Quy định về người làm chứng trong tố tụng hình sự

bởi

Trong các quy định về người tham gia tố tụng của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, người làm chứng là một trong những người ảnh hưởng rất lớn đến quá trình điều tra, làm sáng tỏ vụ án hình sự. Vậy người làm chứng là ai và đóng vai trò gì trong quá trình tố tụng? Bên cạnh đó, người làm chứng có điểm gì khác với người chứng kiến? Bài viết sau sẽ cung cấp một số quy định về người làm chứng trong tố tụng hình sự.

Căn cứ:

Nội dung tư vấn

1. Người làm chứng là ai?

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, người làm chứng được xác định như sau:

Điều 66. Người làm chứng

1. Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.

2. Những người sau đây không được làm chứng:

a) Người bào chữa của người bị buộc tội;

b) Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.

Như quy định trên, người làm chứng phải là người biết được nguồn tin của tội phạm hoặc tình tiết của vụ án. Pháp luật không giới hạn việc thông tin mà người làm chứng có được là trực tiếp hay gián tiếp nên nguồn thông tin có thể xuất phát từ việc họ nhìn thấy, nghe thấy những tình tiết về vụ việc hoặc cũng có thể họ được người khác kể lại. Các thông tin có được từ người làm chứng sẽ được cơ quan có thẩm quyền xác định tính đúng sai trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chính xác cao của thông tin thì người làm chứng phải là người có nhận thức và khả năng khai báo cho. Do đó, nếu người làm chứng có nhược điểm về thể chất hoặc tinh thần mà không có khả năng khai báo đúng đắn thì không thể trở thành người làm chứng. Người làm chứng khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Người làm chứng là người không thể thay thế trong tố tụng như người phiên dịch hoặc người đại diện hợp pháp, bởi lẽ họ tham gia tố tụng không phụ thuộc vào ý chí của họ hay ý chí của những người tiến hành tố tụng, mà do những thông tin về tình tiết vụ án họ biết được ảnh hưởng đến việc điều tra, làm sáng tỏ vụ án.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính khách quan của lời khai mà người làm chứng cung cấp thì pháp luật yêu cầu người bào chữa của người bị buộc tội trong vụ án hình sự không thể trở thành người làm chứng.

2. Phân biệt người làm chứng với người chứng kiến

Các quy định về người làm chứng được ghi nhận trong các Bộ luật Tố tụng Hình sự của Việt Nam từ ngày đầu mới hình thành. Còn người chứng kiến mới được đưa vào là người tham gia tố tụng từ Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Việc phân biệt người làm chứng với người chứng kiến giúp hiểu rõ hơn về vai trò của người làm chứng trong quá trình tố tụng hình sự, đồng thời tránh việc nhầm lẫn giữa quy định về người làm chứng và người chứng kiến.

Khác biệt cơ bản của người làm chứng và người chứng kiến là khái niệm được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Như đã phân tích ở trên, người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng. Còn đối với người chứng kiến, khái niệm được quy định tại điều 66 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 như sau:

Điều 67. Người chứng kiến

1. Người chứng kiến là người được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu chứng kiến việc tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này.

2. Những người sau đây không được làm người chứng kiến:

a) Người thân thích của người bị buộc tội, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

b) Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức đúng sự việc;

c) Người dưới 18 tuổi;

d) Có lý do khác cho thấy người đó không khách quan.

Người chứng kiến là người được mời để chứng kiến hoạt động điều tra trong các trường hợp do Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định. Thông thường sẽ có 1 người chứng kiến, tuy nhiên trong các trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 4 Điều 195 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì phải có hai người chứng kiến, cụ thể:

Điều 195. Khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện

1. Khi khám xét chỗ ở thì phải có mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến; trường hợp người đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và hai người chứng kiến.

Không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

2. Khi khám xét nơi làm việc của một người thì phải có mặt người đó, trừ trường hợp không thể trì hoãn nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Việc khám xét nơi làm việc phải có đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Trong trường hợp không có đại diện cơ quan, tổ chức thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và 02 người chứng kiến.

4. Việc khám xét phương tiện phải có mặt chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện và người chứng kiến. Trường hợp chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có hai người chứng kiến.

Khi khám xét phương tiện có thể mời người có chuyên môn liên quan đến phương tiện tham gia.

Ngoài ra, người chứng kiến có trách nhiệm xác nhận nội dung, kết quả công việc mà người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã tiến hành trong khi mình có mặt và có thể nêu ý kiến cá nhân, ý kiến này sẽ được ghi vào biên bản.

Như vậy, người chứng kiến có bản chất và vai trò hoàn toàn khác với người làm chứng. Người làm chứng là người không thể thay thế trong tố tụng hình sự, tức là chỉ người biết về những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và không thuộc trường hợp không thể làm chứng mới có thể trở thành người làm chứng. Và những thông tin khai báo của họ sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều tra, phá án do đó nếu họ khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, người chứng kiến là những người sẽ chứng kiến hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật. Họ có thể thay thế bằng bất kỳ ai, chỉ cần người đó không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 67 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Cho nên, trường hợp người đáp ứng các yêu cầu là người chứng kiến nhưng từ chối thì họ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Quyền và nghĩa vụ của người làm chứng

Theo quy định của Bộ luật, người làm chứng có các quyền sau đây:

  • Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 67 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
  • Yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa.
  • Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng;
  • Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.

Trong các quyền được nêu trên, quyền yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ là quyền lợi đặc biệt và quan trọng nhất đối với người làm chứng, bởi lời khai của người làm chứng sẽ có lợi cho một bên tham gia tố tụng và bất lợi cho phía bên kia, thường là bất lợi cho bị can, bị cáo. Vì vậy, không loại trừ khả năng bị can, bị cáo hoặc gia đình họ đe dọa người làm chứng. Do đó, pháp luật cho phép người làm chứng được yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa.

Đồng thời, người làm chứng là người không có những quyền và lợi ích liên quan trực tiếp đến việc giải quyết vụ án nên việc họ tham gia tố tụng là theo triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng. Họ có quyền được yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng đã triệu tập họ thanh toán cho họ chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật như chi phí ăn, ở…

Ngoài ra, người làm chứng được khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng. Bộ luật ghi nhận quyền này của người làm chứng nhằm đảm bảo quá trình tố tụng được diễn ra khách quan và trung thực. Ví dụ như trong biên bản ghi lời khai của người làm chứng; Điều tra viên không ghi đúng nội dung người làm chứng đã khai, hoặc khi Cơ quan điều tra không bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người làm chứng, người làm chứng có quyền khiếu nại hành vi của Điều tra viên, của Cơ quan điều tra.

Bên cạnh việc quy định về quyền của người làm chứng, Bộ luật còn đặt ra một số nghĩa vụ cho họ, cụ thể gồm:

  • Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;
  • Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.

Những nghĩa vụ được quy định trên nhằm bảo đảm hoạt động tố tụng được tiến hành thuận lợi, hiệu quả nhất và cũng nhằm đảm bảo tính khách quan, trung thực trong việc khai báo của người làm chứng. Việc người làm chứng tham gia tố tụng là nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước, bởi vậy, họ có trách nhiệm phải thực hiện yêu cầu triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng. Họ phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu họ cố ý vắng mặt mà không có lý do chính đáng thì có thể bị dẫn giải. Người làm chứng từ chối hoặc trốn tránh khai báo mà không lý do chính đáng hoặc khai báo gian dối thì phải chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 382 và Điều 383 của Bộ luật hình sự.

Hy vọng bài viết hữu ích cho bạn !

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay qua hotline: 0833.102.102
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm