Thủ tục thành lập công ty cổ phần tại quận Tây Hồ – Hà Nội

bởi MinhThu

Quận Tây Hồ được xác định là trung tâm dịch vụ – du lịch, trung tâm văn hoá, là vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của Thủ đô Hà Nội. Theo định hướng phát triển của Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, quận Tây Hồ thuộc khu vực phát triển của Thành phố trung tâm. Như vậy, trong tương lai, Tây Hồ sẽ là khu vực trung tâm của Thủ đô Hà Nội. Với vị trí đó, Tây Hồ có điều kiện đặc biệt thuận lợi thu hút các nguồn lực (bao gồm cả nguồn vốn tài chính, nguồn nhân lực và khoa học – công nghệ) để thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế – xã hội của Quận nói riêng và của Thủ đô Hà Nội nói chung. Do vậy, ngày càng có nhiều các doanh nghiệp được thành lập có trụ sở đặt tại quận Tây Hồ. Để tiếp tục hỗ trợ và giúp đỡ những ai đang có nhu cầu thành lập doanh nghiệp, đặc biệt là thành lập công ty cổ phần trên địa bàn quận Tây Hồ, Luật sư X xin gửi tới quý độc giả, quý khách hàng bài viết chi tiết về thủ tục thành lập công ty cổ phần tại quận Tây Hồ.  

Căn cứ pháp lý

Luật doanh nghiệp 2014;

Văn bản hợp nhất 902/VBHN-BKHĐT năm 2019 hợp nhất Nghị định về đăng ký doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành;

Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Nội dung tư vấn

1. Công ty cổ phần là gì? 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 110 Luật Doanh nghiệp 2014, công ty cổ phần là doanh nghiệp có các đặc điểm sau:

Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;

Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;

Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác (trừ trường hợp hạn chế chuyển nhượng theo quy định của luật).

Ngoài ra, công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và được quyền phát hành cổ phần các loại để huy động vốn. Tóm lại, công ty cổ phần là công ty đối vốn – loại hình công ty không quan tâm đến nhân thân người góp vốn mà chỉ quan tâm đến phần vốn góp.

2. Có nên thành lập công ty cổ phần? 

Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng Luật sư X tìm hiểu về ưu, nhược điểm của loại hình công ty cổ phần ngay sau đây.

Ưu điểm:

  • Công ty cổ phần có chế độ trách nhiệm là trách nhiệm hữu hạn nên các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn góp nên mức độ rủi ro của các cổ đông không cao. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, chế độ trách nhiệm hữu hạn của loại hình công ty này bị phá vỡ và các công đông vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm đối với phần nợ do hành vi của mình gây ra (Ví dụ: Cổ đông phổ thông rút vốn trái với quy định pháp luật thì cổ đông đó và người có lợi ích liên quan trong công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút và các thiệt hại xảy ra).
  • Quy mô hoạt động lớn và khả năng mở rộng kinh doanh trong hầu hết các lĩnh vực ngành nghề và dễ dàng từ việc huy động vốn cổ phần;
  • Nhà đầu tư có khả năng điều chuyển vốn đầu tư từ nơi này sang nơi khác, từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác một dễ dàng và nhanh chóng thông qua hình thức chuyển nhượng, mua bán cổ phần. Việc chuyển nhượng vốn trong Công ty cổ phần là tương đối dễ dàng, do vậy phạm vi đối tượng được tham gia công ty cổ phần là rất rộng, ngay cả các cán bộ công chức cũng có quyền mua cổ phiếu của Công ty cổ phần.
  • Đối với công ty Đại chúng, công ty niêm yết trên Sàn chứng khoán thì chỉ được thành lập dưới hình thức công ty cổ phần mà không được thành lập dưới bất kỳ loại hình công ty nào khác. 
  • Việc hoạt động của công ty đạt hiệu quả cao do tính độc lập giữa quản lý và sở hữu. Cụ thể là chủ sở hữu công ty chưa hẳn là người trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh của công ty (Giám đốc/ Tổng giám đốc). Tại khoản 1 Điều 157 Luật Doanh nghiệp, công ty cổ phần có thể thuê người khác làm giám đốc điều hành hoạt động kinh doanh. Việc tách bách này giúp cho hoạt động của công ty có tính chuyên môn hoá cao hơn. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ với cơ cấu công ty, tính minh bạch trong hoạt động quản lý của công ty cổ phần tốt hơn các loại hình công ty khác.
  • Cơ cấu vốn của công ty Cổ phần là tương đối linh hoạt cũng như khả năng huy động vốn cao thông qua phát hành cổ phiếu – đây là đặc điểm ưu việt, riêng có của công ty cổ phần 

Nhược điểm:

  • Mức thuế tương đối cao vì ngoài các nghĩa vụ thuế mà công ty phải thực hiện đối với nhà nước, các cổ đông còn phải chịu thuế thu nhập cá nhân từ nguồn cổ tức và lãi cổ phần theo qui định của luật pháp;
  • Chi phí cho việc thành lập công ty khá tốn kém;
  • Khả năng bảo mật kinh doanh và tài chính bị hạn chế do công ty phải công khai và báo cáo với các cổ đông;
  • Khả năng thay đổi phạm vi lĩnh vực kinh doanh cũng như trong hoạt động kinh doanh không linh hoạt do phải tuân thủ theo những qui định trong Điều lệ của công ty, ví dụ có trường hợp phải do Đại hội đồng Cổ đông của Công ty Cổ phần quyết định;
  • Tuy cơ cấu công ty cổ phần được quy định chặt chẽ, giúp việc hoạt động kinh doanh dễ dàng hơn, nhưng thành lập và quản lý Công ty cổ phần khó khăn hơn các loại hình công ty khác do bị ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định của pháp luật, đặc biệt về chế độ tài chính, kế toán;
  • Việc quản lý và điều hành Công ty cổ phần rất phức tạp do số lượng các cổ đông có thể rất lớn, có nhiều người không hề quen biết nhau và thậm chí có thể có sự phân hóa thành các nhóm cổ động đối kháng nhau về lợi ích.

3. Trình tự, thủ tục thành lập công ty cổ phần ở quận Tây Hồ 

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ thành lập công ty cổ phần

Thành phần hồ sơ thành lập công ty cổ phần:

  • Đơn đề nghị đăng ký thành lập công ty cổ phần;
  • Điều lệ công ty cổ phần;
  • Danh sách cổ đông sáng lập;
  • Chứng minh thư nhân dân/Thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu của cổ đông;
  • Giấy CN ĐKKD/Giấy CN ĐKDN đối với tổ chức (trừ trường hợp tổ chức là Bộ/UBND tỉnh, thành phố) và kèm theo giấy tờ chứng thực cá nhân, quyết định uỷ quyền của Người đại diện theo uỷ quyền của tổ chức
  • Quyết định góp vốn của cổ đông là tổ chức

Bước 2: Nộp hồ sơ và đợi kết quả từ Phòng đăng ký kinh doanh

Theo quy định hiện hành thì nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh có thể thông qua một trong hai phương thức là:

  • Nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận “một cửa” của  Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh/ thành phố nơi dự kiến đặt địa chỉ trụ sở cho công ty  
  • Nộp hồ sơ online tại website cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại https://dangkykinhdoanh.gov.vn.

Hiện nay, Hà Nội đang trong quá trình xây dựng chính phủ điện tử nên nếu muốn thực hiện thủ tục thành lập công ty ở quận Tây Hồ thì phải:

  • Đầu tiên, truy cập vào trang wed https://dangkykinhdoanh.gov.vn và làm theo các bước hướng dẫn
  • Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày đăng ký khi nhận được sự phản hồi của cơ quan xác nhận hồ sơ hợp lệ . Sau khi hồ sơ online hợp lệ thì trong thời hạn 30 ngày bạn phải in một bản hồ sơ cứng kèm theo giấy thông báo hồ sơ đăng ký qua mạng hợp lệ để nộp cho bộ phận “một cửa” của Phòng đăng ký kinh doanh thuộc sở kế hoạch đầu tư thành phố Hà Nội (Tòa nhà B10A, Khu đô thị Nam Trung Yên, Nguyễn Chánh, Mễ Trì, Cầu Giấy, Hà Nội.)
  • Sau 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo hồ sơ hợp lệ mà bạn không nộp thì bộ hồ sơ đăng ký online sẽ bị vô hiệu. Sau khi nộp hồ sơ giấy thì cán bộ sẽ cấp cho bạn giấy biên nhận ghị ngày hẹn nhận kết quả. 
  • Nếu sau 3 ngày kể từ ngày đăng ký nhận được sự phản hồi của cơ quan chức năng xác nhận hồ sơ không hợp lệ thì phải bổ xung, sửa chữa hồ sơ.

Bước 3: Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp

Doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Nội dung công bố bao gồm các nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các thông tin về ngành, nghề kinh doanh và danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần.

Thời hạn thông báo công khai các thông tin về doanh nghiệp là 30 ngày, kể từ ngày được công khai.

Bước 4: Khắc dấu và công bố mẫu dẫu cho công ty

Sau khi có Giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp cần tiến hành việc khắc dấu. Để con dấu có hiệu lực, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục công bố mẫu dấu của công ty trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Theo quy định của Luật doanh nghiệp hiện hành thì công ty cổ phần có quyền khắc nhiều con dấu để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình.

Bước 5: Mở tài khoản ngân hàng + Thông báo số TKNH cho cơ quan đăng ký kinh doanh.

Bước 6: Đăng ký nộp thuế điện tử với cơ quan thuế và ngân hàng xác nhận đã đăng ký nộp thuế điện tử.

Bước 7: Đóng thuế môn bài

Doanh nghiệp đóng thuế môn bài qua mạng bằng cách sử dụng Chữ ký số điện tử để nộp thuế môn bài cho doanh nghiệp (Nếu bạn chưa có chữ ký số điện tử thì bắt buộc phải mua chữ ký số điện tử để thực hiện được bước đóng thuế môn bài này.

Bước 8: Đến cơ quan thuế sở tại tiến hành khai thuế ban đầu, nộp hồ sơ khai thuế ban đầu, nộp hồ sơ đặt in hóa đơn, nhận kết quả đặt in hóa đơn, in hóa đơn, thông báo phát hành hóa đơn, và cuối cùng được xuất hóa đơn VAT).

Bước 9: Thực hiện việc báo cáo thuế, và làm sổ sách hàng tháng, quý, năm

Trong giai đoạn này trở về sau, doanh nghiệp bắt buộc phải có tối thiểu 01 kế toán có trình độ chuyên môn. Doanh nghiệp có 2 phương án:

+ Thứ nhất: Thuê 01 kế toán có trình độ, kinh nghiệm thực hiện việc báo cáo thuế;

+ Thứ hai: Thuê dịch vụ kế toán tại Nam Việt Luật để thực hiện việc báo cáo thuế và tiết kiệm chi phí tối đa cho doanh nghiệp. 

Hy vọng bài viết hữu ích đối với quý độc giả!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ cho doanh nghiệp tại Việt Nam.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay.
5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm