Căn cứ:
- Bộ luật hình sự 2015
- Bộ luật dân sự 2015
- Luật giao thông đường bộ 2008
- Luật xử lí vi phạm hành chính 2012
- Thông tư 12/2017/TT-BGTVT
- Nghị định 46/2016/NĐ-CP
- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2016/BGTVT
Nội dung tư vấn
1. Điều kiện tham gia giao thông.
Đầu tiên các bạn cần phải biết rằng phương tiện giao thông cơ giới được xem là một loại nguồn nguy hiểm cao độ vì bản thân nó khi vận hành (hoặc đứng yên) vẫn gây ra những thiệt hại lớn cho tài sản, sức khoẻ thậm chí là tính mạng của con người. Bộ luật dân sự 2015 quy định vấn đề này như sau:
Điều 601. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy việc sử dụng, vận hành phương tiện phải theo đúng quy định của pháp luật, không thể tuỳ tiện theo ý chỉ quan của chủ sở hữu được.
Cũng xuất phát từ tính chất trên nên luật giao thông đường bộ đã phải quy định độ tuổi và sức khoẻ của người điều khiển nhằm để đảm bảo an toàn cho cả người lái lẫn người khác khi tham gia giao thông. Cụ thể theo Điều 60 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định như sau:
Điều 60. Tuổi, sức khỏe của người lái xe
“a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;
b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;
c) Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);
d) Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);
đ) Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);
e) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.”
Như vậy người đủ 16 tuổi trở lên sẽ được lái xe gắn máy (loại xe 2 bánh có dung tích xy lanh dưới 50 cm3), và loại xe này không cần giấy phép lái xe để điều khiển.
Vậy thế nào là đủ 16 tuổi? Ví dụ nếu bạn sinh ngày 01/01/2000 thì đến 0h01 ngày 01/01/2016 thì khi đó bạn được xem là “đủ 16 tuổi”
Còn trường hợp lái các loại xe khác như xe máy (hay còn gọi là xe mô tô), xe ô tô tải, máy kéo, xe ô tô chở người (nói chung là xe ô tô) thì ngoài yêu cầu về độ tuổi thì còn yêu cầu về giấy phép lái xe đi kèm để được xem là đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Quy định về cấp giấy phép lái xe hiện nay được thực hiện theo thông tư 12/2017/TT-BGTVT, cụ thể xem bảng phân loại sau đây:
HẠNG | ĐỐI TƯỢNG CẤP |
A1 |
– Xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3 – Người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật. |
A2 | – Xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1. |
A3 | – xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1 và các xe tương tự. |
A4 | – các loại máy kéo nhỏ có trọng tải đến 1.000 kg. |
B1 số tự động (hay còn gọi là B11) |
– người KHÔNG HÀNH NGHỀ LÁI XE để điều khiển các loại xe sau đây: a) Ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe; b) Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg; c) Ô tô dùng cho người khuyết tật. |
B1 |
– cấp cho người KHÔNG HÀNH NGHỀ LÁI XE để điều khiển các loại xe sau đây: a) Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe; b) Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg; c) Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg. |
B2 |
– cấp cho NGƯỜI HÀNH NGHỀ LÁI XE để điều khiển các loại xe sau đây: a) Ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg; b) Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1. |
Hạng C |
– cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe sau đây: a) Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên; b) Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên; c) Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2. |
Hạng D |
– cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe sau đây: a) Ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe; b) Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2 và C. |
Hạng E |
– cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe sau đây: a) Ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; b) Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và D. |
Hạng F |
– cấp cho người đã có giấy phép lái xe các hạng B2, C, D và E để điều khiển các loại xe ô tô tương ứng kéo rơ moóc có trọng tải thiết kế lớn hơn 750 kg, sơ mi rơ moóc, ô tô khách nối toa, được quy định cụ thể như sau: a) Hạng FB2 cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng B2 có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1 và hạng B2; b) Hạng FC cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng C có kéo rơ moóc, ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và hạng FB2; c) Hạng FD cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng D có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D và FB2; d) Hạng FE cấp cho người lái xe ô tô để lái các loại xe quy định tại giấy phép lái xe hạng E có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe: ô tô chở khách nối toa và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D, E, FB2, FD. |
– Hạng giấy phép lái xe sử dụng cho người lái xe ô tô khách giường nằm, ô tô khách thành phố (sử dụng để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt) thực hiện theo quy định tại khoản 9 và khoản 10 Điều này. Số chỗ ngồi trên xe được tính theo số chỗ trên xe ô tô khách cùng kiểu loại hoặc xe ô tô có kích thước giới hạn tương đương chỉ bố trí ghế ngồi. |
Để tóm gọn nội dung cho dễ hiểu thì:
- Đối với người điều khiển xe máy (hay còn gọi là xe mô tô) có dung tích xy lanh từ từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3 phải có giấy phép A1
- Điều khiển xe moto 2 bánh có dung tích từ 175cm3 trở lên phải có giấy phép A2
- Điều khiển xe moto 3 bánh phải có giấy phép A3
- Điều khiển xe ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe phải có giấy phép B1
- Giấy phép B1 (cũ) thì chở người đến 9 chỗ ngồi, không phân biệt số sàn hay tự động
- …….
Nếu khi tham gia giao thông mà không có giấy phép lái xe tương ứng với loại xe đang vận hành thì người điều khiển sẽ được xem là “không đủ điều kiện theo quy định”.
2. Xử lí trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông như thế nào ?
Tuỳ vào mức độ và tính chất hành vi gây ra mà người giao xe sẽ bị xử lí theo các quy định khác nhau.
Xử lí vi phạm hành chính
Trường hợp chủ phương tiện giao xe cho người không đủ điều kiện sẽ bị xử phạt theo điểm đ khoản 4 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức
Điều 40. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ.
4. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
..
đ) Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng).
Lấy ví dụ thường gặp nhất là phụ huynh thường giao xe máy cho con của mình chạy đi học và trường hợp này nếu người con từ đủ 16 tuổi thì ngoài việc người con bị phạt thì cha mẹ (tức là chủ sở hửu) cũng bị phạt với mức tiền từ 800.000 đồng đến 1tr đồng. Ở đây cần phân biệt rằng xe gắn máy là xe có dung tích dưới 50cm3, còn xe máy (hay còn gọi là xe mô tô) là xe có dung tích từ 50cm3 trở lên – theo Điểm 3.39 và 3.40 Điều 4 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT.
Còn nếu trường hợp người con dưới 16 tuổi (thường gặp nhất à mấy em lớp 9, lớp 10) thì các em chỉ bị phạt cảnh cáo (theo quy định tại Điều 22 Luật xử lí vi phạm hành chính 2012), còn cha mẹ thì vẫn bị phạt từ 800.000 đồng đến 1tr đồng. Hay nói cách khác dù người con bao nhiêu tuổi mà không đủ điều kiện tham gia giao thông (không đủ tuổi, đủ tuổi mà không có GPLX) thì phụ huynh, tức là người chủ sở hữu vẫn phải chịu phạt. Đây là một quy định phù hợp nhằm nâng cao ý thức của phụ huynh trong việc giao xe cho con em mình tham gia giao thông. Bởi lẽ nhiều người do nhận thức lẫn kiến thức tham gia giao thông còn hạn chế đã không điều khiển xe một cách an toàn, từ đó gây ra những hậu quả cho chính các em và những người tham gia giao thông khác.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Nếu hành vi gây ra nghiêm trọng như gây chết người hay thương tích đến mức truy cứu trách nhiệm hính sự thì người giao xe sẽ bị khởi tố theo Điều 363 và Điều 364 Bộ luật hình sự
Điều 363. Tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
1. Người nào có thẩm quyền mà biết rõ người không có giấy phép lái xe, không đủ sức khỏe, độ tuổi để điều khiển phương tiện hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật mà vẫn điều động người đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 364. Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Ở đây Điều 363 áp dụng cho người có thẩm quyền ở các cơ quan, tổ chức vì trong trường hợp này chủ sở hữu phương tiện là cơ quan, tổ chức chứ không phải là cá nhân cụ thể. Còn nếu chủ sở hữu phương tiện là cá nhân thì khi đó người chủ phương tiện sẽ bị khởi tố theo Điều 164 Bộ luật hình sự.
Có thể thấy mức phạt tù trong hai trường hợp trên có thể lên đến 07 năm tù thậm chí 12 năm tù nên khi giao xe cho người khác thì chúng ta phải hết sức lưu ý bởi lẽ hậu quả một khi đã xảy ra thì không thể nào thay đổi được. Đặc biệt là các bậc phụ huynh nên trang bị cho mình kiến thức và một cách giáo dục đúng đắn cho con em mình, tuyệt đối không giao xe mà biết rõ là không phù hợp với độ tuổi để các em đi học. Phải giáo dục từ những điều nhỏ nhất để các em dần hình thành cho mình một thói quen sống tuân thủ pháp luật.
Trên đây là những vấn đề pháp lí liên quan đến trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn
Thông tin liên hệ Luật Sư X
Trên đây là nội dung tư vấn về Hãy cẩn thận khi giao xe cho người không đủ điều kiện lái xe. Mọi thắc mắc về thủ tục pháp lý có liên quan. Quý khách vui lòng liên hệ Luật Sư X để được hỗ trợ, giải đáp.
Gọi ngay cho chúng tôi qua hotline: 0833.102.102.