Bên cạnh những trường hợp hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất năng lực hành vi dân sự theo quy định Bộ luật dân sự 2005 đã quy định, nay BLDS 2015 bổ sung thêm trường hợp người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Đây là bổ sung cần thiết phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, đây là khái niệm rất mới và phức tạp nên nhiều người thường dễ nhầm lẫn. Bài viết dưới đây Luật sư X xin trả lời thắc mắc thế nào là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Căn cứ pháp lí
- Bộ luật dân sự năm 2015
- Các văn bản pháp luật khác liên quan
Nội dung tư vấn
1. Thế nào là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi?
Điều 23 Bộ luật dân sự 2015 đưa ra khái niệm về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi:
“Điều 23. Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
1. Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ”.
Như vậy, để xác định một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải có đủ các điều kiện:
- Về khả năng nhận thức và điều kiện hành vi: người thành niên trong tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự;
- Có yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan;
- Có kết luận giám định pháp y tâm thần;
- Có quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
2. Pháp luật về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
Trong Bộ luật dân sự năm 2015, khái niệm “Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi” được xuất hiện 22 lần, ghi nhận trong 15 Điều luật, gồm: Điều 23, Điều 25, Điều 33, Điều 46, Điều 47, Điều 54, Điều 57, Điều 58, Điều 59, Điều 125, Điều 132, Điều 136, Điều 156, Điều 586, Điều 632.
Khung pháp lý điều chỉnh quan hệ pháp luật dân sự của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi như sau:
- Khái niệm;
- Giám hộ (quyền và nghĩa vụ người giám hộ, phạm vi giám hộ);
- Đại diện;
- Giao dịch dân sự do người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi xác lập;
- Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
3. Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trong các giao dịch dân sự
Mặc dù không phải là đối tượng mất mất năng lực hành vi dân sự, tuy nhiên cũng không giống với người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cũng gặp nhiều “hạn chế” trong việc thực hiện quyền của mình.
Điều này có nghĩa là khi tham gia vào các giao dịch dân sự với những người có khả năng nhận thức bình thường thì rõ ràng có sự không cân xứng giữa các bên chủ thể. Khi đó, những người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thường sẽ có những thiệt thòi – sự bất bình đẳng
Do đó, đối với giao dịch dân sự của người có khó khăn trong nhận thức, điều khiển hành vi thì Điều 125 BLDS 2015 quy định:
“Điều 125. Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện
1. Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Giao dịch dân sự của người quy định tại khoản 1 Điều này không bị vô hiệu trong trường hợp sau đây:
a) Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó;
b) Giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ;
c) Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự”.
Với quy định trên, quyền và lợi ích hợp pháp của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được bảo vệ một cách triệt để. Những người này được xem là những người “yếu thế” khi tham gia xác lập các giao dịch dân sự.
Bản thân những người này vẫn có khả năng để nhận thức và làm chủ hành vi ở một mức độ hạn chế, do đó, không thể dùng quy định về mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự để áp dụng cho họ. Bên cạnh đó, không hạn chế khả năng tham gia các giao dịch dân sự của họ này mà vẫn tạo ra sự linh hoạt nhất định nhằm đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của người đó. Bởi lẽ, họ vẫn có thể tự mình xác lập thực hiện các giao dịch dân sự trong phạm vi nhất định.
Ngoài ra, vì sự giới hạn trong khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của những đối tượng này, nên một số giao dịch phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người đó.
Hy vọng bài viết hữu ích cho bạn!
Trân trọng
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay qua hotline: 0833.102.102