Tội vi phạm quy định về sử dụng đất

bởi

Đất đai có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, là bộ phận không thể thiếu để hợp thành lãnh thổ quốc gia. Tuy nhiên trên thực tế thì quá trình quản lý đất đai vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Điều này gây ra không ít khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về đất đai cũng như ổn định an ninh trật tự an toàn xã hội. Do đó để hiểu rõ hơn về tội vi phạm quy định sử dụng đất hãy cùng Luật sư X tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây nhé!

Căn cứ

  • Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017;
  • Luật Đất đai năm 2013;
  • Các văn bản pháp luật có liên quan khác.

Nội dung tư vấn

1. Thế nào là tội vi phạm quy định về sử dụng đất

Trước tiên vi phạm quy định về sử dụng đất được hiểu là hành vi lấn chiếm đất hoặc chuyển quyền sử dụng đất, sử dụng đất trái với quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng đất.

Theo đó có thể hiểu tội vi phạm quy định về sử dụng đất là hành vi cố ý của một chủ thể làm trái với quy định của pháp luật về sử dụng đất đai nhằm gây thiệt hại và đủ điều kiện cấu thành tội phạm.

Tội vi phạm các quy định sử dụng đất đai được quy định tại Điều 228 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:

Điều 228. Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai

1. Người nào lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Như vậy tùy theo tính chất mức độ của hành vi phạm tội mà mức xử lý cũng sẽ có sự khác nhau. Tính chất càng nguy hiểm thì mức độ chịu phạt cũng càng cao.

2. Những dấu hiệu cấu thành tội vi phạm quy định về sử dụng đất

Cấu thành tội phạm là tổng thể các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội phạm cụ thể được quy định trong Luật Hình sự. Cấu thành tội phạm phải có đầy đủ bốn yếu tố: yếu tố khách thể ,yếu tố chủ thể, yếu tố khách quan ,yếu tố chủ quan. Theo đó tội vi phạm quy định sử dụng đất phải thỏa mãn đầy đủ các yếu tố (dấu hiệu) sau:

Thứ nhất, về khách thể:

Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến chế độ quản lý và sử dụng đất đai của Nhà nước, xâm phạm đến quyền sử dụng đất hợp pháp của người khác.

Thứ hai, yếu tố chủ thể:

Chủ thể của tội này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

Thứ ba, về yếu tố khách quan:

Dấu hiệu hành vi khách quan: Hành vi khách quan của người phạm tội này là hành vi lấn chiếm đất hoặc chuyển quyền sử dụng đất, sử dụng đất trái với các quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng đất đai. Theo đó thì người phạm tội có thể thực hiện các hành vi sau:

  • Lấn chiếm đất đai: Lấn chiếm là từ ghép chỉ hành động “lấn” và “chiếm”. Lấn là lấy thêm đất liền kề với đất của mình nhằm mở rộng diện tích, còn chiếm là dùng thủ đoạn chiếm lấy đất của người khác làm đất của mình mà trước đó mình không hề có. Tuy nhiên, trong một chừng mực nhất định thì lấn chiếm cũng có nghĩa gồm cả lấn và chiếm.

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 102/2014/NĐ-CP quy định về lấn chiếm đất như sau:

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Lấn đất là việc người đang sử dụng đất tự chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất.

2. Chiếm đất là việc sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc việc sử dụng đất do được Nhà nước giao, cho thuê nhưng hết thời hạn giao, cho thuê đất không được Nhà nước gia hạn sử dụng mà không trả lại đất hoặc sử dụng đất khi chưa thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Lưu ý: Trong trường hợp đất do Nhà nước tạm giao hoặc cho mượn trong thời gian thi công công trình rồi không trả lại đất và việc sử dụng đất công cộng hoặc đất của người khác mà không được pháp luật cho phép cũng được coi là lấn chiếm đất.

  • Chuyển quyền sử dụng đất trái với các quy định của nhà nước: Là bán đất cho người khác không đúng với quy định của nhà nước như: bán đất nông nghiệp cho người khác để làm nhà, bán đất do Hợp tác xã giao cho sản xuất cho người khác để lấy tiền tiêu xài…
  • Sử dụng đất trái với quy định của nhà nước: Là trường hợp người được giao đất đã sử dụng đất không đúng với mục đích được giao như: để đất hoang, đất giao để trồng rừng nhưng lại dùng đất đó làm nhà hàng kinh doanh, đất giao để sản xuất nông nghiệp lại dùng đất đó nuôi tôm…

Về hậu quả:

  • Đối với tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai, hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Hậu quả nghiêm trọng trong trường hợp này được hiểu là những thiệt hịa nghiêm trọng cho tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản cho con người, cho cơ quan, tổ chức và những thiệt hại nghiêm trọng khác cho xã hội.
  • Nếu hậu quả chưa nghiêm trọng, thì người có hành vi vi phạm các quy định của nhà nước về sử dụng đất đai phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa xóa án tích mà còn vi phạm thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

Các dấu hiệu khách quan khác: Ngoài hành vi khách quan, hậu quả, đối với tội vi phạm các quy định của Nhà nước về sử dụng đất đai, nhà làm luật còn quy định các dấu hiệu khách quan khác như: các quy định của nhà nước về sử dụng đất đai, các quy định này thường là của chính phủ hoặc của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Vì vậy, khi xác định hành vi vi phạm các quy định của nhà nước về sử dụng đất đai, các cơ quan tiến hành tố tụng cần nghiên cứu kỹ các văn bản của nhà nước quy định về sử dụng đất đai.

Thứ tư, yếu tố chủ quan: Người phạm tội vi phạm quy định về sử dụng đất đai thực hiện hành vi của mình là do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm quy định của nhà nước về sử dụng đất đai gây ra hậu quả nghiêm trọng, mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

Như vậy để được coi là tội phạm vi phạm quy định về sử dụng đất thì phải thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu trên. Nếu thiếu một trong các yếu tố trên thì không thể cấu thành tội phạm về đất đai.

3. Tại sao pháp luật quy định tội vi phạm quy định về sử dụng đất

Xuất phát từ những bất cập của thực tiễn thực hiện việc quản lý đất đai nên pháp luật nước ta đã đưa quy định về tội vi phạm quy định về sử dụng đất là một trong những vi phạm phổ biến hiện nay vào thành một điều khoản riêng trong Bộ luật Hình sự. Ở những địa bàn cụ thể chính các cơ quan được giao quyền quản lý lại lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, tham nhũng gây bất bình trong nhân dân, làm mất niềm tin của nhân dân đối với Nhà nước. Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng, khi triển khai thực hiện các hoạt động từ những khâu được giao đất, thuê đất, được chuyển mục đích sử dụng đất và các hoạt động trong chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, người sử dụng lại lợi dụng các quyền năng này thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước về đất đai, vi phạm pháp luật, thậm chí phạm tội về quản lý, sử dụng đất đai. Vì vậy để giải quyết tình trạng trên pháp luật đã đặt ra quy định về tội vi phạm quy định về sử dụng đất.

Mặc dù Bộ luật Hình sự 2015 có kế thừa quy định của Bộ luật Hình sự trước đây (Bộ luật Hình sự năm 1999) nhưng đã có nhiều sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn thực hiện. Cụ thể: Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tăng mức phạt tiền áp dụng cho cả trường hợp phạm tội thông thường và trường hợp phạm tội có thỏa mãn tình tiết tăng nặng định khung. Cụ thể, mức phạt tiền ở Khoản 1 Điều 228 là từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng (Khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định mức phạt là 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng); mức phạt tiền quy định ở Khoản 2 Điều 228 là từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng); (Khoản 2 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định mức phạt là 30.000.000 triệu đồng đến 100.000.000 triệu đồng); bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự 2015 quy định tính chất là hình phạt bổ sung được sửa đổi theo hướng tăng mức phạt so với quy định tương ứng của Bộ luật Hình sự năm 1999. Cụ thể, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định phạt tiền với tính chất là hình phạt bổ sung có mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, còn Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định mức phạt tiền với tính chất là hình phạt bổ sung là từ 5.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng.

Chung quy lại, tội vi phạm quy định về sử dụng đất được quy định chi tiết thành một điều khoản trong Bộ luật Hình sự 2015. Đồng thời có sự thay đổi, bổ sung so với Bộ luật Hình sự trước đây nhằm phù hợp với thực tiễn thực hiện với mong muốn giảm thiểu những tội phạm về sử dụng đất, giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm cho tài sản quý giá của quốc gia được phát triển và khai thác hợp lý.

Hy vọng bài viết hữu ích với bạn đọc!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về luật sư hình sự tại Việt Nam.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay qua hotline: 0833.102.102
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm