Người lao động trốn đi nước ngoài bị phạt thế nào?

bởi Luật Sư X

Vô cùng thương sót cho 39 nạn nhân Việt Nam của thảm kịch nhập cư tại Anh vừa qua. Họ dời bỏ quê hương với ước muốn làm giàu nhưng lại phải nhận một kết cục thảm khốc. Tại Việt Nam hiện nay có một bộ phận không nhỏ người trẻ mong muốn nhập cư tới các quốc gia tư bản tiến bộ để đổi đời. Tuy vậy, với chính sách nhập cư được kiểm soát chặt chẽ tại các quốc gia này, nhiều người lao động đã lựa chọn những con đường không chính thống, hay còn gọi là nhập cư bất hợp pháp. Ở nhiều quốc gia, tội xuất cảnh trái phép, trốn ở lại nước ngoài là một tội phạm hình sự. Vậy còn đối với pháp luật Việt Nam quy định về hành vi phạm pháp này như thế nào? Chúng tôi sẽ chia sẻ về vấn đề này trong bài viết dưới đây

Căn cứ:

  • Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 (Bộ Luật hình sự hiện hành)
  • Bộ Luật hình sự 1999

Nội dung tư vấn

1. Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về xuất cảnh trái phép và trốn ở lại nước ngoài

Không thể phủ nhận mức lương của một bộ phận người lao động, người nông dân tại Việt Nam quá thấp. Do đó, những người này thường tìm cách ra nước ngoài làm việc. Theo như lời một số môi giới thì sang đó, họ sẽ được làm việc trong những nhà máy, xí nghiệp, nông trại với mức lương cao. Thực tế có nhiều trường hợp ban đầu người lao động đáp ứng được đầy đủ các điều kiện để được sang các nước khác làm việc theo hợp đồng lao động hợp pháp. Tuy nhiên, khi sắp hết thời hạn hợp đồng hoặc vì lý do nào đó mà người lao động không thể tiếp tục được làm việc tại quốc gia đó nữa. Khi đó, nhiều người lao động đã tìm cách lẩn trốn, nhằm ở lại nước đó. Vừa qua cũng có rất nhiều trường hợp báo chí đưa tin người Việt Nam đi sang nước ngoài theo dạng du lịch. Nhưng khi sang tới nơi thì lại trốn khỏi đoàn du lịch, khi hết thời hạn visa không quay trở về nước nhằm ở lại luôn quốc gia đó. Hoặc cũng có rất nhiều trường hợp người Việt Nam lợi dụng đường biên giới Việt-Trung để trốn sang Trung Quốc nhằm lao động bất hợp pháp. Tất cả những hành vi trên đều là hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. 

Trước kia, trong Bộ Luật hình sự 1999 quy định các hành vi trên là hành vi phạm tội và người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể tại Điều 274 Bộ Luật hình sự 1999 quy định như sau:

Điều 274. Tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tội ở lại nước ngoài hoặc ở lại Việt Nam trái phép

Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại nước ngoài, ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Như vậy, trong thời điểm Bộ Luật hình sự 1999 có hiệu lực, người lao động có hành vi xuất cảnh hoặc ở lai nước ngoài trái phép mà trước đó người này đã bị xử phạt hành chính về chính hành vi này thì trong lần vi phạm thứ 2 sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhẹ thì phạt tiền, nặng thì có thể phải ngồi tù tới 2 năm.

Tuy nhiên, trong Bộ Luật hình sự hiện hành đã không còn quy định về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi của người lao động xuất cảnh, ở lại nước ngoài trái phép. Theo đó, căn cứ theo các tội danh được quy định tại Chương 10 thì pháp luật chỉ còn quy định chế tài xử phạt hình sự đối với những đối tượng có vai trò tổ chức các hoạt động, cầm đầu các đường dây tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, trốn ở lại nước ngoài trái phép. Vì việc xuất cảnh trái phép và trốn ở lại nước ngoài là một hành vi vi phạm pháp luật, nên dù pháp luật không quy định việc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng những người vi phạm vẫn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

2, Xử phạt hành chính

Việc xuất cảnh, nhập cư trái phép và trốn ở lại nước ngoài khi đi du lịch hoặc khi hết thời hạn hợp đồng lao động của người Việt Nam không những làm mất ổn định chính sách dân số, lao động động của nhà nước ta và các quốc gia khác. Mà quan trọng hơn, điều này đã làm ảnh hưởng, gây nên sự mất thiện cảm của bạn bè quốc tế tới hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam. Do vậy, pháp luật quy định về chế tài xử phạt hành chính có phần nghiêm khắc đối với hành vi xuất cảnh trái phép và trốn ở lại nước ngoài.

Căn cứ Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về chế tài xử phạt những người xuất cảnh trái phép ra nước ngoài như sau:

Điều 17. Vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại

….

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây.

a) Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định;

b) Trốn hoặc tổ chức, giúp đỡ người khác trốn vào các phương tiện nhập cảnh, xuất cảnh nhằm mục đích vào Việt Nam hoặc ra nước ngoài;

c) Cho người khác sử dụng hộ chiếu, giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật;

d) Sử dụng hộ chiếu hoặc các giấy tờ khác có giá trị thay hộ chiếu của người khác để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh;

…..

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây;

b) Sử dụng hộ chiếu giả, giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu giả, thị thực giả, thẻ tạm trú giả, thẻ thường trú giả, dấu kiểm chứng giả để xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú.

…..

Ngoài ra, nếu trường hợp là người xuất cảnh trái phép đồng thời có vai trò là người tổ chức, hoặc cùng đưa dẫn người khác ra nước ngoài thì người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 120 hoặc Điều 349 Bộ Luật hình sự hiện hành.

Đối với những trường hợp người lao động trốn ở lại nước đó khi đã hết thời hạn hợp đồng lao động thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 35 Nghị định 95/2013/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Điều 35. Vi phạm của người lao động đi làm việc ở nước ngoài và một số đối tượng liên quan khác

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký hợp đồng cá nhân tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

2. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn Hợp đồng lao động, hết hạn cư trú;

b) Bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng;

c) Sau khi nhập cảnh nước tiếp nhận lao động mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng;

d) Lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài trái quy định;

3. Biện pháp khắc phục hậu quả; 

a) Buộc về nước đối với hành vi vi phạm quy định tại các Điểm a, Điểm b và Điểm c Khoản 2 Điều này;

b) Cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 02 năm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều này;

c) Cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 05 năm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm c và Điểm d Khoản 2 Điều này;

Như vậy, ngoài việc bị phạt tiền lên tới 100.000.000 đồng thì người lao động trốn ở lại nước ngoài còn có thể chịu các hình phạt bổ sung nêu trên.

Ngoài ra, đối với các trường hợp đi du lịch rồi trốn ở lại nước ngoài thì pháp luật hiện hành đã không còn xử lý hình sự đối với những hành vi này như khi Bộ Luật hình sự 1999 còn hiệu lực nữa. Theo đó, tinh thần của pháp luật cho rằng các hành khách mua tour du lịch của các công ty. Thì lúc này những công ty du lịch tổ chức tour phải có trách nhiệm quản lý, kiểm soát hành khách trong suốt hành trình. Vì thế, sẽ quy trách nhiệm trong trường hợp hành khách trốn ở lại cho các công ty du lịch. Đồng thời người khách trốn lại quốc gia đó sẽ chỉ bị trục xuất về nước mà không phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự và bị xử phạt hành chính.

Hy vọng bài viết có ích đối với quý độc giả

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về pháp luật dân sự tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay

 

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm