005: 

Điều 37. Những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm

1. Cán bộ, công chức, viên chức không được làm những việc sau đây:

b) Thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

2. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.

3. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán – tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp.

5. Cán bộ, công chức, viên chức là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác trong doanh nghiệp của Nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình; bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán – tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp.

Thứ hai, Công chức không được bán hàng đa cấp.

Căn cứ theo Điều 28 Nghị định 40/2018/NĐ-CP, Chính phủ quy định cán bộ, công chức không được tham gia bán hàng đa cấp. Đây là quy định khá hợp lý bởi nếu tham gia bán hàng đa cấp, việc sao nhãng công việc là một phần, lợi dụng chức vụ quyền hạn để lạm quyền cũng có nhiều khả năng xảy ra. 

Điều 28: Điều kiện đối với người tham gia bán hàng đa cấp.

2. Những trường hợp sau không được tham gia bán hàng đa cấp:

a) Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc có tiền án về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả, sản xuất, buôn bán hàng cấm, quảng cáo gian dối, lừa dối khách hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản, tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp;

b) Người nước ngoài không có giấy phép lao động tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền cấp trừ trường hợp được miễn theo quy định của pháp luật;

c) Người tham gia bán hàng đa cấp đã từng bị xử phạt do vi phạm các quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 5 Nghị định này mà chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính;

d) Cá nhân quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định này;

đ) Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Từ những hoạt động kinh doanh cấm cán bộ đó, có thể thấy, pháp luật không cấm công chức bán hàng kinh doanh online để kiếm thêm thu nhập. 

3. Cán bộ chỉ được bán hàng online ngoài giờ làm việc. 

Thời gian làm việc của cán bộ công chức, viên chức đã được quy định rõ ràng và chặt chẽ. Tuy nhiên, không được làm việc riêng trong giờ làm việc đã được quy định rõ. Cụ thể tại Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP. Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định 522/QĐ-UBND nhấn mạnh: 

“Cán bộ, công chức, viên chức không quảng cáo, vận động, mời gọi đồng nghiệp và công dân mua, bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ có tính chất kinh doanh trong giờ làm việc”

Rõ ràng, việc tạo điều kiện cho cán bộ được kinh doanh hàng hóa qua mạng để nâng cao thu nhập đã được hợp pháp hóa tuy nhiên không thể vì việc kinh doanh này làm ảnh hưởng đến công việc của nhà nước, thời gian làm việc chính thức được. Bởi vậy, kiếm tiền thì kiếm, nhưng đừng sao nhãng công việc nước nhà nhé. 

Hy vọng bài viết hữu ích cho bạn !

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm