Thủ tục cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ

bởi Vudinhha

Kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử là một trong số ngành rất đặc biệt và rất mới ở Việt Nam. Vậy thủ tục tiến hành kinh doanh công việc bức xạ thì như thế nào, hãy cùng Luật sư X tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Căn cứ:

  • Luật Năng lượng Nguyên tử 2008

  • Nghị định số 07/2010/NĐ-CP ngày 25/01/2010 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử.

  • Thông tư 08/2010/TT-BKHCN

Nội dung tư vấn

1. Sử dụng thiết bị bức xạ là gì?

Năng lượng nguyên tử là năng lượng được giải phóng trong quá trình biến đổi hạt nhân bao gồm năng lượng phân hạch, năng lượng nhiệt hạch, năng lượng do phân rã chất phóng xạ; là năng lượng sóng điện từ có khả năng ion hóa vật chất và năng lượng các hạt được gia tốc.

Hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử là hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; xây dựng, vận hành, bảo dưỡng, khai thác, quản lý và tháo dỡ cơ sở hạt nhân, cơ sở bức xạ; thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng phóng xạ; sản xuất, lưu giữ, sử dụng, vận chuyển, chuyển giao, xuất khẩu, nhập khẩu nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, nhiên liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân; xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ và các dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử

Bức xạ là chùm hạt hoặc sóng điện từ có khả năng ion hóa vật chất.

Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế đầu tư vào hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế – xã hội

Công việc bức xạ bao gồm các công việc

  • Vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu và nhà máy điện hạt nhân;
  • Vận hành thiết bị chiếu xạ gồm máy gia tốc; thiết bị xạ trị; thiết bị chiếu xạ khử trùng, xử lý vật liệu và sử dụng các thiết bị bức xạ khác;
  • Sản xuất, chế biến chất phóng xạ;
  • Lưu giữ, sử dụng chất phóng xạ;
  • Thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ;
  • Làm giàu urani; chế tạo nhiên liệu hạt nhân;
  • Xử lý, lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng;
  • Xây dựng, thay đổi quy mô và phạm vi hoạt động, chấm dứt hoạt động của cơ sở bức xạ, cơ sở hạt nhân;
  • Sử dụng vật liệu hạt nhân ngoài chu trình nhiên liệu hạt nhân;
  • Nhập khẩu, xuất khẩu chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân;
  • Đóng gói, vận chuyển vật liệu phóng xạ;
  • Vận chuyển vật liệu phóng xạ quá cảnh lãnh thổ Việt Nam;
  • Vận hành tàu biển, phương tiện khác có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân;
  • Hoạt động khác tạo ra chất thải phóng xạ.

2. Thủ tục cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ

Đối với tổ chức và cá nhân

Nộp đơn và hồ sơ đề nghị cấp phép tiến hành công việc bức xạ tại phòng văn thư hoặc phòng Quản lý chuyên ngành – Sở Khoa học và Công nghệ.

Đối với Sở Khoa học và Công nghệ

  • Tiếp nhận hồ sơ:
    • Trường hợp Hồ sơ đầy đủ: Ghi giấy hẹn ngày trả lời kết quả thẩm định nội dung hồ sơ cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép;
    • Trường hợp danh mục hồ sơ còn thiếu: trả lại hồ sơ và hướng dẫn bổ sung tài liệu cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép;
    • Thẩm định hồ sơ;
    • Phê duyệt kế hoạch;
    • Chuẩn bị thẩm định điều kiện an toàn tại cơ sở;
    • Thẩm định điều kiện an toàn tại cơ sở;
    • Đánh giá sau thẩm định;
    • Phê duyệt cấp phép;
    • Trả kết quả.

3. Hồ sơ xin Cấp phép tiến hành công việc bức xạ

Hồ sơ bao gồm

  • Đơn đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ;
  • Phiếu khai báo nhân viên bức xạ và người phụ trách an toàn;
  • Phiếu khai báo thiết bị x-quang chẩn đoán trong y tế;
  • Báo cáo đánh giá an toàn đối với công việc sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế;
  • Bản sao quyết định thành lập tổ chức, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy đăng ký hành nghề. Trường hợp các loại giấy tờ này bị thất lạc phải có xác nhận của cơ quan ký quyết định thành lập hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, giấy đăng ký hành nghề;
  • Bản sao tài liệu của nhà sản xuất cung cấp thông tin như được khai trong phiếu khai báo thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế. Trường hợp không có tài liệu của nhà sản xuất về các thông tin đã khai báo, tổ chức cá nhân đề nghị cấp giấy phép phải tiến hành xác định lại các thông số kỹ thuật của thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế;
  • Bản sao hợp đồng dịch vụ xác định liều chiếu cá nhân với tổ chức, cá nhân được cấp giấy đăng ký hoạt động dịch vụ đo liều chiếu xạ cá nhân;
  • Bản sao chứng chỉ nhân viên bức xạ của người phụ trách an toàn.

Trường hợp chưa có chứng chỉ, phải nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ cùng hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ. Hồ sơ gồm:

  • Đơn đề nghị cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ có dán ảnh;
  • Bản sao giấy chứng nhận đào tạo an toàn bức xạ tại cơ sở được Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép đào tạo;
  • Bản sao văn bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với công việc đảm nhiệm;
  • Phiếu khám sức khỏe tại cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên được cấp không quá 6 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ;
  • 03 ảnh cỡ 3 x 4 cm;
  • Bản dịch các tài liệu tiếng nước ngoài.

Đối với trường hợp nhận hồ sơ theo đường bưu điện: Nếu hồ sơ không đầy đủ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về nội dung, trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chuyên viên thẩm định trình lãnh đạo ra thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép bổ sung hồ sơ, tài liệu còn thiếu hoặc chỉnh sửa nội dung hồ sơ.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo (theo dấu bưu điện), cơ sở bức xạ không bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ thì Sở Khoa học và Công nghệ từ chối cấp phép và không cần hoàn lại hồ sơ.

Chuyên viên thụ lý là đầu mối theo dõi việc chuyển văn bản đến cơ sở đề nghị và chịu trách nhiệm tiếp nhận bổ sung hồ sơ của cơ sở bức xạ.

Đối với trường hợp nhận hồ sơ trực tiếp tại phòng Quản lý Chuyên ngành: Chuyên viên tiếp nhận hồ sơ kiểm tra chứng từ nộp phí thẩm định và danh mục tài liệu trong hồ sơ:

  • Nếu hồ sơ đầy đủ: ghi giấy hẹn ngày trả lời kết quả thẩm định nội dung hồ sơ (sau 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ); vào sổ theo dõi của Phòng.
  • Nếu danh mục hồ sơ còn thiếu, trả lại tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ để bổ sung tài liệu, hoàn thiện hồ sơ.

Đối với hồ sơ hoàn chỉnh: trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành tổ chức thẩm định điều kiện an toàn tại cơ sở.

Số lượng hồ sơ: 02 (bộ)

Thời hạn giải quyết: 30 ngày làm việc từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Hy vọng bài viết hữu ích đối với bạn!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ tư vấn pháp lý tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm