Xem trộm thư từ của người khác bị xử lý thế nào?

bởi Luật Sư X
Xem trộm thư từ của người khác bị xử lý thế nào?

Bạn nghĩ như thế nào về hành vi xem trộm thư từ của người khác? Nhiều người nghĩ rằng đó là bạn thân, là gia đình,…. nên có thể xem thoải mái, vô tư. Nhưng bạn có biết hành vi xem thư của người khác bất kể là ai đi chăng nữa nhưng không được sự đồng ý của chủ thư thì hành vi đó sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Thật ngạc nhiên phải không nào? Vậy cụ thể cách thức xử lý hành vi này thế nào hãy cùng luật sư X tìm hiểu ngay trong nội dung bài viết dưới đây nhé!

Căn cứ pháp lý

  • Hiến pháp năm 2013;
  • Bộ luật Dân sự năm 2015;
  • Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;
  • Các văn bản pháp luật có liên quan khác. 

Nội dung tư vấn

1. Hành vi xem trộm thư từ của người khác là gì?

Thư từ được hiểu là một dạng văn bản chứa đựng những thông tin mà một người muốn báo sang cho một hoặc nhiều người khác, phụ thuộc vào ý chí của người gửi.

Xem trộm được hiểu đơn giản là hành vi lén lút của một người tự ý bóc mở tài liệu của người khác mà không được sự cho phép của chủ sở hữu.

Từ đó có thể đưa ra cách hiểu khái quát nhất về hành vi xem trộm thư từ của người khác chính là hành vi lén lút của một người tự ý xem thư của người khác mà chưa được sự đồng ý của người đó. Hành vi này chính là hành vi xâm phạm đến quyền riêng tư của mỗi chủ thể.

2. Quy định pháp luật về hành vi xem trộm thư từ của người khác

Cá nhân là một thực thể của tự nhiên và là chủ thể của quan hệ xã hội. Cá nhân với tư cách chủ thể độc lập trong quan hệ xã hội, quan hệ dân sự, kinh tế, lao động, thương mại và các quan hệ khác trong phạm vi thời gian và không gian nhất định. Do vậy mỗi cá nhân có đời sống riêng tư, nội hàm của đời sống riêng tư có bí mật cá nhân.

Tại Điều 21 Hiến pháp năm 2013 có quy định:

Điều 21. 

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Thông tin về đời sống riêng tư được pháp luật bảo đảm an toàn.

2.Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.

Đồng thời căn cứ Điều 38 Bộ Luật dân sự 2015 có quy định:

Điều 38. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

1. Đời sống riêng tư bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Đời sống riêng tư của cá nhân là những sự việc, quan hệ liên quan đến cá nhân, mà cá nhân giữ cho riêng mình, thể hiện sự chủ động, tự do và tự mình thực hiện các hành vi để phục vụ cho đời sống của riêng mình. Sự khép kín của đời sống riêng tư của cá nhân mà cá nhân không muốn chia sẻ, bộc lộ cho người khác biết và cá nhân xem như những lợi ích tinh thần của bản thân và tự mình, duy nhất mình có quyền thủ đắc và tự cân bằng cuộc sống trong mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… Các quan hệ xã hội khác mà cá nhân luôn luôn chủ động, tự chủ giữ gìn trong đời sống riêng tư về nơi ở, quan hệ liên quan đến cá nhân. Đời sống riêng tư của cá nhân là những lợi ích tinh thần của cá nhân có mối liên hệ với tài sản hoặc không có mối liên hệ với tài sản. Đời sống riêng tư của cá nhân là quyền nhân thân tuyệt đối của cá nhân. Đời sống riêng tư của cá nhân như một sự lựa chọn tự thân của cá nhân, tuy rằng các yếu tố khác trong quan hệ xã hội và trong bản thân của sự sống nhân loại luôn luôn có sự tác động trực tiếp hay gián tiếp đến đời sống riêng tư của cá nhân.

Xét về mặt quan hệ pháp lý, quyền về đời sống riêng tư của cá nhân là quyền do luật định. Việc thực hiện quyền này và mức độ thực hiện đến đâu là do chính cá nhân định đoạt bằng hành vi của mình, vì mình, cho riêng mình và tự do hưởng dụng những lợi ích nào đó cho riêng mình, chỉ là của mình và không ai được xâm phạm.

Như vậy, Pháp luật quy định cá nhân đều có quyền riêng tư, bất khả xâm phạm, bí mật cá nhân…nhìn nhận một cách chung nhất bí mật riêng tư là những gì điều, những thứ thuộc về cá nhân được giữ kín, không công khai, không tiết lộ ra. Hiến pháp công nhận cá nhân có quyền bất khả xâm phạm về bí mật riêng tư cá nhân. Luật dân sự quy định quyền bí mật riêng tư được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Hành vi tự ý xem thư của người khác là hành vi vi phạm pháp luật về bí mật riêng tư cá nhân và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Điệu kiện phát sinh trách nhiệm của người có hành vi xem trộm thư từ của người khác

Điều kiện phát sinh trách nhiệm dân sự

Thứ nhất, Có hành vi trái pháp luật

Các quyền nhân thân về đời sống riêng tư là các quyền dân sự. Mọi cá nhân có năng lực pháp luật dân sự ngang nhau, do các quyền nhân thân này được pháp luật bảo vệ theo cơ chế pháp luật. Các quyền nhân thân về đời sống riêng tư bất khả xâm phạm. Hành vi xâm phạm đến các quyền nhân thân này là hành vi trái pháp luật. Người có hành vi xâm phạm các quyền nhân thân của cá nhân trái pháp luật phải chịu trách nhiệm dân sự như xin lỗi, cải chính, bồi thường thiệt hại và căn cứ vào hành vi gây thiệt hại và nếu động cơ của chủ thể gây thiệt hại, mức độ thiệt hại là nghiêm trọng thì người gây thiệt hại có hành vi trái pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thứ hai, Có thiệt hại về lợi ích tinh thần

Những thiệt hại về quyền nhân thân do hành vi trái pháp luật gây ra được xác định là hành vi làm tổn thất về tinh thần cho cá nhân, gia đình công dân xác định được, người gây thiệt hại có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người bị thiệt hại.

Thứ ba, Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi xâm phạm quyền về đời sống riêng tư và thiệt hại về vật chất, về tinh thần cho người bị thiệt hại

Quan hệ này là mối quan hệ phổ biến, quan hệ biện chứng giữa hành vi gây thiệt hại xảy ra. Hành vi gây thiệt hại về đời sống riêng tư là nguyên nhân của thiệt hại về vật chất và những tổn thất về tinh thần của người bị thiệt hại.

Thứ tư, Người có hành vi xâm phạm đời sống riêng tư của cá nhân là người có lỗi

Lỗi có thể là vô ý hoặc cố ý. Cho dù người xâm phạm đến các quyền nhân thân này có lỗi do vô ý hoặc cố ý đều có trách nhiệm bồi thường. Người xâm phạm đời sống riêng tư có lỗi cố ý và có tính hệ thống thường xuyên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xác định hành vi xâm phạm đời sống riêng tư thỏa mãn 04 điều kiện trên thì người có hành vi trái pháp luật phải bồi thường cho người bị thiệt hại, tính chất của trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Điều kiện phát sinh trách nhiệm hình sự

Các yếu tố cấu thành tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác.

Mặt khách quan: Mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu sau:

  • Về hành vi: Có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác cụ thể là bóc thư xem trộm mà không được chủ của các đối tượng đó đồng ý;
  • Dấu hiệu khác: Người thực hiện hành vi này phải đã xử lý kỷ luật hoặc bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản tội này.

Khách thể:

Hành vi phạm tội đã xâm phạm đến quyền được bảo đảm bí mật và an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của công dân.

Lưu ý:

Đối tượng của tội phạm này là thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân.

Mặt chủ quan:

Ngươi phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

Chủ thể:

Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

4. Xử lý vi phạm đối với người có hành vi xem trộm thư từ của người khác

Về trách nhiệm dân sự: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, cụ thể:

Những khoản bồi thường thiệt hại do quyền nhân thân bị xâm phạm là bồi thường thiệt hại về vật chất và bồi thường thiệt hại về tinh thần theo quy định tại Điều 592 BLDS năm 2015.

Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

c) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Như vậy người có hành vi xâm phạm không chỉ phải bồi thường về vật chất mà còn phải bồi thường về tinh thần cho người bị xâm phạm.

Về trách nhiệm hình sự:

Theo quy định tại Điều 159 – Bộ luật hình sự năm 2015 về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác như sau:

Điều 159. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào;

b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông;

c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;

d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật;

đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;

đ) Làm nạn nhân tự sát.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vây, nếu trước đó người vi phạm đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi xâm phạm bí mật riêng tư mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Phạm tội trong trường hợp: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội nhiều lần; Gây hậu quả nghiêm trọng; thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm theo quy định của pháp luật.

Trên thực tế tình trạng xâm phạm các loại thư tín, điện thoại, điện tín hoặc xâm phạm các loại hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác xảy ra thường xuyên, khá phổ biến nhưng việc truy cứu trách nhiệm hình sự hay đặt ra vấn đề xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm này còn rất hạn chế. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng xảy ra phổ biến là do người phạm tội chưa ý thức được hành vi của mình, người bị thiệt hại không biết hoặc biệt nhưng bỏ qua, chỉ yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp có thiệt hại, hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng xảy ra. Cho nên các vụ án về tội phạm này cũng rất hiếm hoi trên thực tế.

Hy vọng bài viết hữu ích đối với bạn!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư dân sự tại Việt Nam.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay.

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm