Tự sản xuất điện có phải xin phép

bởi Vudinhha

Thời gian gần đây dư luận đang xôn xao về việc giá điện tăng mạnh dẫn tới hóa đơn tiền điện tháng 4/2019 của nhiều hộ gia đình tăng tới 35%. Trước tình hình đó, câu hỏi đặt ra là liệu có được phép tự sản xuất điện để sử dụng hay không?

Căn cứ:

  • Luật điện lực số 12/2012/QH13;
  • Thông tư 36/2018/TT-BCT

Nội dung tư vấn

1. Tổ chức, cá nhân có được phép sản xuất điện không

Trước kia trong thời bao cấp, ngành điện là một trong những ngành được nhà nước độc quyền phân phối, cấp phát. Tuy nhiên từ khi Nghị định số 45/2001/NĐ-CP, trên danh nghĩa nhà nước đã không còn nắm giữ sự độc quyền này nữa, vì đã cho các tổ chức có năng lực tham gia vào việc sản xuất điện nhằm sử dụng và phân phối điện. Bên cạnh đó cũng cho phép các hộ gia đình tự sản xuất điện để đáp ứng nhu cầu sử dụng. 

Tuy vậy thì từ thực tế thấy rằng, điện là một yếu tố tối quan trọng đối với việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và trong đời sống sinh hoạt của người dân. Do có những tính chất đặc thù như vậy nên hiện nay ngành điện vẫn chịu sự điều tiết mạnh của nhà nước mặc dù đã đi vào giai đoạn cạnh tranh được gần 20 năm. Vốn là một ngành kinh doanh có điều kiện nên các tổ chức, cá nhân có nhu cầu muốn sản xuất, phân phối điện thì phải thực hiện những thủ tục xin cấp phép và được các cơ quan quản lý nhà nước về điện lực cấp phép thì mới được sản xuất điện theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BCT. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ.

2. Những trường hợp ngoại lệ được phép sản xuất điện mà không phải xin phép

Căn cứ theo Điều 3 Thông tư số 36/2018/TT-BCT quy định 4 trường hợp ngoại lệ sẽ được miễn trừ không phải làm thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động trong ngành điện, cụ thể từng trường hợp như sau:

Điều 3. Trường hợp miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực

1. Phát điện để tự sử dụng không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

2. Phát điện có công suất lắp đặt dưới 01 MW (01 MWp đối với nhà máy điện mặt trời lắp đặt tại 01 địa điểm và 01 điểm đấu nối) để bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

3. Kinh doanh điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo mua điện với công suất nhỏ hơn 50 kVA từ lưới điện phân phối để bán điện trực tiếp tới khách hàng sử dụng điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo.

4. Điều độ hệ thống điện quốc gia và điều hành giao dịch thị trường điện lực.

Cụ thể,

  •  Phát điện để tự sử dụng không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

Đấy là những trường hợp các tổ chức, doanh nghiệp có khả năng và nhu cầu tự sản xuất điện để tự phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó còn là các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu và khả năng tự sản xuất điện để dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Thực tế thấy rằng hiện nay việc sử dụng năng lượng mặt trời là rất phổ biến, giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí cho việc sử dụng điện năng. Ngoài ra năng lượng gió cũng đang được nghiên cứu và được xem là một trong những nguồn năng lượng thay thế trong thời đại mới.

Như vậy, hai nhóm đối tượng nêu trên tự sản xuất điện và tự sử dụng mà không bán điện cho các tổ chức, cá nhân khác thì sẽ không cần làm thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động.

  • Phát điện có công suất lắp đặt dưới 01 MW (01 MWp đối với nhà máy điện mặt trời lắp đặt tại 01 địa điểm và 01 điểm đấu nối) để bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

Các tổ chức doanh nghiệp vận hành nhà máy sản xuất điện dưới 01 MW (01 MWp đối với nhà máy điện mặt trời) vốn là những nhà máy có quy mô rất nhỏ. Việc sản xuất, kinh doanh điện của họ không làm tác động mạnh tới thị trường điện, không có nguy cơ tác động và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Mặc dù họ vẫn có chức năng bán điện cho các tổ chức, cá nhân khác nhưng phạm vi, số lượng của những đối tượng họ bán là không nhiều. Do đó, pháp luật cũng không quy định bắt buộc những đối tượng này phải làm thủ tục xin cấp phép hoạt động.

  • Kinh doanh điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo mua điện với công suất nhỏ hơn 50 kVA từ lưới điện phân phối để bán điện trực tiếp tới khách hàng sử dụng điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo.

Dựa vào đặc thù của các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo là các nơi có đời sống kinh tế khó khăn, địa hình địa lý phức tạp và cần thiết phải khuyến khích đầu tư trên mọi linh vực, nhất là đối với các sản phẩm thiết yếu liên quan đến đời sống của người dân như điện. Do đó, để tạo điều kiện cho các tổ chức tham gia vào cung ứng điện tại các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo thì pháp luật cũng quy định miễn trừ thủ tục xin cấp phép hoạt động đối với các nhà máy, cơ sở mua điện từ mạng lưới điện quốc gia để phân phối lại cho những người dân sinh sống trên địa bàn nêu trên.

  • Điều độ hệ thống điện quốc gia và điều hành giao dịch thị trường điện lực.

Đây là 2 hoạt động vô cùng quan trọng của ngành điện nhằm điều tiết cũng như ổn định thị trường điện. Đây cũng là 2 phương thức chủ đạo của nhà nước trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ngành điện. Cơ quan thực hiện 2 hoạt động nêu đều là các doanh nghiệp nhà nước và trực thuộc tập đoàn EVN. Trong đó Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia trực thuộc tập đoàn EVN thực hiện chức năng điều tiết hệ thống điện trên phạm vi toàn quốc. Và việc điều hành các giao dịch thị trường điện nhằm bình ổn, điều chỉnh giá điện do Tập đoàn EVN phụ trách (Căn cứ theo Thông tư 45/2018/TT-BCT)

Tóm lại, việc tự sản xuất, kinh doanh điện là hoạt động hợp pháp được nhà nước cho phép. Tuy nhiên đối với những dự án lớn, các nhà máy hoạt động với công suất cao thì sẽ phải làm thủ tục xin cấp phép hoạt động. Còn đối 4 trường hợp nêu trên sẽ được hưởng quyền miễn trừ không phải làm thủ tục xin cấp phép hoạt động kinh doanh điện.

Mong rằng bài viết sẽ hữu ích cho bạn!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay 0833102102
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm