Căn cứ:
- Luật Viên chức năm 2010
- Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ
- Các văn bản pháp luật liên quan
Nội dung tư vấn
1. Thế nào là đơn vị sự nghiệp công lập?
Khoản 1 Điều 9 Luật Viên chức năm 2010 có đưa ra định nghĩa cụ thể về đơn vị sự nghiệp:
“Điều 9. Đơn vị sự nghiệp công lập và cơ cấu tổ chức quản lý hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập
1. Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước”
Như vậy, từ quy định của pháp luật có thể hiểu đơn vị sự nghiệp là tổ chức:
- Được thành lập bởi cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định;
- Là bộ phận cấu thành trong tổ chức bộ máy của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội;
- Có tư cách pháp nhân;
- Cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước;
- Viên chức là lực lượng lao động chủ yếu, bảo đảm cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
2. Đặc điểm của đơn vị sự nghiệp công lập
Thứ nhất, đơn vị sự nghiệp công lập là đơn vị thuộc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, trong đó chủ yếu là các cơ quan nhà nước. Thứ hai, đơn vị sự nghiệp công lập là nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất để hoạt động. Tùy từng loại đơn vị sự nghiệp mà nhà nước có sự hỗ trợ ngân sách ở những mức độ khác nhau Thứ ba, các đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập nhằm cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công trong những lĩnh vực mà Nhà nước chịu trách nhiệm cung ứng chủ yếu cho nhân dân hoặc trong những lĩnh vực mà khu vực phi nhà nước không có khả năng đầu tư hoặc không quan tâm đầu tư. Thứ tư, cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đang ngày càng được đổi mới theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thực hiện hạch toán độc lập. Thứ năm, các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động theo chế độ thủ trưởng. Tuy nhiên, để đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, tránh tình trạng lạm quyền, vượt quyền đồng thời phòng chống tham nhũng, pháp luật quy định việc thành lập Hội đồng quản lý tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và các đơn vị sự nghiệp công lập khác trong trường hợp cần thiết. Thứ sáu, nhân sự tại đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc theo hợp đồng làm việc, được quản lý, sử dụng với tư cách là viên chức. Trong khi đó, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập (và trong nhiều trường hợp gồm cả thành viên trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị) là công chức.3. Phân loại đơn vị sự nghiệp công lập
Khoản 2 Điều 9 Luật Viên chức phân loại các đơn vị sự nghiệp công lập thành 2 nhóm:“Điều 9. Đơn vị sự nghiệp công lập và cơ cấu tổ chức quản lý hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập 2. Đơn vị sự nghiệp công lập gồm:
a) Đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ);
b) Đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ)”.
Trên tinh thần của Luật Viên chức 2010, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đã chia đơn vị sự nghiệp công lập thành 4 nhóm:
- Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư;
- Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên;
- Đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên;
- Đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.