Nhà hàng mất vệ sinh an toàn thực phẩm bị xử phạt thế nào?

bởi Vudinhha
An toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, được tiếp cận với thực phẩm an toàn đang trở thành quyền cơ bản đối với mỗi người. An toàn thực phẩm không chỉ đảm bảo trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe mà còn liên quan trực tiếp đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an ninh xã hội. Tuy nhiên, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm ở nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Tình trạng ngộ độc thực phẩm có xu hướng tăng và ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là ở các nhà hàng. Vậy, một câu hỏi được đặt ra, nhà hàng mất vệ sinh an toàn thực phẩm bị xử phạt thế nào? Trong khuôn khổ bài viết dưới đây, hãy cùng Luật sư X tìm hiểu nhé!

Căn cứ pháp lí

  • Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
  • Luật An toàn thực phẩm 2010
  • Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
  • Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 

Nội dung tư vấn   

1. Thế nào là vệ sinh an toàn thực phẩm?

Dưới góc độ pháp luật, cụ thể là tại khoản 20 điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010 có quy định về thực phẩm như sau:

20.Thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản. Thực phẩm không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá và các chất sử dụng như dược phẩm.

Định nghĩa ngắn gọn nêu trên của Luật an toàn thực phẩm 2010 giúp chúng ta hình dung về thực phẩm một cách khá rõ ràng và toàn diện. Theo đó, thực phẩm  không chỉ ở dạng tươi sống mà còn ở dạng đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản. Với cách định nghĩa này, cơ quan chức năng sẽ dễ dàng hơn trong việc xác định trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Vệ sinh thực phẩm là giữ cho thực phẩm không bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, ngộ độc thực phẩm. Thực phẩm được coi là vệ sinh là những thực phẩm được xử lý và bảo quản sạch sẽ trong quá trình sản xuất, chăm sóc và đóng gói, chế biến. Vệ sinh an toàn thực phẩm là cách nói tổng hợp chỉ các điều kiện và biện pháp cần thiết để bảo đảm thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người. 

2. Nhà hàng mất vệ sinh an toàn thực phẩm có thể bị xử phạt hành chính. 

Điều 4. Vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm

1. Phạt tiền từ 01 lần đến 02 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng nguyên liệu đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng đối với nguyên liệu thuộc diện bắt buộc phải ghi thời hạn sử dụng;

b) Sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ;

c) Sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật để sản xuất, chế biến thực phẩm mà không được kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật để sản xuất, chế biến thực phẩm mà có chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc không phù hợp quy định pháp luật hoặc đã kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật nhưng không đạt yêu cầu.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá dưới 10.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng nguyên liệu là sản phẩm từ động vật, thực vật, chất, hóa chất không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm;

b) Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 4 Điều này trong trường hợp áp dụng mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt tương ứng mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại các khoản 3 và 4 Điều này;

b) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 10 tháng đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 20 tháng đến 24 tháng đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm vi phạm quy định tại các khoản 4 và 5 Điều này.

Theo đó, các yếu tố cấu thành pháp lí của vi phạm hành chính nói chung và vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm nói riêng bao gồm bốn yếu tố: mặt khách quan, mặt chủ quan, chủ thể và khách thể. 

  • Thứ nhất, về mặt khách quan, hành vi trái pháp luật trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm được thể hiện dưới hai dạng hành động và không hành động. 
    • Hành động trái pháp luật: Các lỗi vi phạm chủ yếu là:
      • sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ;
      • sản xuất, dử dụng nước đá dùng cho đồ ăn không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ Y tế ban hành. 
      • sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm, vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, thực phẩm có nguy cơ cao, thực phẩm được bảo quản  bằng phương pháp chiếu xạ, thực phẩm có gen biến đổi nhưng chưa được cơ quan nhà nước cho phép
      • sản xuất thực phẩm không đảm bảo vệ sinh
      • một số nguyên liệu quá hạn sử dụng;
    • Không hành động trái pháp luật:
      • không thực hiện đúng quy định về lưu mẫu thức ăn.
      • không có đủ dụng cụ bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến;
      • không có đủ diện tích để bố trí dây truyền nphuf hợp với công suất thiết kế của cơ sở, bảo đảm các công đoạn sản xuất đáp ứng yêu cầu công nghệ và các biện pháp vệ sinh công nghiệp.
      • không có hệ thống cấp nước và thoát nước.
      •  …
  • Thứ hai là về mặt chủ quan
    • Lỗi là dấu hiệu bắt buộc phải có trong cấu thành của tất cả các vi phạm hành chính về vệ sinh an toàn thực phẩm. Các hình thức lỗi bao gồm lỗi cố ý và lỗi vô ý. Rất nhiều vi phạm hành chính trong lĩnh vực này được thực hiện với lỗi cố ý gián tiếp và lỗi vô ý do cẩu thả. 
    • Động cơ và  mục đích: không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của tất cả các vi phạm. 
  • Thứ ba là chủ thể: Theo quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thì đối tượng áp dụng xử phạt vi phạm hành chính bao gồm
    • Cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm trên lãnh thổ Việt Nam
    • Người có thẩm quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan.
  • Thứ tư là khách thể: Khách thể của vi phạm hành chính là những quan hệ xã hội được các quy phạm pháp luật hành chính bảo vệ nhưng bị hành vi vi phạm xâm hại tới. Khách thể của vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm là trật tự quản lí nhà nước trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, là sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng.

Do vậy, khi đáp ứng đủ 4 tiêu chí nêu trên, nhà hàng có hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm có thể bị xử phạt hành chính, với mức phạt dao dộng lên đến 100.000.000 đồng. Ngoài ra, các nhà hàng còn phải chịu thêm hình thức xử phạt bổ sung như sau: 

  • Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng
  • Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 10 tháng đến 12 tháng.
  •  Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 20 tháng đến 24 tháng.

3. Nhà hàng mất vệ sinh an toàn thực phẩm có thể bị áp dụng chế tài hình sự. 

Theo quy định tại Điều 317  Bộ luật hình sự năm 2015 về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;

b) Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm;

c) Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm;

d) Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Trước hết, cần tìm hiểu các yếu tố cấu thành tội vi phạm quy đinh về vệ sinh an toàn thực phẩm.

  • Mặt khách quan: Mặt khách quan của tội phạm này phải có các dấu hiệu sau:
    • Về hành vi: Chủ thể thực hiện một trong các hành vi sau:
      •  Có hành vi chế biến thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn. Được hiểu là hành vi chế biến từ các loại thực phẩm chưa qua chế biến hoặc sơ chế sang thực phẩm có thể sử dụng, tiêu dùng được các loại thực phẩm như: thịt, các, trứng, sữa, rau…nhưng không tuân thủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm.
      • Có hành vi cung cấp thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn.
      • Có hành vi bán thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn.
    • Hậu quả: Hành vi nêu trên dẫn đến hậu quả là gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này. Người thực hiện một trong các hành vi nêu trên nhưng không gây ra hậu quả thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
  • Khách thể:Hành vi vi phạm quy đinh về vệ sinh an toàn thực phẩm nêu trên xâm phạm đến chế độ quản lý của nhà nước về vệ sinh và an toàn thực phẩm, đồng thòi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác (người tiêu dùng).

  • Mặt chủ quan: Người  phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Chủ thể thực hiện hành vi vi phạm quy đinh về vệ sinh an toàn thực phẩm nhận thức rõ,  đầy đủ hành vi của mình nguy hiểm cho xã hội, cụ thể là xâm hại đến chế độ quản lý của nhà nước về vệ sinh và an toàn thực phẩm nhưng vẫn cố tình thực hiện.

  • Chủ thể: Chủ thể của tội phạm này có thể là bất kì người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự

Theo đó, nếu nhà hàng mất vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng đủ bốn yếu tố trên, thì sẽ bị xử lí hình sự về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, với mức hình phạt như sau:

  • Khung 1:  Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
  • Khung 2: Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù 03 năm đến 07 năm.
  • Khung 3:  Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm
  • Khung 4: Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm
  • Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị:phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Hy vọng bài viết hữu ích cho bạn!

Trân trọng./.

Thông tin liên hệ Luật Sư X

Trên đây là nội dung tư vấn về Nhà hàng mất vệ sinh an toàn thực phẩm bị xử phạt thế nào? Mọi thắc mắc về thủ tục pháp lý có liên quan. Quý khách vui lòng liên hệ Luật Sư X để được hỗ trợ, giải đáp.

Gọi ngay cho chúng tôi qua hotline: 0833.102.102.

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm