Điều kiện tham gia nghĩa vụ công an

bởi TranQuynhTrang
Nghĩa vụ công an là gì? Điều kiện tham gia nghĩa vụ công an? Trốn tránh nghĩa vụ công an bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?

Công dân nam, nữ Việt Nam được pháp luật trao cho những quyền cũng như nghĩa vụ phải thực hiện đối với đất nước. Trong đó để nhằm đảm bảo đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho đất nước tại thời điểm hiện tại; hoặc sau này khi có chiến tranh xảy ra, công dân cống hiến cho tổ quốc thì công dân có nghĩa vụ bắt buộc phải tham gia nghĩa vụ quân sự hoặc nghĩa vụ công an.

Tuy nhiên vì tính chất đặc biệt của nghĩa vụ cho nên theo quy định của pháp luật để thực hiện được nghĩa vụ phải đảm bảo những điều kiện nhất định. Vậy điều kiện tham gia nghĩa vụ công an như thế nào? Luật sư X sẽ giải đáp thắc mắc đó tại bài viết dưới đây:

Căn cứ pháp lý

Luật Công an nhân dân năm 2018

Nghĩa vụ công an là gì?

Nghĩa vụ công an là việc công dân thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong lực lượng vũ trang nhân dân. Việc thực hiện nghĩa vụ công an được quy định tại điều 8 Luật công an nhân dân 2018.

Điều kiện tham gia nghĩa vụ công an

Đối tượng tuyển chọn nghĩa vụ công an

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 70/2019/NĐ-CP về đối tượng tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ công an bắt buộc bao gồm các công dân nam và công dân nữ đảm bảo đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ công an theo quy định của luật. Trong đó:

– Các công dân nam trong độ tuổi mà luật định gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự 2015.

– Các công dân nữ đủ điều kiện về độ tuổi gọi nhập ngũ cũng đã thực hiện thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự 2015; đồng thời đáp ứng trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu; dựa trên tinh thần tự nguyện và khi Công an nhân dân có nhu cầu tuyển quân.

Điều kiện tuyển chọn nghĩa vụ công an nhân dân

Một là, về độ tuổi:

Được quy định tại Điều 4 Thông tư 38/2016/TT-BCA quy định điều kiện về độ tuổi như sau:

Độ tuổi chung thực hiện nghĩa vụ công an là từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi;

Tuy nhiên; trong một số trường hợp thì độ tuổi tham gia nghĩa vụ công an được quy định như sau:

+ Đối với trường hợp công dân thực hiện khóa học đào tạo cao đẳng hoặc đại học thì độ tuổi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 27 tuổi;

+ Công dân thực hiện nghĩa vụ công an trong các đơn vị Cảnh vệ; Cảnh sát cơ động; Cảnh sát bảo vệ; Cảnh sát đặc nhiệm: phải đảm bảo điều kiện từ đủ 18 cho đến hết 22 tuổi nhưng ở những địa bàn địa phương không thể bảo đảm đủ chỉ tiêu; có khó khăn về nguồn tuyển thì độ tuổi tuyển chọn có thể từ đủ 18 đến hết 25 tuổi.

Hai là, về ngành nghề:

Đối với công dân nữ ngoài điều kiên về độ tuổi; phải đảm bảo thêm cả điều kiện về ngành nghề:

– Công dân nữ có trình độ trung cấp y; Công an đơn vị; địa phương có nhu cầu tuyển quân thì tiến hành xem xét; tuyển chọn để thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân dựa trên tinh thần tự nguyện của công dân;

– Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân đề trình Bộ trưởng Bộ Công an xem xét và quyết định bổ sung danh mục các ngành; nghề cần tuyển công dân nữ tham gia thực hiện nghĩa vụ căn cứ nhu cầu sử dụng nguồn quân trong từng thời kỳ.

Ba là, có lai lịch rõ ràng, đầy đủ, trung thực, không khai man;

Bốn là, công dân là người có nhân thân tốt, cụ thể là:

– Có phẩm chất và đạo đức tư cách tốt;

– Nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương; đường lối của Đảng; chính sách; pháp luật của Nhà nước;

– Được đông đảo quần chúng nhân dân nơi công dân cư trú; nơi học tập; làm việc tín nhiệm; tin tưởng;

– Không có tiền án, tiền sự, không phải là người bị truy cứu trách nhiệm hình sự; bị áp dụng biện pháp quản chế; không nằm trong thời gian bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã; phường; thị trấn hoặc biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở chữa bệnh bắt buộc;

– Đảm bảo tiêu chuẩn về chính trị của cán bộ; chiến sĩ Công an nhân dân; áp dụng theo quy định cụ thể của Bộ Công an;

– Trình độ văn hóa 12/12 trở lên hoặc trình độ 9/12 nếu công dân cư trú tại các có vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong trường hợp công dân có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, có chuyên môn cần thiết cho công tác, chiến đấu của Công an nhân dân thì được ưu tiên trong quá trình tuyển quân;

– Có thể hình cân đối, không bị dị hình, dị dạng đồng thời đáp ứng được các tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

Thời gian thực hiện nghĩa vụ

Tại Điều 8 Luật Công an nhân dân 2018 (có hiệu lực thi hành từ 01/07/2019) có quy định

Điều 8. Nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

1. Công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong lực lượng vũ trang nhân dân. Hằng năm, Công an nhân dân được tuyển chọn công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ vào phục vụ trong Công an nhân dân với thời hạn là 24 tháng. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ nhưng không quá 06 tháng trong trường hợp sau đây:

a) Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu;

b) Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu nạn, cứu hộ.

2. Thủ tục tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được áp dụng như tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.

3. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.

Như vậy; Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì kể từ ngày 01/07/2019, công dân được tuyển chọn vào phục vụ trong Công an nhân dân với thời hạn là 24 tháng (giảm 12 tháng so với quy định tại Luật Công an nhân dân 2014).

Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ nhưng không quá 06 tháng để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, hoặc công an nghĩa vụ đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu nạn, cứu hộ.

Hồ sơ đăng ký tham gia nghĩa vụ công an

Công dân tham dự tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân phải chuẩn bị và nộp 01 bộ hồ sơ cho cơ quan Công an cấp huyện nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, trong đó bao gồm các giấy tờ sau:

– Giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự;

– Bản khai lý lịch cá nhân theo có sự xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi công dân cư trú hoặc xác nhận của chính cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công dân công tác, học tập;

– Bản sao Giấy khai sinh; bản sao các văn bằng, chứng chỉ thể hiện trình độ học vấn (bản sao có thể là bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao chứng thực hoặc bản sao, bản chụp kèm theo bản chính để đối chiếu thông tin);

– Giấy chứng nhận đang là đoàn viên hoặc đảng viên (nếu có);

Trình tự tuyển quân

Quá trình tuyển quân được thực hiện như sau:

– Bước 1:

Công bố về kế hoạch tuyển quân công khai trên các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng, tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của cơ quan Công an quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh với các nội dung: tiêu chuẩn, điều kiện tuyển chọn, số lượng quân cần tuyển, thời gian tham gia nghĩa vụ và thông báo về địa điểm tiếp nhận hồ sơ.  

– Bước 2:

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành tiếp nhận hồ sơ và thẩm tra, xét duyệt tính hợp lệ của hồ sơ dự tuyển, thẩm tra về lý lịch cá nhân của công dân;

– Bước 3: 

Tổ chức khám sức khỏe cho công dân, thông báo cho công dân bằng Lệnh gọi khám sức khỏe, được giao cho công dân trong thời hạn không quá mười lăm ngày trước thời điểm tổ chức khám ghi trên Lệnh khám;

– Bước 4: 

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định công bố danh sách công dân được tuyển chọn theo sự phân công của Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp huyện dựa trên đơn đề trình của cấp dưới; 

– Bước 5: 

Sau khi có được danh sách công dân trúng tuyển, Trưởng Công an cấp huyện ra lệnh gọi đối với từng công dân.

Lưu ý: 

– Kể từ ngày ra thông báo gọi nhập ngũ trong vòng ít nhất là 30 ngày; công dân tiến hành đăng ký dự tuyển;

– Trưởng Công an cấp huyện có thẩm quyền tuyển chọn và ra lệnh gọi công dân thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân;

– Trong quá trình tuyển chọn; gọi công dân thực hiện nghĩa vụ; cần phải có sự phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan thuộc Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an quy định. 

Trốn tránh nghĩa vụ công an bị xử lý như thế nào?

Xử phạt hành chính

Căn cứ vào Điều 8, Nghị định 120/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu về việc vi phạm quy định về thực hiện nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ, cụ thể:

“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Đào ngũ khi đang làm nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ trong thời bình nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng, mà đơn vị quân đội cấp Trung đoàn và tương đương đã gửi giấy thông báo đào ngũ và cắt quân số cho Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan quân sự cấp huyện;

b) Chứa chấp, bao che quân nhân đào ngũ.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hoàn trả toàn bộ quân trang được cấp và buộc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này”.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Điều 402 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 có quy định về tội đào ngũ, cụ thể như sau:

1. Người nào rời bỏ hàng ngũ quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ trong thời chiến hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;

b) Lôi kéo người khác phạm tội;

c) Mang theo, vứt bỏ vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hoặc tài liệu bí mật quân sự;

d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Trong chiến đấu;

b) Trong khu vực có chiến sự;

c) Trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn;

d) Trong tình trạng khẩn cấp;

đ) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.”

Mời bạn xem thêm bài viết:

Trên đây là tư vấn của Luật sư X về “Điều kiện tham gia nghĩa vụ công an“. Nếu có thắc mắc gì về vấn đề này thì xin vui lòng liên hệ: 0833102102 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Câu hỏi thường gặp:

Điều kiện kết hôn với sĩ quan quân đội?

Khi kết hôn với sĩ quan quân đội cần đáp ứng đầy đủ những điều kiện cơ bản như:
Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Kết hôn tự nguyện và không mất năng lực hành vi dân sự.
Ngoài ra, phải đáp ứng các điều kiện riêng khác như: Gia đình hoặc bản thân không được làm tay sai cho chế độ phong kiến; tham gia chính quyền Sài Gòn trước năm 1975. Gia đình hoặc bản thân không được có tiền án, đang chấp hành án phạt tù. Gia đình hoặc bản thân không được theo đạo, trừ đạo phật. Gia đình hoặc bản thân không được là người dân tộc Hoa và không phải người nước ngoài (kể cả đã nhập quốc tịch Việt Nam).

Thủ tục tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự

Thủ tục tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự được thực hiện như sau:
– Đơn xin tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình;
– Giấy tờ chứng minh về đối tượng được tạm hoãn trong thời bình.
Hồ sơ này nộp tại UBND xã để giải quyết. Bởi UBND xã có trách nhiệm xem xét, đăng ký, quản lý danh sách công dân ở địa phương thuộc diện được tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ, đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm